Bảy trọng tâm chống tham nhũng năm 2014

Bảy trọng tâm chống tham nhũng năm 2014
TPO-Về phương hướng, nhiệm vụ công tác phòng chống tham nhũng cuối năm 2013 và năm 2014, Chính phủ đề nghị 7 trọng tâm và 3 kiến nghị đối với Quốc hội, Tòa án NDTC, Viện kiểm sát NDTC, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

> Phát hiện tham nhũng chủ yếu qua dư luận xã hội

1. Tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN. Trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI); Kết luận số 21-KL/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật PCTN năm 2012 và các văn bản có liên quan (Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật PCTN, Nghị định về minh bạch tài sản, thu nhập, Nghị định quy định trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao); Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 06 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ về công tác PCTN, lãng phí giai đoạn 2012-2016…

2. Tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về PCTN theo Kết luận Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI); Nghị quyết số 82/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI). Chính phủ tập trung chỉ đạo hoàn thiện Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; sửa đổi, bổ sung quy định về khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc trong tố cáo, phát hiện tham nhũng.

3. Tổ chức Hội nghị đối thoại PCTN lần thứ 12 với chủ đề “Vai trò của doanh nghiệp và khu vực tư nhân trong công tác PCTN”. Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai thực hiện Chị thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo từ năm học 2013-2014.

4. Đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước, triển khai việc xây dựng vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức tại tất cả các cơ quan, tổ chức, đơn vị; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý công chức, viên chức; nâng cao trách nhiệm giải trình của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; đồng thời khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện các đề án theo Nghị quyết 30c/NQ-CP của Chính phủ.

5. Tăng cường phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng. Đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ, xử lý công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra; chấn chỉnh kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

6. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc công tác điều tra, xử lý vụ việc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng. Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt, thất thoát. Chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm kết luận của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN về kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp.

7. Tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, các cơ quan truyền thông và nhân dân trong giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác PCTN bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, bảo vệ người tố cáo tham nhũng; tiếp tục mở rộng các hoạt động đối thoại, hợp tác quốc tế về PCTN nhằm tiếp thu những kinh nghiệm tốt và phù hợp của thế giới để nâng cao hiệu quả công tác PCTN.

Chính phủ cũng đề nghị Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự và các văn bản có liên quan theo hướng làm rõ hơn hành vi phạm tội tham nhũng, chức vụ bảo đảm sự thống nhất giữa Luật PCTN với Bộ luật Hình sự; sửa đổi quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về thời hạn điều tra cho phù hợp với những vụ án tham nhũng, chức vụ có tình tiết phức tạp.

Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thống nhất việc áp dụng pháp luật hình sự đối với tội phạm tham nhũng, chức vụ theo hướng xử lý nghiêm khắc, hạn chế áp dụng án treo; hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định của Bộ luật hình sự có tính định lượng (gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, số lượng lớn, rất lớn, đặc biệt lớn, thu lợi bất chính lớn, vụ lợi…).

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các cơ quan thông tin báo chí tiếp tục phối hợp cùng Chính phủ và chính quyền các cấp tăng cường giám sát, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN; nâng cao nhận thức và vai trò của toàn xã hội đối với công tác PCTN để tạo chuyển biến đồng bộ và mạnh mẽ hơn nữa trên các mặt công tác nhằm sớm đạt mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.