Tiếp tay rút ruột công trình
“Với người dân bình thường, 100% đều dính bẫy trước các chiêu bán hàng của cửa hàng bán tôn giả. Thậm chí, với người trong nghề, cũng bị lừa. Mặt hàng tôn có hai loại, tôn lạnh màu và tôn kẽm màu. Mua tôn lạnh màu bao giờ cũng đắt hơn hàng kẽm do công nghệ cao hơn từ 8.000 đồng - 15.000 đồng/m”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tôn nói.
Theo vị này, những đối tượng kinh doanh tôn giả đang hoạt động rất tinh vi. Họ đặt ra những ám hiệu khác nhau để phân biệt khách lẻ và dân trong nghề. Vào cửa hàng hỏi tôn âm (tôn giả nhái nhãn mác của các thương hiệu được bảo hộ), nói dân xây dựng, thầu công trình và phát đúng tín hiệu mới mua được hàng. Với những hàng loại này, thầu công trình (cả của người dân và các trụ sở doanh nghiệp, cơ quan quản lý) mua về vẫn đầy đủ chứng từ, đúng nhãn hiệu yêu cầu.
“Khi lợp lên, chỉ có người đi mua mới biết ăn chênh bao nhiêu từ việc rút ruột công trình thông qua mua tôn giả thay tôn xịn”, đại diện một thương hiệu tôn lớn trên thị trường kể.
Với một mét tôn độ dày 0,4 mm nếu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, giá bán phổ biến của các doanh nghiệp trong nước từ 80.000 đồng đến 83.000 đồng/m. Tuy nhiên, cơ sở kinh doanh sử dụng tôn độ dày 0,32 mm (với giá thị trường khoảng 76.000 đồng/m) “đôn” độ dày lên thành 0,4 mm để bán cho khách với giá khoảng 80.000 đồng/m. Điều này đồng nghĩa người tiêu dùng bị móc túi công khai 4.000 đồng mà không biết.
Theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, chỉ cần khoảng 10% thị phần tôn trên thị trường là hàng giả, hàng nhái (tương đương khoảng 173.000 tấn); số tiền người tiêu dùng bị thiệt hại khi mua phải tôn giả bị đôn dem lên tới 197 tỷ đồng. Còn với toàn ngành thép, với sản lượng toàn ngành tôn, thép trong năm 2014 là 1,8 triệu tấn; việc tồn tại từ 10%-20% tôn giả trên thị trường khiến các doanh nghiệp thiệt hại từ 468 tỷ đồng đến 907 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ trong bối cảnh doanh nghiệp hoạt động khó khăn như hiện nay. Ước tính, số tiền thiệt hại cho ngân sách do tôn giả hoành hành cũng xấp xỉ cả nghìn tỷ đồng.
Quản lý thị trường bất lực?
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Văn Thanh - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen (chiếm khoảng 40% thị phần) cho rằng: Đã phải gánh chịu những tác động tiêu cực từ việc hàng giả, hàng nhái công khai tồn tại trên thị trường. Các loại tôn nhái, giả kém chất lượng làm giảm uy tín các thương hiệu chính hãng, gây tâm lý hoang mang, và nghiêm trọng hơn làm mất lòng tin của người tiêu dùng cho các sản phẩm hàng tôn chính hiệu.
“Không chỉ kiếm tiền chênh bằng bán tôn đôn dem, những cửa hàng bán tôn giả có thể móc túi khách hàng lần hai với chiêu tính giá bán tôn bao gồm cả VAT (thực tế không xuất hóa đơn) cho khách mua lẻ”.
Đại diện một doanh nghiệp tiết lộ
“Cũng vì tình trạng tôn giả, ước tính trong 10 tháng đầu năm 2014, chúng tôi giảm 2,6% thị phần so với năm 2013. Việc giảm này tương đương với việc doanh nghiệp bị mất sản lượng gần 45.000 tấn trong năm 2014, dẫn đến lãi gộp giảm 118 tỷ đồng. Nhưng điều quan trọng hơn cả chính là môi trường kinh doanh bị cạnh tranh không lành mạnh bằng các chiêu thức gian dối; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng; triệt tiêu động lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp chân chính trong nước, kéo theo việc suy giảm cả ngành công nghiệp tôn thép và dẫn đến thiệt hại cho nền kinh tế”, ông Thanh nhấn mạnh.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh L. (giấu tên) chủ một cửa hàng tôn tại Bắc Ninh khẳng định: Thị trường tôn rất sôi động và mang lại lợi nhuận tương đối. Tính riêng hàng bán buôn, mỗi tháng cửa hàng bán trên 100 tấn tôn cuộn. Hàng tôn cán bán tới trên 70 tấn/tháng. “Mặt hàng tôn liên doanh Kaiching bán ở Bắc Ninh cực tốt. Cách đơn giản nhất để biết tôn có bị đôn dem hay không là phải cân lên. Còn nhái nhãn hiệu chỉ người trong nghề mới phân biệt được. Một mét tôn ăn gian 2 lạng kiếm được 6.000 đồng rồi”, anh này nói.
Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp cũng khẳng định, các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng quản lý thị trường cần nhanh chóng vào cuộc để chấm dứt tình trạng hàng nhái, kém chất lượng hoành hành ở các địa phương.
“Đối với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng như: Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý cạnh tranh, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan… vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này. Cùng đó, cần có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm gian lận”, lãnh đạo một doanh nghiệp sản xuất tôn đề xuất.
Phóng viên Tiền Phong nhiều lần đặt vấn đề phỏng vấn (thậm chí sẵn sàng cung cấp bằng chứng) liên quan đến quản lý thị trường cũng như trách nhiệm của cơ quan chức năng đối với hàng tôn giả, tôn nhái hoành hành ở các địa phương; đại diện Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đều khất lần và hứa “sẽ trả lời sớm”.