Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước

TPO - Nhiều quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… cũng có tháng cô hồn như Việt Nam, với nhiều phong tục độc đáo.

Theo quan niệm dân gian của người Việt, tháng Bảy âm lịch là tháng của ma quỷ, là khoảng thời gian cô hồn được phép trở về dương gian. Lễ cúng cô hồn cũng bắt đầu từ đó, đặc biệt vào ngày rằm tháng Bảy được gọi là “ngày xá tội vong nhân”. Cúng cô hồn mang ý nghĩa an ủi, xoa dịu để những linh hồn chưa được siêu thoát không quấy nhiễu, mang đến xui xẻo cho người sống.

Không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore… cũng có tháng cô hồn, với những phong tục độc đáo khác nhau trong tháng này.

Trung Quốc

Đạo giáo của người Trung Quốc tin rằng, từ ngày 2/7 âm lịch, Diêm Vương sẽ bắt đầu mở Quỷ Môn Quan cho quỷ đói được trở về dương gian. Sau đó cánh cửa sẽ đóng lại đúng vào đêm 14/7 Âm lịch. Vào tháng cô hồn, người Trung Quốc tổ chức Lễ hội Ma đói – một trong những lễ hội truyền thống để thờ cúng tổ tiên. Đạo giáo gọi Lễ hội Ma đói là Tết Trung Nguyên, còn đạo Phật gọi là Lễ Vu Lan.

Lễ hội ma đói ở Trung Quốc được tổ chức vào ngày 15/7 âm lịch. Một số vùng ở miền nam tổ chức sớm hơn, vào ngày 14/7 âm lịch. Ngoài ra, ngày đầu tiên và ngày cuối cùng của tháng cô hồn cũng có các hoạt động đặc biệt. Vào dịp này, người Trung Quốc thực hiện các nghi lễ đặc biệt để tránh cơn thịnh nộ của hồn ma như thắp hương bàn thờ tổ tiên, chuẩn bị đồ cúng ba lần trong ngày. Lễ chính thường được làm vào lúc chập choạng tối.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 1 Người Trung Quốc rải tiền đầy đường vào tháng cô hồn.
Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 2 Các mâm cúng là không thể thiếu.

Vào ngày đầu tiên của tháng, mọi người đốt tiền vàng mã bên ngoài nhà riêng hoặc quán hàng. Người Trung Quốc cũng rải rất nhiều tiền vàng mã trên các con đường, cánh đồng.

Không chỉ tổ tiên, người ta cũng thắp hương, chuẩn bị thức ăn, vàng mã… cho những con ma đói vất vưởng. Như Việt Nam, người Trung Quốc tin, cô hồn sẽ không quấy nhiễu, gieo rắc tai họa sau khi ăn đồ cúng và cầm tiền dành cho người âm.

Người Trung Quốc giăng nhiều đèn lồng đỏ trên đường, trong nhà, quán xá… Cùng với đó, họ tụ tập tổ chức hội chợ, các hoạt động văn hóa, giải trí như diễn kịch trên đường phố, khu đi bộ… Mọi người cũng đi chùa khấn vái, đọc kinh cùng các nhà sư.

Ngày cuối của tháng Bảy âm lịch được cho là ngày Quỷ Môn Quan đóng. Mọi người đốt thêm tiền vàng mã để hồn ma dùng ở âm phủ. Để xua đuổi hồn ma, các nhà sư Đạo giáo tụng kinh vì những cô hồn được cho là ghét âm thanh. Buổi tối, mọi người thả đèn hoa đăng trên sông. Các gia đình viết tên tổ tiên, người thân đã khuất lên đèn hoa đăng. Người ta tin rằng, hồn ma sẽ theo những chiếc đèn này về nơi chín suối.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 3  Đèn hoa đăng dẫn lối cho các linh hồn rời xa dương thế.

Singapore và Malaysia

Tháng cô hồn ở Singapore và Malaysia cũng diễn ra vào tháng Bảy âm lịch, bắt nguồn từ tín ngưỡng của cộng đồng người Hoa tại đây.

Trong tháng này, sôi nổi nhất là vào ngày rằm, khắp Singapore (đặc biệt là khu phố Tàu) và những nơi tập trung nhiều người Hoa ở Malaysia, người ta bày biện đồ ăn và tổ chức các hoạt động “mua vui” cho hồn ma lang thang.

Các sân khấu ngoài trời (gọi là getai) được dựng lên để biểu diễn kinh kịch Trung Quốc và múa rối cho cả người sống và người chết xem. Hàng ghế đầu bỏ trống dành riêng cho các hồn ma. Ngoài ra, nhiều loại hình hiện đại như hát karaoke, khiêu vũ cũng xuất hiện trên sân khấu getai, được cho là dành cho linh hồn những người mới qua đời.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 4  
Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 5 Hàng ghế đầu dành cho hồn ma đi xem biểu diễn.

Người Singapore và Malaysia cũng đốt tiền vàng mã hay các mô hình TV, ô tô hay đồ nội thất… bằng giấy cho người đã khuất. Đồ cúng được đặt dọc lề đường, bên ngoài nhà để chặn ma đói không vào trong nhà kiếm ăn. Ghé thăm các đền thờ Đạo giáo và các khu chợ ẩm thực dịp ngày, du khách được chứng kiến những dãy bàn đồ ăn hoành tráng dành riêng để cúng cô hồn, cùng với đó là các nhà sư thổi kèn, sáo và tụng kinh. Lễ cúng được giám sát bởi hình nộm của thủ lĩnh ma đói, Taai Si Wong, tránh các hồn ma khác quấy nhiễu.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 6 Lễ cúng cô hồn diễn ra hoành tráng.

Vào ngày cuối tháng, đồ cúng vàng mã, các mô hình bằng giấy được đốt trong những đống lửa khổng lồ để đưa tiễn các hồn ma về âm phủ. Người ta cũng đốt hình nộm Taai Si Wong cùng với các vật dụng khác.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 7 Những đống lửa to được đốt để tiễn các linh hồn vào cuối tháng Bảy âm lịch.

Thái Lan

Khác với các nước trên, lễ hội ma xó (Phi Ta Khon) của Thái Lan được tổ chức trong 3 ngày của tháng 6 hàng năm tại huyện Dan Sai ở tỉnh Loei. Lễ hội này vốn để tôn vinh sự trở lại của Phật - Hoàng tử Vessandorn sau khi ông rời làng bắt đầu một hành trình dài. Tuy nhiên, người dân địa phương tin rằng, do ăn mừng lễ hội này quá lớn, những hồn ma bị đánh thức.

Do đó, vào dịp này, người tham gia lễ hội thường mặc trang phục như ma quỷ và đeo mặt nạ. Thanh niên múa, biểu diễn các động tác chiến đấu với các hồn ma hiện thân qua những chiếc mặt nạ làm từ thân cây dừa. Sự độc đáo của lễ hội Phi Ta Khon góp phần thu hút đông đảo khách du lịch đến đây mỗi năm.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 8 Người Thái mặc đồ, đeo mặt nạ như ma quỷ.

Nhật Bản

Những người Nhật theo đạo Phật có lễ hội Obon diễn ra trong 3 ngày của tháng 8 dương lịch hằng năm. Theo quan niệm của Nhật Bản, linh hồn tổ tiên trở lại trần thế để thăm người thân của họ.

Vào ngày đầu tiên, người Nhật sẽ đi thăm mộ người thân, quét dọn và đặt đồ cúng gồm các loại trái cây, bánh và lồng đèn. Ngày thứ 2, các gia đình sửa soạn bàn thờ ở nhà. Theo đó, phía trên cùng của bàn thờ, người ta đặt những vật tưởng niệm về tổ tiên và cúng những món ăn chay. Những con vật làm từ dưa chuột hay cà tím được đặt lên bàn thờ, tượng trưng cho phương tiện đón rước các linh hồn.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 9  
Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 10 Điệu múa Obon nổi tiếng.

Cúng xong, mọi người mặc yukata, kimono mùa hè, xuống đường cùng nhau tham gia điệu múa Obon (bon odori) theo vòng tròn. Đến tối, lễ dâng lửa được diễn ra, nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn của những người đã khuất trở về sau khi đã ghé thăm trần thế. 5 dải lửa được đốt lên ở 5 ngọn núi xung quanh Kyoto trong khoảng một giờ. Ngoài ra, người dân Nhật còn được chứng kiến các màn pháo hoa sắc màu, thả hoa đăng hoặc đèn trời trong dịp lễ này.

Bất ngờ các hoạt động 'mua vui' cho hồn ma lang thang trong tháng cô hồn ở một số nước ảnh 11 Lễ dâng lửa.
Theo Theo Chinahighlights, Tripsavvy, Bangkok Post, AllJapans
MỚI - NÓNG
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
Harry từ bỏ quyền cư trú ở Anh
TPO - Hoàng tử Harry đã ghi Mỹ là nơi cư trú chính, thay vì Vương quốc Anh như trước đây, trong hồ sơ kinh doanh. Đáng nói, thay đổi này được thực hiện vào thời điểm anh chính thức dọn khỏi nhà tân hôn Frogmore Cottage.