Bên này cười nụ, phía kia khóc òa

Quy hoạch du lịch sinh thái bên trái đường đã thành khu biệt thự. Ảnh: Sáu Nghệ
Quy hoạch du lịch sinh thái bên trái đường đã thành khu biệt thự. Ảnh: Sáu Nghệ
TP - Cuộc vật lộn đầy tiếng oán thán kêu khóc của người dân với quy hoạch vẽ trong phòng lạnh, kéo dài đã nhiều năm và chưa biết bao giờ kết thúc. Hiện thực buồn ấy đang diễn ra trên Cồn Khương, hòn cù lao giữa sông Hậu nghìn xưa hoang dã. Nơi đây, những năm qua không ít lời ngợi ca khi ở đó có khu biệt thự mới đẹp nhất Cần Thơ.

Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, chạy xe máy chục phút tới cầu Cồn Khương mới bắc qua rạch Khai Luông, thấy ngay những tòa biệt thự đẹp. Có người nhận xét, biệt thự ở đây đẹp hơn của con trai ông Trần Văn Truyền bên tỉnh Bến Tre. Cồn Khương tên hành chính là khu vực 3 Sông Hậu, phường Cái Khế (Ninh Kiều, Cần Thơ).

Trưởng khu vực Bùi Hoàng Ngoan cho biết, đã có hơn 30 biệt thự với nhiều dãy phố liền kề, nhà hàng, khách sạn. Biệt thự hầu hết của các quan chức Cần Thơ và địa phương lân cận. Nhưng đó là ở bên trái con đường từ cầu Cồn Khương chạy tới sông Hậu, còn bên phải nhà cửa của dân nghèo vẫn lụp xụp.

Dân kêu khóc

Chạy tới quán cà phê Số Đỏ bên tay phải, rẽ con hẻm nhỏ ướt lẹp nhẹp dù trời nắng, tức thì lọt vô một khu dân cư dày đặc nhà cửa. Có đoạn chạy giữa hai hàng hiên cửa nhà, đoạn khác một bên nhà một bên đất hoang xanh um cỏ.

Loanh quanh một hồi, tôi đụng sợi dây chăng ngang hẻm với đông công an, dân phòng dùng công cụ hỗ trợ ngăn người qua lại. Phía trước đang diễn ra cuộc cưỡng chế đập hai căn nhà mới xây dựng không phép.

“Đây là vấn đề chúng tôi đang rất đau đầu. Quy hoạch để quản lý nhưng kéo dài quá lại ảnh hưởng đến đời sống người dân rất lớn, thiệt hại đến quyền sử dụng đất của người dân”.

Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều 

Dương Tấn Hiển

Mấy hôm sau, tôi trở lại. Hai ngôi nhà đã là đống gạch vụn. Dân tình nháo nhác. Tôi vừa dừng xe, thấy xung quanh nhiều người thập thò cửa nhà, một lúc họ bước ra kể khổ. Nghe một hồi, tôi đến gần tấm ni lông cáu bẩn căng túm tíu trên mấy cọc tràm ở đầu đống đổ nát, thấy một ông già và cô gái đang ngồi khóc.

Ông Nguyễn Văn Be, 72 tuổi, thương binh hạng 4/4, cựu chiến binh đi bộ đội từ năm 1960 đến 1975. Con gái út của ông, cô Nguyễn Thị Cưng 30 tuổi. Ngồi ghé dưới tấm ni lông cáu bẩn, tôi nghe hai cha con thương binh già sụt sùi kể hoàn cảnh gia đình.

Bên này cười nụ, phía kia khóc òa ảnh 1

Chị Tiên thẫn thờ giữa căn nhà tan nát

Quê ở ấp Tân Phú, xã Phú Tân (Phú Tân, Cà Mau) xứ biển nghèo. Ông Be có 5 con, các con có gia đình đều nghèo, vợ đã qua đời. Cô út Cưng lên Cần Thơ làm phụ bếp cho một nhà hàng từ lúc 18 tuổi đến nay, chắt bóp được chút vốn liếng và ông Be bán nhà đất ở quê cho thêm, mua được 150 m2 đất vườn, ngày 28/7/2014 có sổ đỏ.

Cô út vay ngân hàng 150 triệu đồng và mượn thêm bà con anh em, cất ngôi nhà tường mái tôn rộng gần 100 m2, vừa hoàn thành nên vui mừng đón cha già thương binh ở quê lên để tiện bề chăm sóc. Đó là ngày 27/11, cũng là ngày bị cưỡng chế đập nhà. Cô út Cưng lạy lục, xin giữ lại một phòng để cha ở nhưng không được.

Lẩn tránh ánh mắt mờ đục đau khổ của ông thương binh già, tôi ngoái ra sau nhìn đống đổ nát, hỏi nhỏ cô út Cưng có chồng chưa. Cô trả lời “chưa”, thì thêm cám cảnh cho công sức mười mấy năm đời con gái lo toan mong báo hiếu cha già, nay đã thành gạch vụn, bao giờ làm lại được? Mang theo nỗi buồn đẫm nước mắt của cha con cô út Cưng, tôi sang ngôi nhà thứ hai của anh Tiêu Bửu Khánh 35 tuổi và vợ Phạm Thị Mỹ Tiên 32 tuổi, lại đụng phải nước mắt trẻ thơ xót xa không kém.

Anh Khánh quê ở tỉnh Vĩnh Long, làm nghề lái taxi, lấy chị Tiên gốc gác ở chính Cồn Khương này nhưng cách một đoạn mé trên. Gia đình hai bên đều nghèo. Vợ chồng anh ở trọ, dành dụm mấy năm mua được mảnh đất vườn gần 200 m2, có sổ đỏ nên vay ngân hàng 250 triệu đồng cùng anh em vợ hùn thêm cất lên ngôi nhà 400 triệu đồng, có 7 phòng.

Vợ chồng anh ở phòng trước, hai người anh vợ ở hai phòng tiếp theo, còn 4 phòng tính cho thuê trọ lấy tiền trả ngân hàng. Cuộc sống hạnh phúc trong ngôi nhà mới vừa được nửa tháng, con gái 3 tuổi của vợ chồng anh suốt ngày bi bô chạy nhảy.

Bây giờ, ở đậu nhà người quen, anh Khánh đang ôm đứa con khóc ngằn ngặt. Chị Tiên ngồi thẫn thờ giữa đống đổ nát, tay mân mê mảnh tường vỡ, kể: “Từ ngày nhà bị đập, vợ chồng tôi gửi con ở nhà người quen chưa dám cho nó biết, nó cứ khóc đòi trở về ở nhà mới”.

Cán bộ nhăn nhó

Trưởng khu vực Bùi Hoàng Ngoan đã hơn hai chục năm gắn bó với Cồn Khương, cho biết khu vực 3 Sông Hậu rộng 302 ha, có 810 hộ đăng ký thường trú, còn tạm trú mấy trăm hộ. Trước đây, dân sống rải rác trong cảnh “nhiều không”, chục năm nay sôi động với các dự án biệt thự và du lịch sinh thái. Ban đầu chỉ có một dự án biệt thự ven sông của Công ty Cổ phần Linh Thành, còn bên trong quy hoạch phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.

Về sau thêm dự án biệt thự và phố liền kề của Công ty cổ phần Thương mại Vạn Phát, Công ty cổ phần Hoàn Mỹ đều nằm bên trái con đường chính chạy giữa ở Cồn Khương. Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Cần Thơ (nguyên Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều) Bùi Hữu Nhơn nhận xét, quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Cồn Khương đã bị phá vỡ.

Bên này cười nụ, phía kia khóc òa ảnh 2

Ông thương binh già và cô út Cưng trong lều ni lông

Tuy nhiên, “Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Khương” rộng 93 ha, nằm bên phải con đường lớn, nơi vừa đập hai căn nhà thì vẫn còn. Dự án này, ngày 7/11/2007, UBND Cần Thơ giao cho Công ty Cổ phần Trí Việt làm chủ đầu tư, theo quy hoạch chi tiết 1/500, tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Nhiều năm dự án không triển khai nên tháng 10/2013, bị thu hồi, đem niềm vui lớn cho người dân.

“Nhưng quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 vẫn còn nên chúng tôi vẫn phải quản lý để chờ nhà đầu tư mới”, Chủ tịch UBND phường Cái Khế, ông Trần Quốc Thành nhăn nhó. Ông Thành thừa nhận, tình trạng xây nhà không phép ở khu vực dự án “rất nóng”, không kiểm soát được, đến nay chưa thể thống kê. 

Tôi theo cán bộ khu vực đi đếm nhà cửa xây dựng không phép. Bên đường chính có 64 ngôi nhà, từ nhà cấp bốn đến khách sạn, nhà kho, xưởng. Theo con hẻm cạnh quán cà phê Số Đỏ chạy vào hai căn nhà vừa bị đập, có 139 căn nhà ở độc lập, 116 phòng trọ và 1 nhà nghỉ.

Hỏi Chủ tịch phường Trần Quốc Thành: “Có đập hết những căn nhà xây không phép hay không? Nếu không thì đập hai căn nhằm mục đích gì?”. Chủ tịch Thành trả lời: “Sắp tới, có thể đập thêm 7 căn mới xây, không đập những căn xây trước đây vì không có kinh phí. Đập để răn đe nhằm chấm dứt tình trạng xây nhà không phép”.

Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều, ông Dương Tấn Hiển, thừa nhận cưỡng chế đập nhà là hạ sách trong quản lý hành chính. “Tuy nhiên, muốn quản lý phát triển thì phải quản lý quy hoạch, quản lý việc sử dụng đất đúng mục đích”, ông Hiển nói.

Nhưng quy hoạch tỷ lệ 1/2.000 cho mua bán đất mà không cho phép cất nhà thì người dân ở vào đâu, có phải quy hoạch vẽ trong phòng lạnh đang cản trở cuộc sống, gây thiệt hại lớn cho người dân và xã hội? Ông Hiển trả lời: “Đây là vấn đề chúng tôi đang rất đau đầu. Quy hoạch để quản lý nhưng kéo dài quá lại ảnh hưởng đến đời sống người dân rất lớn, thiệt hại đến quyền sử dụng đất của người dân”. 

Cồn Khương thuở hoang vu được quy hoạch khu du lịch sinh thái mà như Chủ tịch quận Dương Tấn Hiển nói, tỷ lệ xây dựng phải rất thấp, chỉ chừng 15-20% diện tích đất tự nhiên. Nay đứng trên cầu Cồn Khương nhìn xuống, thấy rõ cuộc vật lộn quyết liệt giữa cuộc sống với quy hoạch vẽ trong phòng lạnh và quy hoạch đã phải lùi bước, nhà cửa đã mọc lên dày đặc.

Nhưng kết quả cuộc vật lộn ở hai bên con đường có khác nhau: Bên trái là khu biệt thự của người giàu đã sừng sững mọc lên, còn bên phải nhà cửa chen chúc của người nghèo thì vẫn vật vã tiếng than khóc. Tôi hỏi Chủ tịch Hiển: “Bao giờ có nhà đầu tư cho dự án khu du lịch sinh thái bên phải đường?”. Chủ tịch Hiển nhăn nhó: “Chưa biết được”.

Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Dương Tấn Hiển giải thích, đất của cô út Cưng và vợ chồng anh Khánh mua đã có sổ đỏ nhưng là đất vườn trồng cây lâu năm, vì nằm trong quy hoạch nên không được lên thổ cư, không được phép cất nhà.

Phóng viên hỏi: Vậy người dân ở vào đâu khi đất của mình không được phép cất nhà, tại sao không có giải pháp giúp người dân sinh sống trong khu quy hoạch nếu “treo” quá lâu, để dân đỡ khổ? Chủ tịch Hiển thừa nhận, đây là hạn chế của quản lý quy hoạch hiện nay.

MỚI - NÓNG