Câu lạc bộ thơ - Vàng, thau lẫn lộn - Bài 2:

Bên trong những câu lạc bộ thơ ngàn người

Đại diện CLB Thơ Việt Nam đón nhận Bằng xác lập kỷ lục
Đại diện CLB Thơ Việt Nam đón nhận Bằng xác lập kỷ lục
TP - Ngày 28 tháng 10 vừa qua, Câu lạc bộ Thơ Việt Nam (CLB Thơ Việt Nam) đã hân hoan đón nhận bằng xác lập kỷ lục câu lạc bộ thơ (CLB thơ) có số lượng hội viên nhiều nhất Việt Nam, con số chính xác là 11.878 hội viên trên toàn quốc. Ngoài ra, cũng có một số câu lạc bộ thơ khác trên đất nước ta có lượng thành viên đạt tới ngàn người.

Ở bài trước (TPCN số 301), ông Hoàng Ngọc Thành, nhân vật gắn bó với CLB Thơ Việt Nam tiết lộ với phóng viên TPCN: Số lượng thành viên của CLB trên 13.000 người. Nhưng Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác nhận tổng số thành viên là 11.878 người. Trên trang cá nhân của ông Vũ Dương Tá, Chủ tịch CLB Thơ Việt Nam có những dòng như sau: “Xin được phép thay mặt toàn thể 12.000 cán bộ và hội viên CLB Thơ Việt Nam trong toàn quốc cảm ơn Tổ chức xác lập kỷ lục Quốc gia Việt Nam đã xác minh, thẩm tra...”.

Từ ông Vũ Dương Tá đến ông Hoàng Ngọc Thành đều có xu hướng nâng thành viên trong “đội ngũ” của mình lên cao hơn so với thực tế, từ đôi trăm đến hơn ngàn người. CLB Thơ Việt Nam chào đời bằng tên Hương Ngoại Ô, năm 2006. Sau 12 năm, nó trở thành CLB với số lượng thành viên hùng hậu nhất Việt Nam. Nếu cứ giữ được đà tăng trưởng về lượng như đã từng thì con số trên 13.000 như ông Hoàng Ngọc Thành mong muốn là trong tầm tay.

Hiện nay, một CLB thơ lớn về lượng khác được nhiều người biết đến chính là CLB Thơ Lục bát, thuộc Trung tâm Văn hóa TP Hà Nội. Một nhà thơ khẳng định: CLB Thơ Lục bát có lượng thành viên ngàn người.Người đứng đầu CLB này, nhà phê bình Nguyên An, lại không muốn tiết lộ con số cụ thể: “Cô nghe ai đồn? Động đến con số thì phải cẩn thận, tốt nhất đừng đưa con số ra”. Phóng viên gặng hỏi: “Chẳng lẽ anh không nhớ được con số thành viên hiện tại là bao nhiêu?”. Ông Nguyên An đáp: “Biết thì biết, nhưng câu lạc bộ này có đến 80-90% là dân hưu trí. Hôm nay người ta là thành viên nhưng nửa năm sau vì lí do nọ, kia chắc gì người ta tham gia nữa”. Cuối cùng, nhà phê bình “chốt” với phóng viên: “Cô nói vài trăm thành viên thôi, đừng có nói nhiều”.

Những CLB có lượng thành viên đông hoặc có nhu cầu phát triển rầm rộ về lượng sẽ đặt cho mình những cái tên dễ nhận diện, thường gắn với hai tiếng “Việt Nam”: CLB Thơ Việt Nam, CLB sáng tác VHNT Việt Nam…

Phủ sóng

Theo tìm hiểu của chúng tôi, các CLB lớn thường chia ra nhiều chi nhánh khác nhau, làm sao để độ phủ sóng đạt mức cao nhất, trên nhiều tỉnh, thành trong toàn quốc. Số thành viên của CLB được tính bằng sự tổng hợp hội viên các chi nhánh. Nhà phê bình Nguyên An tiết lộ, hiện nay riêng Hà Nội, CLB Thơ Lục Bát đã có 11 chi nhánh. “Các tỉnh, thành khác chi nhánh không nhiều như Hà Nội, có tỉnh có vài chi nhánh, có tỉnh chỉ có 1 chi nhánh. CLB Thơ Lục bát chưa “phủ sóng” các tỉnh, thành trong cả nước được. Có hơn 60 tỉnh thành thì CLB Thơ Lục bát mới “phủ sóng” khoảng một nửa”. (“Phủ sóng” tới một nửa tỉnh, thành trong toàn quốc, nếu con số hội viên lên tới ngàn người cũng không có gì ngạc nhiên?).

Khi chúng tôi băn khoăn về công tác quản lí, ông Nguyên An cười: “Nên nhớ đối với CLB thơ, trước hết là hoạt động của quần chúng, hơn nữa, đây là quần chúng có học thức, có ý thức hơn nhiều tập hợp (quần chúng) khác. Cho nên đối với đối tượng ấy không nên đặt vấn đề quản lí mà đặt vấn đề vận động, định hướng, thế thôi”.

Một người trong giới văn chương “bóc mẽ” điểm chưa ổn của nhiều CLB Thơ: “Mỗi CLB chi nhánh đều có hoạt động khác nhau nhưng“tổng CLB” không họp chung, sinh hoạt chung, thỉnh thoảng có đại hội thôi. Bởi vì sinh hoạt thế nào với bao nhiêu cơ sở như thế?”. Do vậy không ít người đặt câu hỏi: Những CLB thơ có số thành viên khổng lồ thực chất là gì? Và “tổng CLB” có vai trò gì hay chỉ là nơi đánh trống ghi tên? Nhà phê bình Nguyên An thì khẳng định: CLB Thơ Lục bát có sinh hoạt chung. “Ngoài đại hội, tiến hành theo nhiệm kỳ (4 năm một nhiệm kỳ) chúng tôi có những cuộc gặp gỡ, nói có vẻ thời thượng là festival, vài năm một lần thôi, chứ tiền đâu?”. Còn về khái niệm “cai đầu dài” như dư luận vẫn đồn đại, người đứng đầu CLB Thơ Lục bát bày tỏ quan điểm: “Người ta nói thế cũng có lí do. Từ ông B.T, hay ông vừa bị túm là Đăng Hạ, các ông biến hội thơ văn thành cái nọ, cái kia, dư luận thấy thế mới gọi “Cai đầu dài”. Tức là trong hoạt động của một số CLB thơ hiện nay có hiện tượng “cai đầu dài” vì hoạt động kinh tế của họ có màu sắc ấy”.

Bên trong những câu lạc bộ thơ ngàn người ảnh 1 Lễ ra mắt CLB Thơ Nhạc Việt (Thuộc CLB Thơ Việt Nam)

Công cuộc in sách và những thành viên “oách”

Tham gia những CLB thơ đình đám (về số lượng) có không ít những gương mặt tên tuổi, từng giữ những vị trí xã hội quan trọng. Khi họ tham gia CLB thơ thường được ban chủ nhiệm chào đón nồng nhiệt và dành cho sự trọng vọng đáng kể. Trong bài trước (TPCN số 301) nhà thơ Phạm Đức đã nhắc đến một vị chính khách về hưu thường xuyên được ông Bành Thông đưa đến những cuộc gặp gỡ của CLB Thơ Việt Nam, được mọi người hoan nghênh nhiệt liệt “gấp 10 lần sự xuất hiện của Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam”. Ngay trong ấn phẩm “Người yêu thơ”  (tập 10-2012) của CLB Thơ Việt Nam cũng có hình ảnh “nhạc sỹ, nhà thơ đánh trống khai hội”. Bản thân nguyên chính khách, nhạc sỹ, nhà thơ không có lỗi nhưng không ít ý kiến lo lắng liệu hình ảnh của ông có bị CLB khai thác với mục đích “câu khách” và “tạo uy”? Ở một số nhóm thơ công khai trên mạng xã hội, như nhóm “Việt Nam thi nhân” chúng tôi thấy sự tham gia của một vài gương mặt tên tuổi của làng thơ Việt Nam. Có thể họ không đăng đàn nhưng những cái tên nổi tiếng xuất hiện với tư cách thành viên cũng khiến cho những nhóm thơ này trở nên thu hút hơn. Đương nhiên những CLB thơ khổng lồ cũng chào đón những doanh nhân thành đạt, khuyến khích họ trở thành nhà tài trợ cho những sự kiện, thậm chí cắt cử họ giữ “chức vụ” nào đó trong CLB cho “oai”.

Một trong những hoạt động không thể thiếu của các CLB nói chung, CLB thơ ngàn người nói riêng là việc ra mắt sách theo định kỳ. Ở CLB Thơ Lục bát hội phí mà mỗi thành viên phải đóng mỗi năm là 100 ngàn đồng. Thành viên thuộc chi nhánh nào sẽ đóng thẳng cho chi nhánh đó. Ngoài ra, các thành viên cũng phải đóng góp trong mỗi dịp in sách. Có hay không việc tìm kiếm lợi nhuận từ việc in sách ở CLB ngàn thành viên này? Nhà phê bình Nguyên An cam kết: Làm sách không mang lại lợi nhuận, thậm chí có khi còn lỗ vốn. Ông cho biết: CLB Thơ Lục bát cũng chủ trương không tạo lợi nhuận, bởi vì “có lợi nhuận nguy hiểm, ai giữ số tiền ấy, giữ bằng tài khoản nào, rắc rối ngay. Tốt nhất tránh ngay từ đầu. Họp ban chủ nhiệm CLB chẳng hạn thì họp ngay tại nhà Nguyên An hay ông nào đấy, cho mỗi ông suất cơm đĩa với chai bia, khoảng 50 ngàn đồng. Chục ông hết dăm trăm, có gì mà không “bao” nhau được”. Nhưng liệu mọi hoạt động của các CLB thơ đều giản dị và minh bạch giống CLB Thơ Lục bát, qua lời kể của Nguyên An?

Nhưng không chỉ CLB Thơ Lục bát, mà còn có một tổ chức thường được gọi nôm na là “Lục Bát Chấm Com”. Đây là một kiểu tổ chức vừa hoạt động trên mạng vừa tổ chức những sự kiện tụ hội người làm thơ – do nhà thơ Đặng Vương Hưng khởi xướng. Ông Đặng Vương Hưng là cha đẻ của những trangwww.lucbat.com; www.lucbat.net; www.lucbat.vn, đã có hơn 10 năm hoạt động (ra đời ngày 6/8/2008 – mà ban tổ chức hoan hỷ vì vừa đúng là “ngày lục bát”, lại vừa đúng dịp trùng lịch “âm dương đồng nhất lý” (60 năm mới có một ngày). Theo ban tổ chức, tổ chức này đã trở thành sân chơi tự nguyện của hàng vạn tác giả và những người yêu thể thơ lục bát, có chung mục đích tôn vinh Lục bát là Quốc Thi và vận động để Thơ Lục bát được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Website Lục Bát Việt Nam còn tổ chức sự kiện Ngày hội Lục bát Việt Nam bằng kinh phí xã hội hóa, liên tục trong 10 năm qua. Nhờ đó, ông Đặng Vương Hưng cũng vừa xác lập kỷ lục quốc gia: “Người khởi xướng và tổ chức lễ hội Lục bát Việt Nam nhiều năm liên tục nhất  (2009-2018).

Nhiều người đã biết những ồn ào liên quan đến việc làm tiền qua sách của CLB sáng tác VHNT Việt Nam, đến mức có nhà xuất bản không chịu cấp giấy phép cho những cuốn sách của CLB này bởi họ ngửi thấy mùi “buôn văn”. Hoạt động làm sách của một số CLB cũng không khá hơn. Nhà thơ Lương Ngọc An đặt câu hỏi: “Liệu các nhà xuất bản ở ta hiện nay có quá dễ dãi trong việc cấp giấy phép xuất bản sách, thí dụ sách thơ của các CLB thơ?”.

Xuân Diệu khi xưa viết: “Cơm áo không đùa với khách thơ”. Còn nay, người ta có thể kiếm được “cơm áo” từ những hoạt động mang danh thơ?  

Thơ ít, ca nhiều

Hoạt động của CLB thơ hiện nay được nêm nhiều “gia vị”, đôi khi “gia vị” còn lấn lướt “món ăn” chính. Không ít CLB Thơ- Ca xuất hiện: “Có khi ca đè bẹp thơ, mang tiếng một buổi sinh hoạt thơ ca nhưng hát hò là chính, không thấy thơ đâu cả. Không phải ở riêng Hà Nội mà nhiều nơi như thế”, nhà thơ Phạm Đức xác nhận. Sở dĩ, những CLB “ca đè bẹp thơ” sinh ra, theo Phạm Đức bởi “ca dễ tổ chức hơn, dễ lôi kéo hơn”.

Trong bài “NHÀ VĂN ĐẶNG VƯƠNG HƯNG VỪA XÁC LẬP THÊM KỶ LỤC QUỐC GIA MỚI”(www.lucbat.com, đăng ngày 19/09/2018) có đoạn:

Ban Biên tập website Lục Bát Việt Nam vận động, tổ chức bản thảo cho các tập sách Lộc Phát, nhân Ngày Hội Lục bát hàng năm. Những tác giả góp mặt trong tập thơ tự chọn và tự nguyện đóng góp kinh phí theo tinh thần xã hội hóa để ấn hành, là một hành động rất đáng trân trọng. Tập sách là một ấn phẩm phi lợi nhuận, phục vụ cho nghi lễ Dâng thơ và Phát lộc Thơ độc đáo, chỉ có trong Ngày hội Lục bát, diễn ra vào dịp 6/8 âm lịch.

MỚI - NÓNG