Báu vật ở rừng biên Đắk Nông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Say mê sắc hương hoa trà, người phụ nữ ở Đắk Nông đã dành nhiều thời gian, tâm huyết sưu tầm, di thực loài dược liệu quý về trồng dưới tán rừng nguyên sinh nơi biên giới. Riêng trà hoa vàng được mệnh danh “nữ hoàng” trà, nữ chủ này đang bảo tồn khoảng 100 loại và tiếp tục hành trình khắp chốn để sưu tầm thêm.

Bảo tồn nguồn dược liệu quý

Như đã hẹn, một ngày cuối năm, tôi ghé thăm chị Mai Thị Thái, Giám đốc Cty TNHH MTV Mai Thái Tây Nguyên- người đang sở hữu vườn trà độc nhất vô nhị dưới tán rừng nguyên sinh Tuy Đức, Đắk Nông. Thời điểm này, vùng biên giới Nam Tây Nguyên âm u, kèm gió thoảng, bất giác đổ cơn mưa khiến những người nơi xa đến thấm trọn cái lạnh mùa đông cao nguyên.

Báu vật ở rừng biên Đắk Nông ảnh 1

Một cây hồng trà được chị Thái trồng thành công tại Tuy Đức, Đắk Nông

Còn với chị Thái, dường như đã quen với tiết trời “ẩm ương” của vùng biên ải. Nhâm nhi tách trà dưới tán cây cổ thụ, kế bên có dòng thác Đắk Búk So ầm ào tung bọt trắng xóa, chị Thái cho hay, nơi đây khá lý tưởng để trồng các loại trà quý. Nói rồi, chị dẫn tôi xem cây hồng trà đang vào mùa nở hoa. Hồng trà cao hơn 1m, cho rất nhiều nụ. Có nụ còn nguyên búp, không ít nụ đã lớn, chuẩn bị bung vỏ lụa, để lộ chùm nhụy vàng ươm. Nữ chủ vườn chia sẻ, cây tuy nhỏ nhưng tuổi đời trên chục năm, được chị di thực từ Chư Pứh (Gia Lai) về trồng cách đây 4 năm.

Báu vật ở rừng biên Đắk Nông ảnh 2

Một cây trà trong rừng nở hoa tuyệt đẹp

Điều chị Thái thích nhất là được ngắm hồng trà đơm nụ nở hoa. Nâng niu đóa hồng trà còn đẫm ướt sau cơn mưa phùn, chị nói đã nhiều lần thưởng thức trọn vẹn vẻ đẹp của đóa hoa rừng. Thế nhưng, cứ đến mùa hoa nở, bản thân lại thổn thức, mong chờ hoa trà phô diễn nét đài trang. “Hoa mang vẻ đẹp tinh khôi, nhẹ nhàng mà kiêu sa, rất đặc trưng nơi hun hút sương giăng mà không phải loài hoa nào cũng có. Hoa nở hơn chục ngày mới tàn, lúc đấy, mình đem pha trà để hít hà hương thơm dịu nhẹ nhưng đầy mê hoặc”, chị Thái cho biết.

Nói về cơ duyên đến với các loại trà, nữ chủ vườn bảo, đó như một cái duyên. Chị Thái xuất thân trồng, xuất khẩu cây ăn trái. Quá trình làm ăn, chị thấy thương lái thu mua các loại cây trà (trong đó có trà hoa vàng) với giá khá cao và thu gom tất cả rễ, cành, lá để bán sang Trung Quốc. Tò mò, chị tìm hiểu mới hay loại trà này là dược liệu quý hiếm, nhưng bị khai thác theo kiểu tận diệt. Lúc này, chị lóe lên ý nghĩ bảo tồn các giống trà quý và bắt tay tìm hiểu. Chị lên mạng tìm hiểu thông tin và càng bị cuốn hút bởi giá trị về dược liệu cũng như kinh tế của trà bản địa. Tiếp đến, chị tham gia vào các hội nhóm để học hỏi thêm kiến thức và bắt đầu hành trình sưu tầm, di thực các loại trà quý về Tây Nguyên.

Ông Kiều Quí Diện- Trường phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuy Đức thông tin, mô hình trồng các loại trà quý dưới tán rừng của chị Mai Thị Thái là duy nhất của huyện và tỉnh Đắk Nông. Đây là cây trồng mới nên cần thời gian, phía ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi hiệu quả của mô hình để đánh giá toàn diện.

Biết huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) có mô hình trồng trà hoa vàng, năm 2018, chị Thái quyết định vượt hàng nghìn cây số về vùng rẻo cao và thêm đoạn đường dài lội rừng để “mục sở thị” loại trà quý hiếm. “Loại cây này ưa bóng râm, khí hậu lạnh nên được trồng trong rừng sâu, gần nơi suối nước. Dù đường xa nhưng khi được tận thấy hình hài của “nữ hoàng” trà, tôi rất vui. Đặc biệt, tôi lên trúng mùa hoa nở nên ngắm trọn hương sắc”, chị Thái nhớ lại và cho biết thêm, hai ngày ở Ba Chẽ đã học hỏi thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật chăm sóc cây trà. Sau thành công của chuyến đi đầu tiên, chị Thái tiếp tục đặt chân đến Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Chư Pứh (Gia Lai), Vườn quốc gia Yok Đôn (Đắk Lắk), Tuy Đức (Đắk Nông).

Báu vật ở rừng biên Đắk Nông ảnh 3

Chị Mai Thị Thái hạnh phúc bên cây hồng trà được tìm thấy

Chuyến đi khiến chị nhớ nhất là lần về Chư Pứh tìm hồng trà vào năm 2020. Trước đó, thông qua nhóm bạn chuyên nghiên cứu cây trà, chị Thái biết vùng núi Gia Lai cũng có loại cây này nên vác ba lô lên đường. Dù nhờ được người từng thấy hồng trà dẫn đường nhưng lội rừng gần 2 ngày vẫn không thấy bóng dáng cây. Lần thứ 2 cũng tiếp tục cơm nắm cuốc bộ tầm nã hồng trà song vẫn chưa có duyên. Đến lần đi thứ 3, chị mới thành công tìm thấy hồng trà ở vùng đất lửa.

Tiềm năng phát triển du lịch

Sau nhiều năm khảo sát và nghiên cứu, chị Mai Thị Thái quyết định đưa các giống trà trồng vào rừng nguyên sinh dọc bờ suối Đắk Buk So. Theo chị Thái, việc di thực, đưa trà hoa vàng về Tuy Đức (Đắk Nông) trồng không hề đơn giản bởi khí hậu miền bắc và Tây Nguyên khác nhau. Khi đưa giống về, chị phải để cây sống trong môi trường khép kín với đủ điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng lý tưởng, tránh bị sốc nhiệt rồi mới đưa vào rừng trồng. Cứ thế, sau nhiều năm sưu tầm, chị Thái đã sở hữu nhiều giống trà quý hiếm của các tỉnh: Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Lâm Đồng, Đắk Lắk... Trong đó, riêng trà hoa vàng, chị Thái có hơn 100 loại.

Bên cạnh bảo tồn nguồn gen các giống trà quý của Việt Nam, chị Thái đang xây dựng mô hình du lịch sinh thái dưới tán rừng kết hợp xây dựng thương hiệu trà hoa vàng. Theo chị Thái, Đắk Nông có diện tích rừng khá lớn, nếu kết hợp trồng trà bản địa sẽ tăng thu nhập cho chủ rừng, hướng tới sinh kế lâu bền, góp phần bảo vệ rừng nguyên sinh. Hiện trà hoa vàng đang được bán trên thị trường với giá 16 triệu đồng/kg hoa khô; 4 triệu đồng/kg lá, và đã được nhiều nơi như vùng núi Ba Chẽ phát triển thành cây thương phẩm, cho thu nhập cao, ổn định.

Tiến sĩ Lương Văn Dũng- Giảng viên ngành sinh học Trường Đại học Đà Lạt cho hay, Việt Nam có nhiều giống trà đặc hữu, quý hiếm trên thế giới. Ông có biết mô hình trồng các loại trà của chị Mai Thị Thái. Bản thân ông từng giúp chị viết đề xuất cho đề tài “Xây dựng mô hình phát triển cây trà hoa vàng bản địa gắn với du lịch sinh thái tại huyện Tuy Đức”. Tiến sĩ Dũng đánh giá cao tiềm năng của cây trà trên vùng đất đỏ bazan bởi quỹ đất rộng, khí hậu khá phù hợp. Hồng trà nở hoa rất đẹp để làm cảnh, còn trà hoa vàng có nhiều hoạt chất tốt làm dược liệu, ngoài ra có thể kết hợp trồng các giống trà phát triển du lịch sinh thái. Vấn đề cần quan tâm là nguồn giống, vị tiến sĩ này khuyên nên chọn các giống trà có nguồn gốc từ Tây Nguyên và các tỉnh phía Nam để giảm thời gian, công sức thuần dưỡng và cần có mô hình sản xuất, nhân giống thì Tây Nguyên mới chủ động được nguồn cây để nhân rộng.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.