'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Gắn trách nhiệm người đứng đầu

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Hữu Khanh, Trưởng phòng Hướng dẫn điều tra tội phạm (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm Bộ đội Biên phòng) cho rằng, cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị nếu để xảy ra điểm nóng trên địa bàn được giao quản lý, để cán bộ thuộc quyền tiếp tay, làm ngơ hoặc bảo kê, tham gia buôn lậu”.
'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Gắn trách nhiệm người đứng đầu ảnh 1

Đại tá Nguyễn Hữu Khanh

Xin Đại tá cho biết nhận định về tình hình tội phạm buôn lậu trên các tuyến biên giới và các địa bàn do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) quản lý trong dịp cuối năm 2021?

Buôn lậu là một trong những vấn nạn của nền kinh tế thị trường sản xuất hàng hóa, ngày càng gia tăng và tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến nền sản xuất, kinh doanh trong nước. Vấn đề này cũng gây khó khăn cho quản lý, điều tiết của Nhà nước, gây thất thu thuế và làm nản chí những người làm ăn chân chính. Người tiêu dùng cũng chịu thiệt thòi khi mua phải hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, trong đó, có những mặt hàng nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là nguy hiểm tính mạng.

'Bắt mạch' buôn lậu ngày áp Tết: Gắn trách nhiệm người đứng đầu ảnh 2

BĐBP An Giang kiểm đếm tang vật thuốc lá vận chuyển trái phép qua biên giới do đơn vị thu giữ. ẢNH: KHÁNH AN

Thời gian qua, làn sóng dịch COVID-19 ở nước ta cơ bản được kiểm soát, tình hình dịch ở các nước tiếp giáp cũng diễn biến ít phức tạp hơn, kinh tế- xã hội đã có những khởi sắc. Tuy nhiên, cùng với đó, hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép, mua bán người, mua bán vũ khí, vật liệu nổ trên các tuyến biên giới cũng diễn biến phức tạp trở lại.

Các điểm nóng về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa được lực lượng Biên phòng xác định như thế nào?

Các điểm nóng được chúng tôi xác định có ở cả ba tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia, cùng với đó, loại tội phạm này cũng hoạt động trên nhiều vùng biển.

Trên tuyến biên giới bộ, những nơi được xác định là điểm nóng buôn lậu dịp cuối năm thuộc địa bàn các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai (tuyến Việt Nam - Trung Quốc); Hà Tĩnh, Quảng Trị, Kon Tum (tuyến Việt Nam - Lào); An Giang, Kiên Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước (tuyến Việt Nam - Campuchia).

Tại các địa bàn này, đối tượng buôn lậu thường tập kết hàng hóa ở khu vực giáp biên giới đối diện, sau đó chia nhỏ hàng hóa, thuê cư dân biên giới dùng thuyền, mảng, xe gắn máy… lợi dụng địa hình sông suối, các đường mòn qua lại biên giới, đêm tối, thời tiết diễn biến phức tạp và những sơ hở của các lực lượng chức năng để vận chuyển vào nội địa nước ta. Bên cạnh đó, các đối tượng còn móc nối chặt chẽ với nhau tìm mọi kẽ hở về thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu hàng hóa, chính sách thương mại biên giới, cửa khẩu và lợi dụng lĩnh vực tạm nhập, tái xuất để hoạt động buôn lậu và gian lận thương mại với thủ đoạn rất tinh vi.

Tình hình buôn lậu xăng, dầu trên biển cũng luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp với quy mô, số lượng lớn. Điển hình như việc tàu chở hàng lậu từ nước ngoài đến vùng biển Việt Nam, đối tượng thông báo cho chủ hàng Việt Nam ra vị trí quy ước (thường là khu vực biển thuộc ranh giới giữa 2 nước) cặp mạn, vừa chạy vừa sang chiết hàng. Khi bị phát hiện, truy đuổi thì dễ dàng tách nhau chạy sang vùng biển nước khác để tránh bị bắt giữ.

Vậy, để chống buôn lậu hiệu quả cũng như phòng ngừa các tiêu cực xảy ra, theo Đại tá, cần có giải pháp gì?

Để phát huy có hiệu quả vai trò của BĐBP trong phòng, chống tội phạm buôn lậu tại khu vực biên giới, cửa khẩu, chúng tôi xác định tiếp tục thực hiện tốt các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh BĐBP về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu.

Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, lành mạnh, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Quan tâm, chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần, chính sách hậu phương Quân đội cho các lực lượng phòng, chống buôn lậu, nhất là những cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia chống buôn lậu trên biên giới để họ yên tâm công tác, tâm huyết với nghề và giữ vững phẩm chất đạo đức, liêm chính trong thực thi công vụ.

Làm tốt công tác bảo vệ nội bộ, kiên quyết không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chiến sĩ; nâng cao hơn nữa ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ thực hiện nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị (Chỉ huy trưởng, Chính ủy, Đồn trưởng, Chính trị viên, Hải đoàn trưởng, Đoàn trưởng Đoàn đặc nhiệm...) nếu để xảy ra điểm nóng trên địa bàn được giao quản lý, để cán bộ thuộc quyền tiếp tay, làm ngơ hoặc bảo kê, tham gia buôn lậu; chịu trách nhiệm trước pháp luật, xử lý nghiêm khắc, kiên quyết; thực hiện luân chuyển cán bộ theo quy định, nhất là số cán bộ trực tiếp tham gia đấu tranh chống buôn lậu.

Cùng với đó, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, những gương người tốt, việc tốt, điển hình tiêu biểu trong đợt cao điểm..., theo đúng chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP tại Kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm; chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022.

Cảm ơn Đại tá Nguyễn Hữu Khanh.

Từ tháng 11/2021, Bộ Tư lệnh BĐBP đã triển khai kế hoạch cao điểm phòng chống tội phạm trên các tuyến biên giới dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2022. Trong đợt cao điểm, đến nay, các đơn vị BĐBP đã chủ trì, phối hợp bắt giữ 298 vụ/146 đối tượng, với tổng trị giá hàng hóa tạm giữ để điều tra xác minh là 84,5 tỷ đồng. Tang vật thu giữ gồm: 447.425 USD; 3.490.000 Riel; 13kg vàng; 208.380 lít dầu DO; 603.000 kg phân lân; 34.300 kg đường; 155.500 bao thuốc lá ngoại; 3.844 kg pháo nổ… Trong đó, BĐBP chủ trì bắt giữ, xử lý 238 vụ/102 đối tượng, tổng trị giá hàng hóa bị tịch thu khoảng 25 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG