Belarus: Khó xảy ra “Cách mạng màu sắc”

Belarus: Khó xảy ra “Cách mạng màu sắc”
TP - Bầu cử Tổng thống diễn ra ngày 19/3 ở Belarus thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng quốc tế vì có thể xảy ra “cách mạng màu sắc” như tại Gruzia, Kyrgyzstan và Ukraine, những quốc gia thuộc Liên Xô trước đây.
Belarus: Khó xảy ra “Cách mạng màu sắc” ảnh 1
Biểu tình ở thành phố Minsk

Ông Alexander Lukashenko, 51 tuổi, lãnh đạo đất nước Belarus suốt 12 năm qua được dự đoán sẽ tiếp tục giành chiến thắng với số phiếu cách biệt trước 3 ứng cử viên đối lập để làm Tổng thống nhiệm kỳ ba.

Ngay cả các ứng cử viên đối lập cũng thừa nhận họ hầu như không có cơ hội để đánh bại Tổng thống Lukashenko trong cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên, ngay khi bầu cử chưa diễn ra, ứng cử viên đối lập Alexander Milinkevich đã lớn tiếng cáo buộc Tổng thống Lukashenko có kế hoạch lừa dối để lấy lòng cử tri và gian lận bầu cử.

Ông Milinkevich, nhà vật lý 58 tuổi, còn kêu gọi những người ủng hộ tập trung biểu tình quy mô lớn ở trung tâm thành phố Minsk ngay sau khi cuộc bầu cử kết thúc vào lúc 20 giờ ngày 19/3.

Các nhà quan sát quốc tế cho rằng phe đối lập có ít cơ hội phát động “cách mạng màu sắc”, tận dụng “quyền lực nhân dân” để lật đổ Chính phủ đương nhiệm.

Từ bài học của những nước trong khu vực, Tổng thống Lukashenko từ lâu đã chuẩn bị biện pháp đối phó với các kịch bản mà phe đối lập sẽ triển khai sau cuộc bầu cử. Tổng thống Lukashenko cảnh cáo sẽ mạnh tay với bất kỳ âm mưu đảo chính nào cũng như những người muốn kích động sự phản đối của nhân dân để gây ra tình trạng lộn xộn.

Lực lượng cảnh sát thậm chí còn cảnh báo những người chống đối rằng nếu họ cố tình gây rối loạn sẽ bị đối xử như những kẻ khủng bố và có thể phải nhận bản án tử hình. 

Tổng thống Lukashenko và các quan chức Chính phủ Belarus bác bỏ mọi lời cáo buộc về sự gian lận trong bầu cử, đồng thời không chấp nhận bất kỳ sự giám sát nào của nước ngoài.

Cùng các biện pháp cứng rắn, Tổng thống Lukashenko, một đồng minh thân cận của Nga, còn tranh thủ cử tri bằng những mục tiêu tranh cử thiết thực như phát triển kinh tế, ổn định xã hội.

Chính điều này đã giúp ông Lukashenko nâng cao uy tín với người dân trong thời gian gần đây, đồng thời qua đó làm suy yếu sức mạnh của phe đối lập.

Belarus chỉ có 10 triệu dân, nhưng nằm ở vị trí chiến lược giữa châu Âu và Nga, đang trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng của phương Tây và Matxcơva. Tổng thống Mỹ George Bush xem Belarus như “thành lũy cuối cùng của chế độ độc tài” ở châu Âu và cáo buộc Tổng thống Lukashenko đã hạn chế quyền tự do báo chí, bắt giam các nhà hoạt động và gian lận bầu cử.

Tuy nhiên, Nga lại cảnh báo phương Tây không được can thiệp vào công việc nội bộ của Belarus. Nga ủng hộ Belarus phát triển kinh tế bằng việc cung cấp năng lượng giá rẻ và hợp tác nhiều mặt...  

 N.Đ
(Tổng hợp)

MỚI - NÓNG