Bất lực nhìn 'cát tặc' lộng hành

Bất lực nhìn 'cát tặc' lộng hành
TPO -  “Cát tặc” trong lòng hồ Dầu Tiếng, nằm giáp ba tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước, vẫn ngày đêm lộng hành nhưng cơ quan chức năng sở tại vẫn làm ngơ.

Ngày đêm vô tư hút cát

Hồ Dầu Tiếng nằm ở thượng nguồn sông Sài Gòn, với dung tích chứa 1,58 tỷ m3 nước. Hồ này cung cấp nước sinh hoạt và công nghiệp cho TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, Long An; cung cấp nước tưới trực tiếp cho 100.000 ha đất nông nghiệp 1 vụ cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TPHCM; hồ Dầu Tiếng cũng được xếp vào diện hồ an ninh quốc gia.

Thế nhưng, nhiều năm nay lòng hồ Dầu Tiếng đang trở thành nơi để các doanh nghiệp đua nhau vươn vòi hút cát ngày đêm. Bằng chứng là chỉ riêng địa bàn xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có đến đến hàng chục tàu thuyền hút cát với 26 bến bãi tập kết cát trái phép mọc lên tại đây. Ông Trần Thanh Liêm- Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định đến thời điểm này, tỉnh chỉ cấp phép cho một đơn vị khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng là Công ty khai thác khoáng sản Bình Dương. Đơn vị khai thác cũng chỉ có một bến bãi và tối đa chỉ có 6 tàu thuyền khai thác cát.

Bất lực nhìn 'cát tặc' lộng hành ảnh 1 Cát được hút lên từ lòng hồ Dầu Tiếng sau đó tập kết ở một bãi không phép tại xã Minh Hoà- huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương

Tuy nhiên, sau nhiều ngày thực tế của PV Tiền Phong cho thấy, riêng phía xã Minh Hoà, huyện Dầu Tiếng có đến 25 bãi tập kết cát trái phép. Hoạt động rầm rộ nhất trong số đó là doanh nghiệp Lan Phong dù đơn vị này không có giâý phép khai thác. Theo tìm hiểu của Tiền Phong, theo quy định, việc nhiều doanh nghiệp vào lập bến bãi tại hồ Dầu Tiếng là không được phép, ngoại trừ một bến bãi của Công ty khai thác khoáng sản Bình Dương. Do đó, nếu trong số 25 doanh nghiệp còn lại được cấp phép lập bến bãi là trái quy định. Theo ghi nhận, các bến bãi này đều có tàu để hoạt động khai thác cát trái phép trong lòng hồ. Khoác lên mình vỏ bộc là bãi tập kết cát đơn thuần nhưng sự thật là các bến bãi này đều dùng để chứa cát được hút trái phép từ lòng hồ lên, sau đó các doanh nghiệp cho xe tải vào chở đi tiêu thụ.

Trước thực trạng “cát tặc” lộng hành ở hồ Dầu Tiếng mà Tiền Phong từng phản ánh, mới đây Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và Bình Dương chỉ đạo kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh việc cấp phép khai thác cát tại hồ Dầu Tiếng. Phó Thủ tướng cũng giao chủ tịch UBND 3 tỉnh này phải chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm trong việc khai thác cát tại lòng hồ Dầu Tiếng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8.

Mặc dù chỉ đạo là vậy, nhưng thực tế của phóng viên trong các đêm từ 26-30/6 cho thấy “cát tặc” vẫn lộng hành khai thác. Hàng chục tàu thuyền nổ máy tiến ra giữa sông, thả “vòi rồng” xuống lòng hồ vô tư hút cát xả vào các bến bãi trái phép. Sau đó các đoàn xe ben rầm rộ vào chở đi. 

Tây Ninh quyết liệt, Bình Dương làm ngơ!

Ngay khi Tiền Phong có bài “Vào lãnh địa cát tặc”, phản ánh tình trạng "cát tặc" lộng hành ngày đêm vươn lấy đi hàng nghìn m3 cát trong lòng hồ Dầu Tiếng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình đã chỉ đạo các tỉnh vào cuộc xử lý nghiêm minh.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, sau khi báo đăng và có công văn chỉ đạo của Phó Thủ tướng, chủ tịch tỉnh đã đích thân đi cùng các lực lượng xuống hồ tuần tra, kiểm soát. Theo đó, đã bắt được gần 20 chiếc tàu khai thác cát trên hồ trái quy định. Trong số tàu bị bắt giữ, chủ yếu của doanh nghiệp đóng ở địa bàn Bình Dương.

Bất lực nhìn 'cát tặc' lộng hành ảnh 2 Có đến 25 bãi cát trái phép như thế này mọc lên ở cạnh lòng hồ Dầu Tiếng nhưng tỉnh Bình Dương cho rằng không phát hiện bãi cát lậu

Theo ông Ngọc, hiện tại, trong lòng hồ Dầu Tiếng thuộc ranh giới của tỉnh Tây Ninh có 15 giấy phép khai thác khoáng sản, Bình Dương có 1 giấy phép và Bình Phước có 1 đơn vị cấp phép. Tại Tây Ninh hiện cũng chỉ có 15 bến bãi tương ứng với số lượng doanh nghiệp được cấp phép. “Mỗi giấy phép chỉ được cho hoạt động 6 tàu. Để đảm bảo an ninh trật tự, tránh khai thác trái phép gây thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng môi trường, phía Tây Ninh đã thành lập Đoàn Kiểm tra đặc biết. Đoàn này có nhiệm vụ thường xuyên tuần tra, kiểm tra trên hồ và kịp thời xử lý khi phát hiện hành vi hoạt động sai trái của cá nhân, doanh nghiệp”- ông Ngọc cho hay.

Trong khi Tây Ninh quyết liệt với nạn “cát tặc”, trao đổi với Tiền Phong ông Phạm Danh- Giám đốc Sở TM-MT tỉnh Bình Dương cho rằng “phần hồ Dầu Tiếng thuộc địa bàn Bình Dương không có việc khai thác cát bừa bãi như phản ánh”. Chúng tôi nói cung cấp các bằng chứng về "cát tặc" lộng hành phía Bình Dương thì người này né tránh.

Theo tìm hiểu của phóng viên, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh Bình Dương thu hồi giấy phép đối với hàng chục bến thủy nội địa thuộc địa phận tỉnh Bình Dương do các bến bãi này được cấp phép để chuyên chở hàng hóa, không có giấy phép khai thác khoáng sản nhưng thực chất là để tập kết cát của nhiều tổ chức, cá nhân và lợi dụng để hoạt động khai thác cát lậu trong lòng hồ ở vùng giáp ranh. 

Văn bản này vừa được gửi tỉnh Bình Dương sau khi tỉnh Tây Ninh kiểm tra 82 tàu, thuyền có trang bị dụng cụ bơm, hút cát trong hồ Dầu Tiếng và phát hiện số tàu này không nằm trong kế hoạch khai thác của 17 giấy phép khai thác khoáng sản thuộc 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Cơ quan chức năng đang tìm biện pháp để trục xuất hàng chục tàu, thuyền trên ra khỏi lòng hồ để ngăn chặn hoạt động lén lút khai thác cát lậu.

Bất lực nhìn 'cát tặc' lộng hành ảnh 3 Bình Dương chỉ cấp phép 1 đơn vị khai thác cát  với 6 tàu hút nhưng cơ quan chức năng phát hiện trên lòng hồ có đến 270 tàu khai thác lậu của Bình Dương

Theo thống kê từ cơ quan quản lý hồ Dầu Tiếng chỉ riêng khu vực Bình Dương có khoảng 270 chiếc tàu đang hoạt động khai thác cáttrong lồng hồ Dầu Tiếng, trong khi đó địa phương này mới chỉ cấp phép cho 1 đơn vị. Theo quy định, đối với 1 giấy phép hoạt động khai thác cát chỉ được 6 chiếc tàu. Thế nhưng, đến thời điểm này hàng chục bến bãi trái phép ở phía địa phận tỉnh Bình Dương, trong đó chủ yếu của doanh nghiệp Lan Phong, Nguyễn Thắng, Trường Phát…vẫn ngày đêm rầm rộ hoạt động bất chấp pháp luật.

“Chúng tôi đã lập đoàn thanh tra đặc biệt với nhiệm vụ thường xuyên tuần tra để kịp thời xử lý nếu có sai phạm. Vừa qua, trong quá trình tuần tra đã bắt được 82 tàu không có giấy phép hoạt động trên hồ Dầu Tiếng, trong đó hơn một nữa số tàu trên thuộc phía Bình Dương”- ông Nguyễn Thanh Ngọc- Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định.

Ai bảo kê “cát tặc” sẽ xử lý nghiêm 
Ông Nguyễn Thanh Ngọc – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, tỉnh này đã có công văn đề nghị Bộ NN-PTNT chủ trì để xây dựng quy chế, xử lý những hoạt động có liên quan đến việc khai thác cát. Tỉnh Tây Ninh cũng đã làm việc với tỉnh Bình Dương. “Tôi khẳng định, tỉnh Tây Ninh quyết liệt xử lý và không để có nạn “cát tặc” trên hồ Dầu Tiếng. Những đơn vị được cấp phép đều trong tầm kiểm soát và hoạt động đúng quy định. Chúng tôi đã đề nghị Công an tỉnh vào cuộc vì hồ Dầu Tiếng liên quan đến an ninh quốc gia. Nếu có lợi ích nhóm hoặc bảo kê cho “cát tặc” sẽ bị xử lý nghiêm”, ông Ngọc nói.
MỚI - NÓNG