Hầu hết mọi người nghĩ rằng hành lá chỉ đơn thuần là một thực phẩm trang trí cho món súp, món hầm hay salad mà không nghĩ đây là một vị thuốc quí.
Hành lá được sử dụng cách đây hơn 5.000 năm. Có nguồn gốc từ Châu á, hành lá được người Trung Quốc sử dụng đầu tiên.
Và hiện nay, thực phẩm này đang trở thành một phần không thể thiếu trong nghệ thuật ẩm thực của các quốc gia từ Châu Á, cho đến Châu Âu và Bắc Mỹ.
Hành lá được xem là có "họ hàng" với tỏi và hành tây.
Cách đây hơn 1 thế kỷ, hành lá còn được xem là "dụng cụ" bói toán.
Một người sẽ cầm một nắm cuống hành, quăng chúng vào một chiếc bàn gỗ. Các thầy bói sẽ nhìn vị trí của các mẩu hành để phán đường tiền tài của người đó.
Trong khi chưa ai có thể nói chính xác về việc bói toán này, thì các nhà khoa học đã kiểm chứng tác dụng tuyệt vời của hành lá với các món ăn cũng như sức khỏe con người.
Dưới đây là một số lý do sức khỏe sẽ khiến bạn thường xuyên ăn hành lá hơn.
Trong một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Y học Phân tử, các nhà khoa học Pháp đã tìm thấy hành lá có đặc tính kháng khuẩn, có thể chống lại 5 loại vị khuẩn khác nhau, bao gồm Staphylococcus, vi khuẩn Listeria, Salmonella, Campylobacter và E. coli.
Họ cũng phát hiện hành lá phát huy hiệu quả nhất trong việc chống lại những con vi khuẩn này là khi được ăn sống. Còn nếu bị nấu chín, các chất kháng khuẩn trong hành lá sẽ bị mất hết "công lực".
Xét về khả năng kháng khuẩn, ăn hành lá thường xuyên sẽ giúp cơ thể hình thành một hệ thống phòng bệnh.
Phòng ngừa ung thư
Một nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Phòng chống Ung thư cho thấy hành lá có khả năng phòng ngừa ung thư rất hiệu quả, đặc biệt với các loại bệnh ung thư liên quan đến tiêu hóa.
Các nhà nghiên cứu tại Viện Ung thư Quốc gia và Bộ Nông nghiệp Mỹ cho rằng các hợp chất lưu huỳnh tự nhiên trong hành lá khiến nó trở thành thực phẩm chống ung thư ấn tượng nhất.
Quercitin là một flavonoid trong hành lá có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư trong ruột kết, do đó làm giảm nguy cơ ung thư ruột kết.
Ngoài ra, chất Kaempferol, một loại flavonoid khác trong hành lá cũng có tác dụng giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư buồng trứng ít nhất là 40 %.
Điều trị đau họng
Các nhà khoa học Rumani đã khẳng định về liệu pháp chữa đau họng cổ truyền của người dân nước này từ hành lá.
Những phát hiện được đăng trên Tạp chí Sinh lý và Dược lý học cho thấy chiết xuất từ hành lá là một bài thuốc điệu trị đau họng hiệu quả, chủ yếu là do đặc tính chống viêm mạnh của thảo mộc này.
Cách trồng hành lá tại nhà
Tuy nhiên, hiện nay, hành lá bị phun thuốc trừ sâu rất nhiều. Nên tốt nhất, bạn hãy thử trồng loại thảo mộc này tại nhà để có cơ hội nhận được sự kỳ diệu mà loại cây này mang lại.
1. Trồng hành trong chậu đất
- Bạn chỉ cần chuẩn bị một ít đất nhiều mùn và một cái chậu có lỗ thoát nước.
- Sau đó, bạn lấy phần gốc màu trắng để trồng. Cho toàn bộ phần rễ hành vào trong chậu sao cho thân hành để lộ 2-3cm trên mặt đất.
- Hàng ngày tưới nước đủ ẩm cho cây.
- Sau 30 - 40 ngày, cắt lá ăn dần và tiếp tục tưới nước, bón phân cho chậu cây.
2. Trồng hành trong chai nhựa
- Chuẩn bị một chai nhựa to khoảng 5 lít. Cắt bỏ phần thân trên của chai từ cổ trở lên. Tiếp đó dùng bút đánh dấu các lỗ tròn sao cho đường kính bé hơn kích thước củ hành. Dùng kéo hoặc dao nhọn đầu để đục các lỗ.
- Sau khi hoàn thành phần chai nhựa, bạn đổ 1 lớp đất mùn mịn khoảng 5-7cm xuống đáy bình, xếp lần lượt các củ hành xung quanh sao cho phần rễ hướng vào trong, ngọn hướng ra phía lỗ tròn.
- Sau khi xếp xong lớp hành đầu tiên, bạn đổ đất phủ lên lớp củ hành rồi xếp lần lướt các lớp củ - đất như ban đầu cho tới khi đầy bình.
- Hàng ngày, phải tưới nước từ trên xuống cho đất ẩm và đặt chai hành lá gần cửa sổ có ánh sáng tự nhiên.
3. Trồng hành thủy canh
- Bạn chỉ cần chuẩn bị một chiếc cốc thủy tinh.
- Khi chế biến thức ăn, bạn có thể giữ lại phần gốc màu trắng khoảng 7-10 cm để trồng.
- Cho phần rễ hành vào cốc thủy tinh, đổ nước khoảng 3-4 cm sao cho nước ngập phần trắng của hành.
- Đặt bình ở nơi có ánh sáng vừa đủ nhưng không trực tiếp dưới nắng và thay nước 2 ngày/lần.
Không chỉ có hành tươi ngon phục vụ cho những bữa ăn hàng ngày, những bình hành trồng thủy canh còn có thể làm bình trang trí trong nhà.