Bên tượng đài nữ anh hùng điệp báo

Bên tượng đài nữ anh hùng điệp báo
TP - Đầu năm nay, Anh hùng liệt sĩ ngành Công an Nguyễn Thị Lợi, quê ở  An Giang, được dựng tượng ở Sầm Sơn, Thanh Hóa - nơi diễn ra chiến công oai hùng của chị một mình mang thuốc nổ đánh đắm một tàu chiến Pháp, tiêu diệt 200 sĩ quan, binh lính Pháp vào 27/9/1950. Chiến công cảm tử của chị  được nhà văn Văn Phan viết thành Tiếng nổ trên chiến hạm Amyot D’Inville- tác phẩm được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải Tôn vinh đặc biệt dịp 27/7 vừa qua.
Bên tượng đài nữ anh hùng điệp báo ảnh 1

Tượng đài nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi.

Tôi đứng lặng giữa nắng gió Sầm Sơn, trước tượng đài anh hùng Liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi bên con đường Hồ Xuân Hương ven biển. Lòng tôi bừng lên một cảm xúc vừa tự hào, vừa kính trọng lại có gì như lãng mạn. Tượng đài màu trắng, đẹp, toát lên vẻ thiêng liêng và tâm linh, lại đặt trên một địa thế đắc địa ở Sầm Sơn. Riêng ở Thanh Hóa thì sau tượng đài Anh hùng dân tộc Lê Lợi ở khuôn viên lớn của UBND tỉnh, Tượng đài Thanh niên xung phong ở gần Hàm Rồng, thì tượng anh hùng liệt sĩ Nguyễn Thị Lợi là một ấn tượng mạnh, có tính tâm linh và ý nghĩa giáo dục cao.

Sầm Sơn - mảnh đất vốn mang trong mình bao truyền thuyết, sự tích, đầy chất tâm linh và văn hóa, lại gắn với sự kiện chiến hạm Amyot D’Inville của thực dân Pháp bị một người phụ nữ Việt Nam cho nổ tung  trên biển ngày 27 tháng 9 năm 1950 - sự kiện được thế giới biết đến và làm nước Pháp rung chuyển -  càng thêm lung linh huyền thoại.

Anh hùng Nguyễn Thị Lợi, sinh năm 1911, quê An Giang. Sau khi kết hôn, chị sống ở miền Bắc với chồng và hai con, một gái, một trai. Được một thời gian, chị để con gái ở quê chồng rồi lên đường đưa con trai về Nam. Trên đường con trai chị mất. Đau đớn, tuyệt vọng, chị dừng chân lại Thanh Hóa, được gia đình đồng chí Hoàng Đạo (lúc ấy là trưởng Ty Công an Thanh Hóa, Tổ trưởng Tổ Điệp báo A13) cưu mang. Hoàng Đạo bố trí cho chị làm cấp dưỡng trong Ty Công an. Sau đó, đồng chí Hoàng Đạo thấy chị  Lợi là người phụ nữ bản lĩnh, thông minh, kiên trung  nên kết nạp vào tổ điệp báo.

Chiến dịch Việt Bắc, Thu - Đông 1947, Pháp thất bại. Chính phủ bù nhìn Bảo Đại được thực dân Pháp hỗ trợ, âm mưu thâm độc dùng người Việt trị người Việt. Bằng nghiệp vụ bí mật, ta đã đưa được Hoàng Đạo cùng một đồng đội của ông (Tổ điệp báo A13) chui sâu vào hàng ngũ của địch, bản thân ông lên đến chức Quốc vụ khanh Chính phủ Bảo Đại. Để khống chế vị Quốc vụ khanh mà có vợ còn ở lại vùng tự do Thanh Hóa, Pháp đề nghị Hoàng Đạo đưa phu nhân ra Hà Nội chung sống với chồng. Biết địch đã nghi ngờ, ta quyết định rút Hoàng Đạo đi làm nhiệm vụ khác nhưng đồng thời tương kế tựu kế đánh bom thông báo hạm Amyot D’Inville, chiếc tàu chở nhiều sĩ quan binh lính địch cùng quân trang quân dụng mà chúng điều đến khu vực ngoài khơi Sầm Sơn để bí mật đón phu nhân Quốc vụ khanh.

Nhưng ai sẽ là người đủ bản lĩnh để đóng vai vị phu nhân đem va li thuốc nổ lên tàu và hy sinh thân mình kích nổ? Tổ điệp báo A13 đang chưa có giải pháp thì chị Lợi xung phong nhận nhiệm vụ. Để được tổ chức chấp nhận giao nhiệm vụ cảm tử, chị đã có thư đề nghị rất cảm động. Trong đó, chị  viết: “Tôi Nguyễn Thị Lợi, quê Phú Châu - Châu Đốc, chiến sĩ tình báo, xin tình nguyện hy sinh cho Tổ quốc, rửa nhục cho thù nhà…”.

Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 9 năm 1950, nữ chiến sĩ điệp báo cảm tử mang bí danh A16 trong vai phu nhân của Quốc vụ khanh được 4 người của ta đóng vai dân chèo thuyền đưa ra tàu chiến Pháp Amyot D’Inville đang thả neo đợi ở ngoài khơi Sầm Sơn. Chị Lợi lên tàu, xách theo chiếc va li đựng 30 kg thuốc nổ. Chị vào phòng riêng được bố trí trên tàu và ít phút sau, tiếng nổ long trời biển Sầm Sơn báo tin Nguyễn Thị Lợi đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với Tổ quốc.

Theo kể lại của những người trong cuộc, đêm đó có gió lớn, biển động mạnh, kế hoạch tưởng như đổ vỡ. Nhưng chị Lợi và các đồng chí kiên quyết hành động. Thuyền nhỏ ra đến chiến hạm, địch thả thang dây từ boong khá cao xuống. Chị Lợi mặc chiếc áo dài màu trắng ngà đã cố gắng để leo lên tàu bằng chiếc thang đó.

Trận đánh của chị Lợi là một trong những chiến công tiêu biểu nhất của ngành Công an trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1951, Hồ Chủ tịch quyết định phong tặng Huân chương Quân công hạng ba cho chị. Ngày 3/8/1995, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho Nguyễn Thị Lợi. Cuộc đời ngắn ngủi 39 tuổi của người nữ anh hùng là một khúc bi tráng mà phải đọc tiểu sử của chị mới thấy hết được ý nghĩa và việc làm của chị trước hoàn cảnh lịch sử Việt Nam năm 1950.   

Máu xương của người liệt nữ đã hòa vào biển khơi, nhưng đất nước Việt Nam, ngành Công an nói chung và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, thị xã Sầm Sơn nói riêng không bao giờ quên người nữ anh hùng của mình. Ở Sầm Sơn có con đường Nguyễn Thị Lợi, ngôi trường mang tên Nguyễn Thị Lợi, trong khuôn viên của trường có tượng của chị. Tượng chị cũng có trong khuôn viên trụ sở Công an Thanh Hóa, một địa chỉ tâm linh với tất cả các chiến sĩ công an của tỉnh này. Những chiến sĩ an ninh Thanh Hóa trước khi lên đường nhận nhiệm vụ mới đều đến dâng hương trước tượng Nguyễn Thị Lợi để mong chị phù hộ cho họ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Năm 2017, năm quốc gia về kỷ niệm 70 năm Thương binh Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017). Cùng với rất nhiều sự kiện dày đặc về tổ chức các hoạt động kỷ niệm và tôn vinh các anh hùng liệt sĩ, tỉnh Thanh Hóa đã làm một việc rất có ý nghĩa: Xây dựng và khánh thành tượng đài Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Lợi ở khu du lịch quốc gia thuộc thành phố Sầm Sơn. Đứng trước tượng của người phụ nữ Việt Nam anh hùng này, tôi nghĩ nó có mang một ý nghĩa lịch sử và tâm linh to lớn không chỉ ở tầm cỡ chỉ đại diện cho An Giang quê hương chị, hay Thanh Hóa nơi chị đã sống và anh dũng hy sinh.

Công trình rất đẹp, sâu sắc, lại đặt ở một khu vực đông du khách trong nước và quốc tế để họ được nghe sự tích về người liệt nữ, được chiêm bái, chụp ảnh kỷ niệm.

Bên tượng đài nữ anh hùng điệp báo ảnh 2 Chiến hạm Amyot D’Inville.

Từ sự kiện đánh đắm chiến hạm Amyot D’Inville của nữ anh hùng Nguyễn Thị Lợi, tôi nghĩ về tầm vóc lớn lao và tinh thần yêu nước của những người đàn bà Việt Nam. Với truyền thống văn hóa và đạo đức Á Đông, người đàn bà tiêu chuẩn là phải theo những khuôn mẫu Nho giáo: Tam tòng, tứ đức. Nhưng ở vào những thời điểm sinh tử của Tổ quốc, những người đàn bà Việt vụt đứng lên với tầm vóc mới, như những câu thơ trong Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm: “Khi giặc đến người con trai ra trận / Người con gái ở nhà nuôi cái cùng con / Giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh…”. Nguyễn Thị Lợi là một trường hợp như thế nhưng ở chiều kích đặc biệt. Tôi cứ hình dung hình ảnh của sự kiện đã hơn nửa thế kỷ ấy: Người đàn bà Việt chân yếu tay mềm, một mình đàng hoàng lên chiếc tàu chiến đầy nhóc kẻ thù với chiếc va li đầy thuốc nổ, tự tay kích hoạt, hy sinh thân mình để tiêu diệt chúng. Sự việc xảy ra ngắn ngủi nhưng để lại một sự tích anh hùng trong lịch sử chiến tranh cách mạng. Thời gian càng lùi xa, những sự tích anh hùng càng bộc lộ rõ hơn và tính chất bi tráng, tính anh hùng ca càng sâu sắc hơn.

Hào khí ngất trời của người phụ nữ Nam bộ Nguyễn Thị Lợi khiến tôi nghĩ đến Triệu Thị Trinh, người con gái xứ Thanh dám hy sinh hạnh phúc riêng của mình, dám đạp bằng mọi trở ngại vì nghĩa lớn. Ngẫm về Nguyễn Thị Lợi, tôi nghĩ đến  những gương anh hùng của những người đàn bà xứ Thanh bình dị khác như các chị Nguyễn Thị Hằng, Trương Thị Tuyển vv... trong cuộc thử lửa với đế quốc Mỹ ở Hàm Rồng lịch sử trong những ngày tháng khốc liệt nửa thế kỷ trước...

Họ là những người đàn bà mà sử sách lưu danh, đất nước - nhân dân mãi nhớ tên và tự hào.

Hà Nội, mùa Trung thu năm 2017

Amyot D’Inville - chiến hạm Pháp bị Anh hùng Nguyễn Thị Lợi dùng thuốc nổ đánh đắm đã từng tham gia cuộc Chiến tranh thế giới II. Đây là một trong những Thông báo hạm lớn nhất của Pháp hoạt động ở khu vực biển Thái Bình Dương thời kỳ đó. Đầu những năm 1950, chiến hạm Amyot D’Inville được điều đến vùng biển Thanh Hóa – Nghệ An theo kế hoạch đánh chiếm vùng đất này của thực dân Pháp.

Khi hy sinh, Nguyễn Thị Lợi để lại một con gái nhỏ 6 tuổi tên là Nguyễn Tường Vân. Tường Vân sống với ông bà nội ở Hưng Yên. 15 tuổi chị mới biết mình có người mẹ hy sinh oanh liệt như vậy. Đồng chí Hoàng Đạo tìm được Tường Vân năm chị 17 tuổi và nói ngay khi gặp mặt: “Bác đã tìm được con rồi thì từ nay con là con gái của bác”. Ngành công an đã nuôi chị trưởng thành, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Công nghiệp.

Hiện nay, bà Tường Vân sống ở TP Hồ Chí Minh.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.