Bất ngờ áo dài ngũ thân đua marathon

Áo dài ngũ thân xuất hiện tại VnExpress Marathon Huế 2020 Ảnh do Sở VHTT TT- Huế cung cấp
Áo dài ngũ thân xuất hiện tại VnExpress Marathon Huế 2020 Ảnh do Sở VHTT TT- Huế cung cấp
TP - Giải VnExpress Marathon Huế 2020 vừa kết thúc trên đất Cố đô, với dư vị đọng lại đậm đà nhất có lẽ liên quan áo dài ngũ thân. 

Đây là giải chạy có quy mô lớn được tổ chức tại Huế với hơn 4.500 vận động viên (VĐV) chuyên nghiệp, không chuyên góp mặt và hơn 1.000 VĐV nhí tham gia giải KUN Marathon.

Đây là lần đầu tiên tại Huế, trong một giải marathon có sự xuất hiện của áo dài ngũ thân - trang phục được 100 VĐV đến từ Hà Nội, TPHCM và xứ Huế sử dụng khi thi đấu. Với nhiều người, đây là một sự làm mới đầy thú vị của Huế, nhằm quảng bá áo dài ngũ thân trong hành trình thực hiện đề án “Huế - kinh đô áo dài” của Việt Nam.

Tuy nhiên, không ít ý kiến lại tỏ ra không đồng tình, thậm chí có những bình phẩm, chê bai nặng nề về việc sử dụng áo dài ngũ thân làm trang phục thi đấu trong một sự kiện thể thao. Các ý kiến phản bác cho rằng, đây là một kiểu “chơi trội”, màu mè, “đầu óc có vấn đề” nên ăn mặc không giống ai, thậm chí phản cảm, thiếu ăn nhập và không phù hợp cho hoạt động thể thao; thêm nữa, việc quảng bá áo dài truyền thống như vậy của Huế là không đúng nơi, đúng chỗ…

Trước vấn đề gây tranh cãi này, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao (VHTT) tỉnh TT-Huế, đã lên tiếng. Sở VHTT TT-Huế, nơi ông Hải làm lãnh đạo, là cơ quan tiên phong “quốc phục” công sở, đặc biệt là vào thứ Hai đầu tiên của mỗi tháng.

Ông Hải cho biết, marathon là môn thể thao có tính đại chúng cao, mọi người không phân biệt giới tính, sắc tộc, tôn giáo... đều có thể tham gia, miễn là đủ sức khỏe. Do không quy định bắt buộc về trang phục thi đấu, nên VĐV có thể tự trang bị cho mình loại trang phục mà họ ưng ý, mang tính trải nghiệm, miễn là không vi phạm pháp luật, đạo đức, thuần phong mỹ tục.

Bất ngờ áo dài ngũ thân đua marathon ảnh 1 VĐV Gia Tiến trong trang phục áo dài ngũ thân chinh phục chặng chạy 42km như là một sự trải nghiệm thú vị

Theo Giám đốc Sở VHTT TT-Huế, việc một số VĐV đến từ TPHCM, Hà Nội và cả người Huế chọn áo dài, áo ngũ thân làm trang phục thi đấu không thể nói là “chơi trội”, “đầu óc có vấn đề”, mà nhằm thể hiện tình yêu đối với Huế; hoặc ủng hộ, cổ vũ chủ trương xây dựng “Huế - kinh đô áo dài Việt Nam” của chính quyền và người dân địa phương. Đây là một việc làm bình thường, thậm chí rất đáng hoan nghênh, tạo thêm sự thú vị, giàu sắc màu cho giải đấu, ông nói.

Ông Hải phân tích, áo dài ngũ thân vốn được sáng tạo từ mấy trăm năm trước tại Huế, từ đó lan tỏa ra toàn quốc, trở thành bộ trang phục phổ thông của người Việt, hơn trăm năm trước được gọi là quốc phục, nam phục (để phân biệt với Âu phục). Áo ngũ thân dành cho cả nam và nữ là thường phục, không phải là tế phục, lễ phục (cũng là áo dài), nên được người xưa sử dụng trong mọi hoạt động, kể cả trong lao động, sản xuất. Khoảng thập niên 1970 trở về trước tại Huế, người ta bắt gặp loại trang phục này ở mọi nơi, mọi đối tượng, nhất là phụ nữ, từ cô giáo, học sinh, tiểu thương tới người chèo đò, người bán bún gánh…

“Vì nhầm lẫn về trang phục, hoặc có thể do không hiểu đúng về áo dài ngũ thân, nên một số người đã bình luận ác cảm, chê bai. Việc một số VĐV mặc áo ngũ thân tham gia chạy marathon hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến thuần phong mỹ tục, hay tạo hình ảnh xấu cho Huế - vùng đất của văn hóa, di sản. Trái lại, có thể xem đây là một cách thể nghiệm rất thú vị, để có thể hiểu thêm ông cha chúng ta khi xưa mặc bộ trang phục ấy khi lao động vất vả để có cảm giác ra sao”, ông Hải nêu ý kiến.

Bất ngờ áo dài ngũ thân đua marathon ảnh 2 VĐV nhí mặc áo dài trên đường chạy KUN Marathon thuộc VnExpress Marathon Huế 2020 

Giám đốc Sở VHTT TT-Huế nói rằng, tất cả VĐV mặc áo ngũ thân tham gia VnExpress Marathon Huế 2020 hôm 27/12 đều hoàn thành xuất sắc đường chạy, trong đó, ca sĩ Đức Tuấn, người mặc áo ngũ thân thi marathon, cán đích thành công chặng 21km. Theo ông Hải, việc mặc áo dài ngũ thân thi đấu thể thao là thể nghiệm mang tính cá nhân của VĐV, không phải yêu cầu của ban tổ chức. Sự thể nghiệm này cần được tôn trọng.

VĐV Gia Tiến (công tác tại một trường cao đẳng ở Huế) kể: “Tôi về đích chặng chạy 42km với trang phục áo dài ngũ thân rất đẹp. Đây là dịp để quảng bá áo dài ngũ thân đến mọi miền đất nước. Trong quá trình chạy, cung đường 42km và 21 km lặp nhau nên được rất nhiều VĐV khen là đẹp, rất Huế. Nhiều bạn còn kêu dừng lại để chụp hình, người dân cũng rất thích thú”.

Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VHTT TT-Huế, cho biết, tại giải Heritage Marathon năm 2018 tổ chức ở Hà Nội, không ít VĐV mặc áo dài để chạy như là một hình thức quảng bá trang phục truyền thống và nhận được những ý kiến trân trọng. Tại giải chạy ở Quy Nhơn cách đây chưa lâu, các VĐV lấy lá cây, cành cây kết kín quanh quần áo đấu theo phong cách “thổ dân” và nhận được sự tán thưởng của người xem về sự sáng tạo, mới lạ. Ở nước ngoài, không ít VĐV cũng mặc trang phục dân tộc truyền thống khi thi chạy marathon. Do đó, ông Hải cho rằng, Huế thật sự đáng yêu hơn, thú vị hơn khi có các tà áo ngũ thân xuất hiện trên đường chạy.
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.