Bắt nhóm lưu manh chuyên 'bảo kê' trên sông Hồng

Bắt nhóm lưu manh chuyên 'bảo kê' trên sông Hồng
Ngày 25/1, công an Hà Nội khám phá chuyên án, triệt phá thành công một ổ nhóm lưu manh chuyên chặn các tàu thuyền để thu tiền "mãi lộ" trên sông Hồng. Theo khai nhận, bình quân chúng thu được khoảng 240 triệu đồng/tháng tiền mãi lộ.

Đây là lần đầu tiên thủ đoạn phạm tội dưới hình thức lợi dụng danh nghĩa công ty có chức năng cứu hộ cứu nạn để cưỡng đoạt tài sản thông qua hoạt động “bảo kê” trên sông nước được các lực lượng chức năng ở Thủ đô đưa ra ánh sáng.

Từ những thông tin đầu tiên của quần chúng về một ổ nhóm lưu manh đã hoành hành trong một thời gian khá dài, gây lo sợ của các chủ tàu hàng thường xuyên qua lại khúc sông Hồng (đoạn qua khu vực Chèm, thuộc địa phận xã Thụy Phương, Từ Liêm - Hà Nội), lực lượng cảnh sát hình sự Hà Nội đã khẩn trương vào cuộc để điều tra làm rõ.

Sau hơn 2 tháng dày công theo dõi, mật phục, lực lượng công an đã bắt quả tang khi các đối tượng đang nhận tiền mãi lộ của chủ tàu PT 1341 tại khu vực Chèm.

Bọn chúng gồm các tên: Đỗ Mạnh Báu ( sinh năm 1963, ở xóm 6 Đông Ngạc, Từ Liêm - Hà Nội), Phó Giám đốc Công ty TNHH cứu nạn cứu hộ Thành Đạt, từng có 3 tiền án tiền sự; Nguyễn Văn Thụ ( sinh năm 1972, trú tại thôn Đại Đồng, Thụy Phương, Từ Liêm - Hà Nội), Giám đốc Công ty cứu nạn cứu hộ Thành Đạt; Lê Văn Thảo ( sinh năm 1962, ở tổ 14 phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy - Hà Nội, có 1 tiền án), Nguyễn Út Trọng ( sinh năm 1987, quê ở Thái Nguyên, hiện ở xóm 6 Đông Ngạc, Từ Liêm), Nguyễn Văn Tuấn ( sinh năm 1986, trú tại Đại Đồng, Thụy Phương - Từ Liêm), Nguyễn Văn Chung ( sinh năm 1990, trú tại Hồng Ngự, Thụy phương - Từ Liêm) và Nguyễn Văn Thìn ( quốc tịch Campuchia, tạm trú tại thôn Đại Đồng, Thụy Phương - Từ Liêm), cùng là nhân viên của Công ty TNHH cứu nạn cứu hộ Thành Đạt.

Bước đầu, các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội như sau: Cách đây 2 năm, nắm bắt được tâm lý của các chủ tàu thuyền chở hàng hóa qua lại trên sông Hồng sợ bị mắc cạn sẽ chìm tàu nên Nguyễn Văn Thụ đứng ra thành lập Công ty TNHH cứu hộ cứu nạn Thăng Long để lợi dụng danh nghĩa cứu nạn, thu tiền trái phép của các chủ tàu.

Phục vụ cho mục đích này, Thụ đã mua 2 tàu điều tốc và 4 thuyền loại nhẹ lắp máy Bông sen, thường xuyên cho neo đỗ ở khu vực chân cầu Thăng Long, chờ sẵn để cưỡng đoạt tài sản của chủ tàu. Với mỗi chiếc tàu chở hàng qua lại, chúng sẽ thu từ 50.000 - 100.000 đồng tiền phí dịch vụ đưa dẫn và kéo tàu qua bãi cạn.

Tàu hàng nào không chịu nộp " lệ phí" sẽ bị đe dọa hành hung, chửi bới; nếu chẳng may gặp cạn thì cũng không được cứu hộ. Trung bình mỗi ngày, chúng thu tiền dịch vụ của trên dưới 300 lượt tàu thuyền qua lại trên sông mà không hề thực hiện việc đưa dẫn luồng.

Được một thời gian, lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy Hà Nội đã phát hiện hành vi sai phạm, 3 lần lập biên bản xử phạt hành chính, đồng thời yêu cầu Công ty TNHH cứu hộ cứu nạn Thăng Long đình chỉ hoạt động. Nhằm che mắt các lực lượng chức năng, tiếp tục thực hiện hành vi thu tiền mãi lộ trên sông, năm 2007, Nguyễn Văn Thụ xin đổi tên thành Công ty TNHH cứu nạn cứu hộ Thành Đạt.

Trong quá trình làm ăn, Thọ có va chạm với một nhóm đối tượng khác ở Phú Thọ cũng hoạt động với hình thức trên nên tìm đến nhờ Đỗ Mạnh Báu, một lưu manh anh chị có tiếng ở địa phương đứng ra dàn xếp. Sau vụ đó, thấy tiếng nói của Báu được đám lưu manh chuyên nghiệp nể và giữ được địa bàn làm ăn nên Thụ rủ thêm Báu và Lê Văn Thảo ( cũng là một lưu manh khét tiếng, từng có tiền án do vi phạm pháp luật) cùng tham gia hoạt động của Công ty Thành Đạt.

Được biết, ổ nhóm tội phạm này có khoảng 20 đối tượng tham gia, bình quân mỗi tháng chúng thu được khoảng 240 triệu đồng tiền mãi lộ của các chủ tàu thuyền chở hàng qua lại trên sông Hồng.

Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Hà Nội tiếp tục điều tra mở rộng vụ án, truy bắt các đối tượng liên quan.

MỚI - NÓNG