Theo thống kê, Phú Thọ có số người nhiễm HIV/AIDS xếp thứ 21/63 với hơn 4.300 người nhiễm và hơn 1500 ca tử vong.
Theo báo cáo của Sở Y tế Phú Thọ, trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 6/2018, tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh có 2 trường hợp tử vong do AIDS có địa chỉ tại Khu Chiềng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn. Đồng thời, trong khoảng thời gian này có 4 trường hợp nhiễm HIV mới được phát hiện cũng tại xã Kim Thượng. Trước dấu hiệu cảnh báo đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tiến hành giám sát thực địa để thu thập, ghi nhận thêm một số thông tin ban đầu.
Sau khi Trung tâm Y tế huyện Tân Sơn triển khai đề tài nghiên cứu khoa học về vấn đề sức khỏe cộng đồng tại xã Kim Thượng, 490 người ở 8 khu dân cư đã được lựa chọn tham gia phỏng vấn phiếu KAP (đánh giá kiến thức, thái độ, thực hành) và lấy mẫu máu. Kết quả sơ bộ, có 43 mẫu khẳng định dương tính với HIV, trong đó có 42 người ở xã Kim Thượng (1 người đã được phát hiện nhiễm HIV từ trước đó và năm trong diện quản lý) và 1 người ở xã khác. Các ca nhiễm HIV ở tất cả các độ tuổi, thấp nhất là 18 tháng, cao nhất là 80 tuổi, trong đó có 17 nam và 26 nữ. Cộng với số người đã phát hiện nhiễm HIV từ trước, Kim Thượng hiện có 60 người nhiễm HIV đang sống.
Theo lãnh đạo Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế: Trên cả nước, có 61 xã có số người nhiễm HIV/AIDS từ 50 người trở lên, và ở Phú Thọ, ngoài Kim Thượng còn có 8 xã khác có số người nhiễm HIV cao. Việc lây nhiễm HIV tại Kim Thượng không phải diễn ra trong thời gian ngắn, mà có trường hợp đã nhiễm lâu, chuyển sang giai đoạn AIDS, do đó, Kim Thượng có thể là điểm dịch kéo dài nhưng chưa được phát hiện. Về nguyên nhân lây nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương sẽ phối hợp với các cơ quan của tỉnh đề tiến hành các bước xét nghiệm, sàng lọc để kết luận nguyên nhân.
PGS Long cũng chia sẻ quan điểm liên quan đến thông tin cho rằng nhiều người dân tại Kim Thượng lây HIV từ việc sử dụng dịch vụ y tế tại nhà một y sĩ của Trung tâm Y tế Tân Sơn: "Bằng thông tin hiện có, hiện chưa có đủ thông tin kết luận hay định hướng về nguồn lây nào".
"Một người nhiễm nhưng đã chuyển sang giai đoạn AIDS tức là đã nhiễm HIV nhiều năm. Chúng tôi đã đề nghị lãnh đạo Bộ Y tế chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phối hợp địa phương có thêm thời gian điều tra, khảo sát. Khoảng thời gian này theo các chuyên gia phải mất tới vài tháng" - ông Long nói.
Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS cũng thông tin, trong cuộc thăm hỏi người dân mắc HIV tại xã Kim Thượng, bệnh nhân cũng không hề nghĩ mình bị HIV từ nguồn lây liên quan đến vị y sĩ này.
Nhiễm HIV là không ai mong muốn, nhưng nếu điều trị kịp thời, người bệnh vẫn sống khỏe mạnh. Người bệnh được cấp phát thuốc điều trị 3 tháng một lần, điều trị ngay tại gia đình. Khi điều trị theo chỉ định, tải lượng virus xuống thấp sẽ không gây lây nhiễm cho người khác và vẫn có thể sinh con
Bộ Y tế hiện đã có chỉ đạo nghiên cứu về dịch tễ, nhóm tuổi, giới và các hành vi nguy cơ để tìm các nguyên nhân lây nhiễm HIV trên địa bàn xã. Đặc biệt con đường lây nhiễm HIV là rất nhiều chứ không chỉ riêng qua đường máu, bơm kim tiêm, tiêm chích. HIV cũng có thể lây qua tiếp xúc trong sinh hoạt hàng ngày nếu có vết thương hở. Người nhiễm HIV khi bị thương nếu người cấp cứu không biết, không có biện pháp đảm bảo an toàn cũng có nguy cơ nhiễm trong quá trình cấp cứu