Báu vật của làng

Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Trung Sơn. Ảnh: Thanh Trần
Nhà bia tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng ở thôn Trung Sơn. Ảnh: Thanh Trần
TP - Có một nơi, người dân coi rừng như nhà, cây cối được nâng niu, bảo vệ. Người dân ở đó trân quý rừng đến nỗi một cây gỗ nhỏ, một cành củi khô cũng không cho đốn, trách nhiệm bảo vệ rừng có cả trong hương ước. 

Vậy nên đến nay, khu rừng hơn 400 năm tuổi ấy vẫn nguyên vẹn tầng tầng lớp lớp vươn mình trên cát trắng. Khu rừng ấy ở thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng).

Bị cảnh cáo vì lượm củi khô

Rừng Trung Sơn nằm trên đồi cát trắng tinh giữa làng, lối vào rừng phủ bởi những lùm cây rậm rạp, dây deo vắt ngang đầu người. Những gốc dẻ, sơn, chùm bù, sao ta…hiên ngang vươn mình trên cát tỏa bóng mát, bên dưới là xác lá khô phủ dày. Ngày trước, khi dân Trung Sơn còn làm ruộng nhiều, lá rụng được hốt về ủ phân bón cho cây trồng. Đó cũng là thứ duy nhất người dân được mang từ rừng về.

“Cả thôn này có thể bị dời đi hết vì dự án, nhưng nếu dự án làm ảnh hưởng tới khu rừng thì chúng tôi quyết cản tới cùng. Ngày xưa cha ông đổ máu để giữ rừng, thời bình nhất định không thể để mất rừng được!”

Ông Dương Phú Giọng, 

Trưởng Ban công tác mặt trận thôn Trung Sơn

Ông Dương Phú Giọng, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Trung Sơn lật cuốn hương ước của làng, chỉ vào quy định không được đốn cây, bẻ củi, xúc cát… rồi hướng đôi mắt về những mảng xanh um nơi cánh rừng Trung Sơn, chậm rãi nói: “Cánh rừng này là mái nhà chung của người dân Trung Sơn, không ai muốn hủy hoại mái nhà của mình cả, dù chỉ là một hành động nhỏ nhất”.

Ông kể mấy năm trước, một vài người thấy củi khô trên rừng liền lượm về nhóm lửa, vừa vác ra tới bìa rừng thì bị thôn phát hiện, bà con kéo ra “truy cứu” hành động xâm phạm đến rừng. 

Hôm sau, trong cuộc họp thôn, những người vác củi khô ấy bị đưa ra kiểm điểm và bắt cam đoan trước bà con không tái phạm nữa. “Lấy cành củi cũng không ảnh hưởng gì nhiều tới cánh rừng, nhưng người này lấy được thì người khác lấy được, lấy hết củi khô lại tính đường lấy củi tươi nữa thì rừng sẽ bị tàn sát mất”, ông Giọng giãi bày.
   

Mỗi người dân ở đây đều tự nhận trách nhiệm bảo vệ rừng về phần mình. Hầu như tuần nào cũng có một đoàn trai tráng đi tuần rừng dù chẳng theo kế hoạch nào cả. Hôm chúng tôi lên rừng, anh Nguyễn Văn Trung (45 tuổi) chạy ngang qua lập tức quay đầu xe lại, đi theo truy cho bằng được từ đâu tới và tới làm việc gì.

 Anh nói: “Không chỉ có cán bộ mới có quyền hỏi vậy đâu, bà con ở đây thấy người lạ vào rừng là chặn đầu liền. Nếu phát hiện ra ai xâm hại tới rừng thì chẳng cần lệnh bà con cũng sẽ xử “trắng máu”!”. Anh Trung nhớ cách đây không lâu, người nơi khác tới đốn cây vào ban đêm, cả thôn ấm ức gọi nhau mật phục cả tuần trời bắt cho bằng được.

Còn rừng, còn nước, còn nhà chắn bão    

Dẫn chúng tôi ra con đường sát bìa rừng, ông Giọng chỉ giếng nước ngọt từ thời Pháp xây bằng cách ghép đá tảng, hai bên còn nguyên những cột đá để người dân treo gàu, đặt đôi gánh. Ông không biết chính xác giếng có từ năm nào, chỉ biết đã ra đấy tắm mát từ thuở còn ở truồng chân đất. 

Ông nói: “Tui nhớ như in mỗi năm vào mùa hạn các thôn lân cận quay cuồng vì thiếu nước, riêng Trung Sơn vẫn có nước dùng thỏa thuê, bà con khắp nơi xách thùng tới xin nước, tắm giặt. Chính cánh rừng đã giữ được mạch nước mát trong cho dân làng, vì vậy cha ông cứ răn dạy rằng: giữ được rừng mới giữ được nước!”. Bây giờ, các hộ đã dùng nước máy, giếng cổ cũng chẳng còn cảnh tắm giặt rộn ràng nhưng nguồn nước trong giếng chưa bao giờ cạn. Người dân nói đó là minh chứng rừng vẫn còn.

 Mỗi mùa bão đi qua, cánh rừng che chắn hết những trận cuồng phong cho dân làng, cơn bão nào vào đây cũng bị tầng tầng lớp lớp cây rừng xé tan luồng gió. Bà con vẫn còn nhớ như in ký ức về cơn bão Xangsane năm 2006. 

Nghe tin báo bão, cả làng khuân hết tài sản đáng giá và lương thực lên rừng, thanh niên trai tráng thi nhau bới cát làm hầm trú ngụ. Hàng chục chiếc hầm dã chiến mọc lên nằm im dưới sự chở che của rừng. Cơn bão điên cuồng ập vào lột sạch mái, đánh sập tường hàng loạt ngôi nhà kiên cố, người chết, người bị thương, riêng bà con Trung Sơn vẫn bình yên qua bão dưới “mái nhà xanh” ấy.

Họ chịu ơn cánh rừng, rừng chở che, ôm ấp họ khi chinh chiến, thiên tai và bây giờ là lá phổi xanh giữa vùng đất khô cằn. Ông Giọng kể, cứ chiều chiều, chim cò khắp nơi vỗ cánh bay về rừng rất bình yên, ai đi xa cũng nhớ về rừng như nhớ đến máu mủ ruột rà.

“Cha ông đổ máu giữ rừng, thời bình không thể để mất”

Cụ Hà Thúc Duyên (92 tuổi) rành rọt kể qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, rừng Trung Sơn là nơi nuôi giấu, cung cấp lương thực cho bộ đội, trong rừng có nhiều công sự, hầm hào cho bộ đội hoạt động. “Biết rừng nuôi bộ đội, Mỹ kéo quân, đưa xe tới đòi san bằng rừng, bà con ở đây kiên gan ra nằm trước đầu xe, rồi đặt lựu đạn phá đường, quyết không cho chúng đụng tới rừng”.

Báu vật của làng ảnh 1 Một góc rừng Trung Sơn.  Ảnh: Thanh Trần
Những bô lão như cụ Duyên khi nhắc tới cánh rừng sẽ không quên nhắc tới bia tưởng niệm 80 anh hùng liệt sĩ và 24 bà mẹ Việt Nam anh hùng, đó là niềm tự hào của người dân nơi đây và cũng là nguyên cớ để trân quý cánh rừng như báu vật. Cụ nói: “Trong hai cuộc chiến, thôn Trung Sơn chỉ có 80 hộ, trung bình mỗi hộ có một liệt sĩ. Có nơi nào tự hào như nơi này không? 

Sau ngày thống nhất, cả thôn chỉ còn 72 người sống sót, họ tiếp tục trông coi cánh rừng rồi truyền dạy ý thức với “mái nhà xanh” này cho con cháu. Bây giờ trong số 72 người ấy chỉ còn một vài người, như tôi, còn thôn đã gần 200 hộ, tui mừng vì các thế hệ đều nâng niu cánh rừng, coi trọng nơi máu xương của cha ông, xóm làng đổ xuống”.  

Giữa những trảng cát mịn màng, khu mộ của những bậc tiền hiền được bà con hương khói quanh năm, nhiều ngôi được trùng tu, quét màu vôi mới. Cụ Duyên nói rừng rộng, nhưng tuyệt nhiên chỉ làm nơi an nghỉ cho những người có công với làng, từ ngày hòa bình đến nay dân làng không cho chôn cất người chết trong rừng, tất cả đều đưa lên nghĩa trang Hòa Sơn.

Cuối tháng 3 năm nay, UBND TP Đà Nẵng công bố quy hoạch dự án trùng tu di tích đồi Trung Sơn, cụ thể là nâng cấp di tích nhà bia, tôn tạo cảnh quan đình làng, cây xanh, lối đi dạo... trong khu rừng.

Nghe vậy, bà con không một ai bằng lòng vì sợ  rừng bị xâm hại. Sau đó ít hôm, qua một đêm tỉnh giấc, cả làng như sôi máu vì ngay giữa rừng mọc lên hàng chục ngôi mô giả và những bụi cây bị tàn sát không thương tiếc. 

Cùng đi kiểm tra với đoàn chức năng, ông Nguyễn Trí Thanh, trưởng thôn Trung Sơn khẳng định: “Mặc dù không đồng tình với dự án, nhưng đây là khu rừng linh thiêng, việc lập mộ giả, đốn cây là việc tày trời, bà con không bao giờ làm!”. 

Sau điều tra, số mộ giả đó do các đối tượng bên ngoài thực hiện nhằm gây hoang mang cho người dân và đón khoản đền bù từ dự án. Được đà, bà con đề nghị chủ đầu tư phải về đối thoại với dân, trình bày cho dân nghe việc làm dự án có múc cát, chặt cây trong rừng, có ảnh hưởng tới mạch nước và những phần mộ không?.  


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.