Theo Daily Mail, hình ảnh trên được nhiếp ảnh gia Ian Wiese ghi lại ở vùng biển phía Nam thành phố Perth (Úc), khi chú cá voi xanh đang di cư về phía Nam dọc theo bờ biển Tây Úc.
Đồng hành với Ian Wiese là các tình nguyện viên giám sát cá voi, có nhiệm vụ ghi lại hải trình của những chú cá voi khi tìm đến vùng nước mát.
“Chúng tôi phát hiện một số cá thể cá voi xanh ở cách bờ 2km, và ngay khi máy quay của tôi xác định được vị trí của chú cá voi nói trên, thì chú bắt đầu hành sự”, Ian nói. “Chúng tôi đã vài lần bắt gặp cảnh cá voi “đi nặng”, nhưng chưa bao giờ nhìn thấy phân cá voi màu xanh vàng sáng. Điều này khá kì lạ.”
Ian cho biết phân cá voi thường có màu đỏ hồng, vì đó là màu của các loài nhuyễn thể - thức ăn chính của loài sinh vật lớn nhất thế giới.
“Nhưng nếu thải ra phân màu xanh vàng, thì có thể nó đã ăn phải một loài nhuyễn thể nào khác”, Ian phân tích. “Vì cá voi thường xổ ruột sau khi ăn 24 giờ, nên có thể nó đã bắt gặp loài nhuyễn thể này ở đâu đó ngoài khơi thành phố Perth, khi đang bơi từ Indonesia xuống Nam Úc.”
Ông Curt Jenner, thuộc Trung tâm nghiên cứu cá voi Tây Úc cho biết cá voi xanh có thể tạo ra tới 200 lít phân mỗi lần “đi nặng”. “Phân của chúng là một chất dinh dưỡng quan trọng cho môi trường đại dương, tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho cá nhỏ và nhuyễn thể”, ông Jenner nói. “Nó cũng giúp sản sinh ra loại tảo cực kỳ quan trọng là nguồn gốc của mọi sinh vật biển.”