Những ngày qua, trên một số diễn đàn mạng, các bậc phụ huynh bàn tán xôn xao về vấn đề đưa đón con đi học sau khi xảy ra vụ cháu bé tử vong trên xe đưa đón của trường hôm 6/8 vừa qua.
Thuê xe taxi đưa đón con
Rất nhiều phụ huynh lo lắng với dịch vụ đưa đón con em mình do các trường học cung cấp, thậm chí một số người đã kêu gọi lập nhóm thuê taxi, xe riêng để đưa đón con, dù dịch vụ cung cấp xe riêng đưa đón học sinh không còn xa lạ tại các đô thị lớn và đặc biệt phát triển những năm gần đây.
Trên một diễn đàn riêng cho các bậc cha mẹ, tài khoản Me_cua_so viết: “Năm nay mình có con vào học lớp 1 tại trường ở khu đô thị Ciputra, nhà lại Láng Hạ. Mẹ nào có con học trường ở đây và cùng trên một tuyến đường có thể ghép xe với nhà mình. Gia đình mình có đứa em họ lái taxi rất tin tưởng nên các mẹ yên tâm đưa đón các bé an toàn”.
Tương tự, chủ tài khoản Thienthannho đăng: “Mình đã tìm được lái xe taxi cẩn thận đưa đón con đi học tại khu vực Mỹ Đình. Giờ mình không muốn cho con sử dụng xe buýt ở trường nữa và an toàn cho con là trên hết nên dù thuê xe taxi có đắt hơn vẫn muốn sử dụng. Nhà mình ở Thanh Xuân, có mẹ nào cùng khu vực muốn cho con đi cùng liên hệ mình. Mình cần thêm 2 bạn nữa đồng hành với gia đình mình. Giá dao động 1 - 1,5 triệu đồng mỗi tháng trừ Thứ 7, Chủ nhật”. Những chia sẻ trên lập tức nhận được phản hồi của phụ huynh cùng khu vực.
Ngoài các xe đưa đón học sinh do nhà trường cung cấp, ở Hà Nội hiện cũng có không ít doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này. Dịch vụ đa dạng, từ xe ôm tới ô tô con, ô tô 16 - 29 chỗ, không chỉ phục vụ xe riêng theo nhu cầu, còn phục vụ xe chung, cung cấp cho cá nhân lẫn các trường. Tại Hà Nội, mức giá đưa đón học sinh bằng xe ôm 2-2,5 triệu đồng/tháng/bán kính dưới 10km; với xe ô tô, mức giá bình quân 5-10 nghìn đồng/km tùy loại xe ...
Sau bài học Gateway: Tập huấn cả tài xế
Trao đổi với Tiền Phong, bà Khuất Thị Thùy Dung, Giám đốc Cty TNHH TM An Du (Hà Nội) cho biết, hiện đơn vị đang cung cấp xe đưa đón học sinh loại 16 và 29 chỗ cho rất nhiều trường học. Đồng thời, công ty này cũng cung cấp cả dịch vụ đưa đón bằng xe máy, ô tô con. Với hợp đồng ký với nhà trường, theo bà Dung, đơn vị cung cấp xe và lái xe, nhà trường bố trí giáo viên đi kèm xe.
Bà Dung cho hay: “Thông thường mỗi trường có quy trình đưa đón học sinh khác nhau, chúng tôi theo đó thực hiện”.
Về tiêu chuẩn riêng cho xe đưa đón học sinh tương tự xe buýt học sinh của Mỹ, theo bà Dung, điều này rất khó thực hiện tại Việt Nam. Bởi xe buýt học sinh của Mỹ có đường riêng, được sản xuất kiểu dáng đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ, có khung sắt chống va đập...
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA) cho rằng, hiện xe đưa đón học sinh là xe hợp đồng. Tuy vậy, có thể có một số trường chưa quan tâm đầy đủ tới chất lượng của đơn vị cung cấp xe, chất lượng xe, đôi khi chỉ cần xe đầy đủ giấy tờ, lái xe có giấy phép là thuê. Do xe đưa đón học sinh rất đặc thù, và ngày càng phổ biến, ông Quyền đồng tình với đề xuất bổ sung thêm một số quy định với loại hình xe hợp đồng này, đặc biệt là điều kiện với đơn vị kinh doanh, kỹ năng với tài xế.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam (VATA): “Đi trên đường có thể thấy, có không ít xe đưa đón học sinh đã cũ nát. Có không ít doanh nghiệp mua xe cũ để cung cấp cho các trường, do xe đưa đón học sinh cũng chủ yếu chạy trong thành phố. Cần bổ sung quy định để ngăn chặn, giảm rủi ro với học sinh”.
Xe chở học sinh trường Gateway “hoạt động chui”
Theo quy định, để có thể chở khách, trong đó có đưa - đón học sinh theo hình thức hợp đồng, chủ xe - doanh nghiệp vận tải phải làm hồ sơ xin phép tại Sở GTVT địa phương. Khi hoạt động trên đường xe phải dán tem, phù hiệu “xe hợp đồng” được Sở GTVT cấp, cùng với đó là phải lắp thiết bị giám sát hành trình để cơ quan quản lý có thể theo dõi hoạt động của xe đúng với quy định của Bộ GTVT.
Tuy nhiên, với chiếc xe 16 chỗ có BKS 29B - 06956 đưa, đón học sinh theo hình thức xe hợp đồng để xảy ra vụ việc đau lòng tại trường tiểu học Gateway vừa qua, khi kiểm tra và qua trích xuất giữ liệu trên hệ thống giám sát hành trình, đại diện Sở GTVT cho biết, không có thông tin về xe, phương tiện này cũng không có hồ sơ về thủ tục đăng ký kinh doanh tại sở. Như vậy, tuy hoạt động theo hình thức xe hợp đồng và được trường trường quốc tế Gateway ký hợp đồng đưa đón học sinh nhưng xe bị coi là hoạt động “chui”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, đơn vị đã một số lần đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội rà soát hoạt động đón đưa học sinh. Gần đây nhất là cuối năm 2018, Sở GTVT đã có văn bản đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội không ký hợp đồng vận chuyển đối với các đơn vị vận tải không thực hiện đúng điều kiện kinh doanh theo quy định của Chính phủ. Rà soát phương tiện, người lái xe ô tô đưa đón học sinh, người lao động; cương quyết chấm dứt hợp đồng vận chuyển với phương tiện, người lái xe ô tô không đủ điều kiện theo quy định.
Trọng Đảng