Do không chữa được căn bệnh yếu kém về quản lý nên nhiều năm nay giá thuốc vẫn nhảy múa vô chừng, làm cho người bệnh đã ốm lại càng thêm đau.
Nhiều lần các chuyên gia trong lĩnh vực dược cho rằng, nên thay đổi một số điều trong Luật Dược ra đời năm 2005 để phù hợp với việc quản lý hiện tại. Nhưng mọi chuyện vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều kẽ hở vì thế vẫn tồn tại.
Theo quy định các cơ sở sản xuất, nhập khẩu phải kê khai giá thuốc trước khi lưu hành trên thị trường; khi thay đổi giá, phải kê khai lại với cơ quan quản lý có thẩm quyền và bảo đảm giá thuốc không cao hơn các nước trong khu vực có điều kiện kinh tế tương đương Việt Nam. Việc làm này xem ra đã quá lỗi thời và tạo ra vô số kẽ hở để các công ty dược trong và ngoài nước mặc sức tung hứng với giá thuốc.
Kẽ hở mà các hãng dược thọc vào chính là làm giá thuốc trước khi đưa vào Việt Nam. Chưa hết, nhiều công ty kê khai giá ban đầu lên tận trời mà không bị ai kiểm chứng sau đó cứ từ từ bán ra hay tăng giá nhưng vẫn không bị xử lý.
Nhiều doanh nghiệp dược còn lòng vòng bán thuốc qua nhiều tầng nấc trung gian…đến khi thuốc vào tay người bệnh giá trị thực của viên thuốc đã đội lên cả hàng trăm lần. Đau thay, những viên thuốc ăn hàng loạt thứ phí từ hoa hồng đến vận chuyển ấy lại do người bệnh gánh trả trong khi đau ốm.
Cục Quản lý dược cho rằng sẽ áp dụng biện pháp quản lý bằng thặng số bán buôn tối đa toàn chặng để kìm cương giá thuốc. Theo đó, thuốc nhập khẩu được tính từ giá nhập khẩu thực tế về đến Việt Nam, điểm cuối là giá trúng thầu tại bệnh viện. Còn thuốc nội điểm đầu được tính từ giá thành sản xuất, điểm cuối là giá trúng thầu tại bệnh viện.
Tuy nhiên mức thặng số bán buôn tối đa toàn chặng lại cho cao nhất khoảng 90% giá trị của thuốc. Việc siết về mức lợi nhuận tối đa này xem ra khả thi nhưng việc lách luật đối với các công ty dược không khó khi cho khai tăng giá đầu vào lên xấp xỉ mức cho phép để báo cáo bởi giá gốc thực sự của từng loại thuốc nhập khẩu vẫn khó xác định được. Đến nay những giải pháp này vẫn chưa thấy hiệu quả.
Hiệp hội sản xuất kinh doanh dược Việt Nam tháng nào khảo sát mặt hàng thuốc cũng thấy giá tăng hơn giảm, ngoại tăng hơn nội. Nhưng mỗi lần giá tăng, dân chúng phản ánh, thanh tra lại ra quân vào cuộc, sau đó hô hào quyết liệt rồi đâu lại vào đấy.
Mới đây, ngày 18-10, Chính phủ đã ban hành một số quy định xử phạt liên quan đến quản lý giá thuốc. Theo đó các cơ sở vi phạm việc bán thuốc cao hơn giá niêm yết hay không niêm yết hoặc niêm yết không đầy đủ, không đúng quy định giá các mặt hàng thuốc đang bày bán sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.
Tuy nhiên mức xử lý hành chính này xem ra chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận chót vót bằng những thủ đoạn mà các công ty dược có được. Có nhiều giải pháp, nhưng trước khi triển khai nó cần điều trị căn bệnh lơ là trong quản lý giá thuốc đang ngày một nặng hơn. Nếu không, nó cũng đồng nghĩa người bệnh phải sống chung với sự phập phù, biến thiên của thuốc dài dài.
Ngọc Lâm