Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong:

Bắt hoành tráng nhưng xin lỗi người bị oan chưa đầy hai phút

Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong
Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong
TPO - “Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi thì chưa đầy hai phút. Ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong nhấn mạnh.

Chiều 4/4, tại hội nghị chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Thị Thủy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp đề nghị, ngay khi có văn bản xác định bị oan thì nhà nước phải xin lỗi, phục hồi nhân phẩm cho người bị oan. Bởi thực tế người thực thi công vụ làm oan cho dân, như vụ Hàn Đức Long ở Bắc Giang bị kết tội giết người và hiếp dâm thì cần phải xin lỗi.

“Bây giờ đã xác định ông Long bị oan, ông Long chưa yêu cầu mà giờ xin lỗi thì ảnh hưởng gì đến danh dự cá nhân? Nếu dân làm sai thì nhà nước bắt dân phải xin lỗi nhau. Còn nhà nước làm oan mà phải có yêu cầu mới xin lỗi thì cần cân nhắc.

Trong mọi trường hợp khi xác định người dân bị oan thì trong vòng 10 ngày, cơ quan làm oan phải có trách nhiệm xin lỗi công khai”, bà Thủy nói.

Theo Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong, không luật nào mong làm oan cho dân, tuy nhiên, vẫn khó tránh khỏi oan sai. Ví dụ vụ oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) thì tòa tuyên sai do VKS, kiểm sát viên điều tra sai.

“Tôi đồng tình với việc cấp nào đưa ra bản án sai thì cấp đó phải bồi thường” ông Phong nói.

Về vấn đề cải chính, xin lỗi người bị oan, ông Phong cho rằng, cơ quan làm sai không dũng cảm nhận, nên luật phải cụ thể, bắt phải công khai xin lỗi. “Bắt thì hoành tráng nhưng xin lỗi công khai người bị oan thì chưa đầy hai phút. Ngay cả lời văn xin lỗi cũng không có văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế về lời xin lỗi”, ông Phong cho hay.

ĐBQH Tống Thanh Bình (Lai Châu) phân tích, trong chứng minh thiệt hại, không ai dám chắc người phạm tội biết mình bị oan sai để thu thập chứng cứ cho mình và người thân để chứng minh sau này. Do vậy cần quy định theo hướng, việc chứng minh bồi thường không cần bắt buộc.

“Thực tế những vụ oan sai vừa qua cho thấy việc chứng minh rất khó khăn. Thời gian thi hành án nhiều năm mới kết luận bị oan sai, cho nên hồ sơ chứng minh bồi thường không cần bắt buộc”, ông Bình cho hay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, trường hợp áp dụng biện pháp ngăn chặn giữ người trong trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, sau này kết luận người đó bị oan sai thì phải được bồi thường. Thậm chí, ông Tùng còn đề nghị phải bồi thường cho cả người thân của người bị oan. Nếu quy định chỉ khi người bị oan chết, người thân mới được bồi thường thì không thỏa đáng.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, phạm vi bồi thường phải phù hợp, căn cứ vào nguồn lực và điều kiện kinh tế xã hội. Nếu quy định quá mức, không thực hiện được thì phản tác dụng, gián tiếp tăng chi phí cho hoạt động của hệ thống nhà nước và xã hội. 

MỚI - NÓNG