Liên tục trong 3 tháng qua, cổ phiếu HAG của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) tụt giảm mạnh do tình hình doanh không mấy sáng sủa và những thông tin về các khoản nợ khủng cũng như tranh chấp dồn dập treo trên đầu.
Sau khi hồi phục khá ấn tượng hồi giữa năm với kỳ vọng từ thương vụ kết hôn lịch sử với Thaco của tỷ phú USD Trần Bá Dương, cổ phiếu HAG của CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) của Bầu Đức sụt giảm mạnh, tụt từ mức 7.500 đồng/cp về vùng 5.000 đồng/cp.
Vốn hóa của HAGL bốc hơi hàng ngàn tỷ đồng và túi tiền của Bầu Đức lại giảm mạnh và doanh nhân phố núi này lại ra khỏi top 30 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán (TTCK).
Những kỳ vọng về khả năng các doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức hồi phục nhanh chóng dưới sự trợ giúp của ông Trần Bá Dương cũng dần phai nhạt sau khi các doanh nghiệp của Bầu Đức báo cáo tình hình nợ nần chưa được cải thiện.
Tình hình nợ nần của HAGL và CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai - HAGL Agrico (HNG) có xu hướng dịch chuyển từ vay theo hướng từ dài hạn xuống ngắn hạn. Tính tới cuối quý 3, nợ vay dài của HAGL giảm khoảng 5 ngàn tỷ đồng, nhưng nợ vay ngắn hạn tăng hơn 3 ngàn tỷ đồng.
Việc tăng nợ ngắn hạn là một trong những nguyên nhân khiến HAG bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.
Tổng cộng, 2 doanh nghiệp của Bầu Đức ghi nhận tổng nợ lên tới gần 60 ngàn tỷ (tương đương gần 2,6 tỷ USD). Nợ lớn nhưng lợi nhuận rất nhỏ bé, thậm chí còn thua lỗ ở một số quý. Quý 3, HNG báo lỗ gần 230 tỷ đồng, lũy kế 9 tháng lỗ hơn 170 tỷ đồng.
Ông Đoàn Nguyên Đức là một doanh nhân nổi tiếng và hay gây sốc. Bầu Đức ghi danh với hàng loạt những cái “nhất”, cái “đi đầu” rồi đến chuyện nợ nần, cầm cố thế chấp. Ông từng nổi bật trên thị trường BĐS với nhiều dự án lớn, đi đầu trong việc giảm giá bán căn hộ, với những tuyên bố giảm giá tới 50%.
Ông cũng là người tiên phong trồng cao su, mía đường tại Lào, xây học viện bóng đá, công trình bệnh viện, trường học tại Lào, trung tâm thương mại tại Myanmar,... và từng tham vọng “ngồi tại Việt Nam bán sữa toàn Đông Nam Á”...
Tuy nhiên, các doanh nghiệp của Bầu Đức gần cạn duyên với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. HAGL phải chia tay với nhiều quỹ đầu tư lớn nước ngoài như Dragon Capital, Credit Suisse,... và gần đây dính vào vụ kiện với FPT Capital.
HAG cũng phải chia tay với mảng mía đường, bán cho Thành Thành Công của ông Đặng Văn Thành.
Gần đây, HAGL và HAGL Agrico của Bầu Đức đã phải chấp nhận Thaco của ông Trần Bá Dương vào để cơ cấu lại các khoản vay. Thaco và nhóm cổ đông sẽ sở hữu 35% tổng số cổ phần của HAGL Agrico. Thaco cũng sẽ sở hữu 65% Công ty HAGL Myanmar.
Mới đây, bên cạnh vấn đề tài chính, người của Thaco cũng xuất hiện trong Hội đồng quản trị của HAGL Agrico để thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp này. Thaco gần đây đăng tuyển giám đốc kinh doanh nông sản sau khi bắt tay với HAGL Agrico.
Cuộc chiến đấu tái cơ cấu nợ xấu vẫn đang tiếp diễn và có thể còn kéo dài. Vai trò của Bầu Đức đang giảm xuống trong khi quyền lực của Thaco được dự báo sẽ tăng lên. Tham vọng trở thành ông trùm nông nghiệp khu vực Đông Nam Á đang dần trở nên xa vời.
Con đường về mệnh giá cũng trở nên xa vời. Hậu quả của cú sốc cổ đông ngoại bán ròng cả năm 2015 và cổ phiếu HAG lần đầu tiên xuống dưới mệnh giá vào đầu năm 2016 vẫn chưa giải quyết được.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), áp lực bán vẫn lớn. Những biến động không thuận trên thị trường tài chính thế giới tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực tới tâm lý của các nhà đầu tư trong nước.
Giá dầu giảm khiến nhóm cổ phiếu dầu khí chịu áp lực bán lớn. Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng không thoát khỏi ám ảnh về triển vọng kinh doanh trong tương lai khi mà Chính phủ áp dụng các chính sách thắt chặt để đảm bảo phát triển bền vững.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, chỉ số VN-Index vẫn đang nhận được sự hỗ trợ từ đường SMA100 tương ứng 888-895 điểm. Nếu vùng điểm trên bị phá vỡ, diễn biến của thị trường nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái tiêu cực hơn trong thời gian tới.
Rồng Việt nhận định, dòng tiền yếu cùng những tác động tiêu cực từ thị trường chứng khoán thế giới khiến TTCK Việt Nam dễ dàng bị nhấn chìm. Lực bán tập trung mạnh vào các cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhà đầu tư nên hạn chế các giao dịch ngắn hạn do sự khó lường của thị trường ở thời điểm hiện tại.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 9/11, Vn-Index giảm 11,99 điểm lên 914,29 điểm; HNX-Index giảm 1,53 điểm xuống 103,01 điểm. Upcom-Index giảm 0,41 điểm xuống 51,59 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 3,7 ngàn tỷ đồng.