Bầu nhân sự cấp cao cần dân chủ, khách quan

Bầu nhân sự cấp cao cần dân chủ, khách quan
TP - Từ 24/6 đến hết 30/6, Quốc hội sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước. Cần phải làm thế nào để bầu, phê chuẩn thật sự dân chủ, khách quan và lựa chọn được chính xác những người hội đủ đức tài?

Nhiều vị ĐBQH đã bày tỏ với Tiền phong những mong muốn của họ khi Quốc hội tiến hành công tác nhân sự lần này.  

Ông Dương Trung Quốc (đại biểu Đồng Nai): “Cần có sự  lựa chọn khi bỏ phiếu”

Bầu nhân sự cấp cao cần dân chủ, khách quan ảnh 1
ĐB  Dương Trung Quốc: Giới thiệu nhân sự nên có hai hoặc ba người và có thể nhiều hơn nữa

Khi tiến hành công tác nhân sự phải làm rõ hai khái niệm: Lựa chọn và tín nhiệm.

Đã là lựa chọn thì  phải có nhiều khả năng để lựa chọn, hay nói một cách cụ thể là có nhiều ứng cử viên để lựa chọn.

Còn nếu gọi là tín nhiệm thì ta chỉ thể hiện được thái độ của mình đối với một chủ trương, đối với một đề nghị của ai đó, ví dụ như đề nghị của Thủ tướng chẳng hạn.

Việc chúng ta giới thiệu hai để bầu một khi làm nhân sự Thủ tướng đã từng có, không phải là cái gì mới mẻ vậy thì tại sao chúng ta lại không thể làm như thế?

Theo tôi, giới thiệu nhân sự nên có 2 hoặc 3 người và có thể nhiều hơn nữa. Người ứng cử phải đưa ra kế hoạch, cương lĩnh của mình để Quốc hội biết chương trình của người đó như thế nào ngoài  diện mạo bên ngoài và các yếu tố được ghi trong lý lịch.

Cương lĩnh đó phải được giám sát chứ không phải hứa rồi để đấy. Tôi thấy ở các nước, việc bầu cử bộ máy hành pháp rất cụ thể.

Một thành phố của Pháp, khi bầu thị trưởng, họ đưa ra cương lĩnh rất đơn giản đó là, việc giải quyết đi lại từ khu vực một khu công nghiệp vào trung tâm thành phố. Các phương án chỉ cần chênh nhau 30 phút là đã mang lại ưu thế khi bầu cử.

Về trường hợp những người tự ứng cử, theo tôi, chúng ta hết sức hoan ngênh tinh thần mong muốn được tham dự, điều này Hiến pháp đã quy định. Nhưng đúng là chúng ta có những rào cản của thể chế. Lâu nay, tất cả đều do Trung ương giới thiệu; thậm chí, đại đa số (không phải tuyệt đối) phải là đảng viên, do đảng viên giới thiệu.

Tôi cho rằng, xu thế đó hiện nay không còn phù hợp nữa nhưng muốn việc tự ứng cử trở thành hiện thực thì phải có sự thay đổi.

Nếu Đảng và Nhà nước thấy đó là một xu thế, một nhu cầu của đời sống đã được Hiến pháp quy định thì nên tạo ra những thể chế mà không chỉ anh Cù Huy Hà Vũ mà nhiều người khác cũng có thể tham gia.

Nhưng trong điều kiện hiện nay việc này hơi có vẻ không tưởng bởi vì nếu nó lắp ráp không đúng với thể chế thì rất khó, nhưng nó phản ánh một xu thế, xu thế đó tôi cho rằng nên có sự suy nghĩ để biến nó thành hiện thực vì nó là biểu hiện dân chủ.

Ông Nguyễn Minh Thuyết (đại biểu Lạng Sơn): “Phải có chương trình hành động”

Bầu nhân sự cấp cao cần dân chủ, khách quan ảnh 2
ĐB Nguyễn Minh Thuyết: Người được đề nghị phê chuẩn chức vụ phải có chương trình hành động

“Cách thức phê chuẩn nhân sự  những năm qua cũng có phần chưa chuẩn xác. Ví dụ trường hợp ông Đào Đình Bình, khi được bầu làm Bộ trưởng Bộ GT-VT cũng nhận được số phiếu thấp.

Có thể thấy Bộ trưởng Đào Đình Bình cũng không hoàn thành nhiệm vụ. Tôi nghĩ, trong nhiều nguyên nhân có phần là do thông tin về người được đưa ra để Quốc hội phê chuẩn chưa đầy đủ.

Vì thế, lần này tôi muốn những người trong danh sách đề nghị phê chuẩn chức vụ phải trình bày chương trình hành động của mình, nghe Quốc hội  chất vấn rồi trả lời chất vấn của ĐBQH. Qua đó, Quốc hội sẽ đánh giá sát hơn năng lực của những người này.

Có điểm mới là hiện nay đã xuất hiện một số  vị tự ứng cử, đó là điều tốt. Nhưng trong khâu chuẩn bị, giới thiệu nhân sự cũng nên giới thiệu ít nhất là hai người. Từ kỳ họp trước, khi bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước, Quốc hội đã có được sự lựa chọn để bầu khi có hai ứng cử viên. Tôi nghĩ, xu hướng này nên được duy trì.

Ông Đỗ Trọng Ngoạn (đại biểu Bắc Giang): “Để Quốc hội thảo luận trước, Đảng xem xét sau”

Bầu nhân sự cấp cao cần dân chủ, khách quan ảnh 3
ĐB Đỗ Trọng Ngoạn: Nên để Quốc hội thảo luận trước rồi lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giới thiệu sau

“Theo tôi muốn ứng cử vào một chức vụ nào đó ứng viên phải có đề án và đăng ký vào đó để tham gia chức vụ đó, phải có thi cử và thử thách và phải được viên chức trong cơ quan nhận xét chọn lựa thì hãy bổ nhiệm.

Kỳ họp Quốc hội  này, theo tôi phải đổi mới vấn đề nhân sự, hãy để cho ĐBQH thảo luận trước rồi lãnh đạo của Đảng, Chính phủ giới thiệu sau. Giới thiệu rồi thì phải có phiếu thăm dò, thăm dò rồi lại phải thảo luận lần hai.

Ai là Phó Thủ tướng, ai là Bộ trưởng, khả năng Quốc hội có thể giới thiệu được chứ không nhất thiết phải để ai đó giới thiệu trước.

Quốc hội nên thảo luận trước rồi cơ quan lãnh đạo xem xét sau. Đảng, Chính phủ giới thiệu, ĐBQH bấm nút luôn là không được.

ĐBQH nên chất vấn những người được đưa ra phê chuẩn về kế hoạch, ý tưởng hành động.

Và nếu người đó đáp ứng được, được phê chuẩn thì đến giữa nhiệm kỳ, nếu các giải pháp đó không đạt yêu cầu, chúng ta tiếp tục lấy phiếu tín nhiệm.  

P.A.D thực hiện

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.