Bắt quỳ thì được gì?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong đời người chắc không có nhiều lần quỳ gối. Nếu ta tự nguyện quỳ thì không sao nhưng khi bị bắt ép là có chuyện rồi. Khi đó quỳ trở thành cách thể hiện sự hạ mình, quy phục quyền lực của người khác.

Người mẹ khi bắt con gái quỳ trên sân trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (vì cô bé không đủ điểm vào trường dân lập này) kèm theo lời đe dọa: “Mày không quỳ tao đánh chết” thể hiện sự thiếu kiềm chế trong một trường hợp chưa lấy gì làm tuyệt vọng. Vì cô bé sau đó vẫn đủ điểm để vào trường khác.

Có lẽ cuộc sống đặt lên vai bà mẹ nhiều gánh nặng quá cộng với việc thiếu thông tin về chính sách tuyển sinh. Thiếu luôn cả thông tin về chính con mình. Bà chỉ biết kỳ vọng vào con mà không biết cảm xúc nó ra sao, nó phải trải qua những gì có thể ảnh hưởng đến học lực, điểm số. Bà cũng không biết luật cho phép bố mẹ có thể làm gì với con cái.

Bà cũng như không ít các bậc phụ huynh khác cho rằng con tôi tôi có quyền dạy bảo tùy ý. Nhưng những cung cách kiểu này có thể dạy gì được cho con trẻ ngoài nỗi khiếp sợ và tuyệt vọng?!

Sẽ có những dấu vết ấn tượng không thể tẩy bỏ trong tâm trí cho dù đứa trẻ có tỏ ra “già trước tuổi” để thông cảm với bố mẹ mình. Như trong trường hợp cụ thể này, nữ sinh Đ.T chia sẻ với báo chí: “Mẹ mình ngoài đời vốn nóng tính, khó kiềm chế cảm xúc. Mình hiểu lúc đấy mẹ mất bình tĩnh thế nào khi biết con gái mình không được theo học trường đó. Mình khóc không phải vì không được học ở trường đấy mà mình khóc vì sợ mẹ nóng quá, mẹ ngất ra đấy sẽ có chuyện không hay”...

Có gì đấy giống truyện xưa bên Trung Quốc có ông Hàn Bá Du hay bị mẹ đánh nhưng không khóc. Đến một lần ông khóc nhiều quá bà mẹ lấy làm lạ mới hỏi. Du trả lời: "Ngày trước mẹ đánh đau, con không khóc vì biết mẹ còn khoẻ mạnh. Nay mẹ đánh không đau, con khóc vì con biết mẹ đã già yếu rồi! Không còn sức đánh con, cũng như không còn ở trên thế gian này với con bao lâu nữa”…

Hành vi “đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình” tùy tình tiết có quy định trong Luật hình sự cả. Năm 2019, một bà mẹ ở Ninh Bình bị phạt hành chính 2 triệu đồng về “hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên trong gia đình”. Do con trai nói dối để đi chơi điện tử sau giờ học nên bà đã dùng chổi đánh, lột quần áo và bắt con quỳ trước cửa nhà. Và chỉ tha cho con sau 10 phút do người qua đường phản ứng. Như vậy việc cháu bé bị xâm hại ở góc độ nhân phẩm vẫn không hề được cơ quan chức năng đề cập.

Tháng 9/2016, em Bùi Đoàn Quang H., học sinh lớp 8 ở thành phố Yên Bái bị một người nhà của bạn cùng lớp đánh gây thương tích phải nằm viện mất 7 ngày. Khi xuất viện thấy clip mình bị đánh bằng tuýp sắt và bắt quỳ gối lan truyền trên mạng, H đã tự tử tại nhà. Sức chịu đựng bất cứ ai cũng có hạn, nhất là trẻ em. Thế nên trong mọi chuyện, người lớn phải nghĩ tới trách nhiệm của mình đầu tiên.

MỚI - NÓNG
Tỉnh Isfahan của Iran. (Ảnh: Getty)
Iran bác tin bị tấn công tên lửa
TPO - Tiếng nổ được nghe thấy ở Isfahan là do Iran kích hoạt các hệ thống phòng không, một quan chức Iran nói với Reuters, đồng thời khẳng định không có cuộc tấn công tên lửa nào nhằm vào nước này như báo chí vừa đưa tin.