Đây là lộ trình được nêu rõ trong dự thảo mới nhất của Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015. Bản dự thảo vừa được công bố tại Hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức sáng nay, ngày 8/3/2014, tại Hà Nội.
Cũng theo dự thảo này, việc áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới chỉ được thực hiện ở những trường đã có đủ điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý, cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục. Những trường chưa đủ điều kiện phải nhanh chóng bổ sung để có đủ điều kiện áp dụng chương trình mới.
Việc tổ chức thực hiện đề án chia làm hai giai đoạn: Từ 2014 đến tháng 6/2016 và từ tháng 7/2016 đến 2022.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2014 đến 2016 sẽ hoàn thành nghiên cứu cơ sở khoa học về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, hoàn thành việc xây dựng chương trình tổng thể và chương trình môn học thử nghiệm.
Cũng trong giai đoạn này, việc biên soạn, thẩm định, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn giáo viên, cán bộ quản lý về thử nghiệm chương trình sách giáo khoa lớp 1, 6 và lớp 10 sẽ được thực hiện.
Sang giai đoạn hai, từ tháng 7/2016 sẽ hoàn thành việc biên soạn sách giáo khoa thử nghiệm các môn của các lớp học còn lại, gồm lớp 2, 3, 4, 5 8, 9, 11 và 12.
Việc thử nghiệm sẽ theo hình thức cuốn chiếu theo cấp học, bắt đầu thử nghiệm đồng thời từ các lớp đầu cấp (lớp 1, 6, 10) của cả ba cấp học.
Mẫu thử nghiệm được thực hiện bằng cách chọn mỗi vùng kinh tế, xã hội chọn một số tỉnh thành đại diện, ở mỗi tỉnh chọn một số trường đủ điều kiện đại diện cho các vùng thành thị, nông thôn, đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tham gia. Dự kiến việc thử nghiệm sẽ diễn ra ở khoảng 2% số trường trên cả nước.
Đến năm 2022 sẽ hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện, ban hành chương trình, sách giáo khoa mới.
Như vậy, so với bản dự thảo lần trước, lần này Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra được mốc thời gian cụ thể cho việc bắt đầu triển khai thực nghiệm là năm 2016 và thời gian kết thúc thử nghiệm là năm 2022.
Định hướng chung của đề án vẫn là phát triển năng lực học sinh, vừa đảm bảo tính thống nhất trong toàn quốc, vừa phù hợp đặc thù của mỗi địa phương, phát triển phẩm chất và năng lực người học, đảm bảo hài hoà giữa dạy chữ, dạy người và tiếp cận nghề nghiệp.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến dư luận để hoàn thiện trước khi trình Quốc hội.
Theo Phạm Mai