Bắt đầu chế tác xác cụ rùa Hồ Gươm

TPO - Sáng nay (21/4), Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội cùng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam và hai chuyên gia chế tác của Đức và một số đơn vị liên quan bắt đầu phẫu thuật xác cụ rùa phục vụ cho công tác chế tác mẫu vật.
Sở KH&CN Hà Nội, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cùng các chuyên gia họp nhanh trước khi tiến hành mổ xác cụ rùa. Ảnh: Nguyễn Hoài

Mẫu vật không được tốt

Khoảng 9h30 hôm nay, nhóm các chuyên gia thực hiện công tác bảo quản mẫu vật bắt đầu mổ xác cụ rùa để thực hiện chế tác theo phương pháp nhựa hóa đã được lựa chọn trước đó.

Tham gia chế tác mẫu vật, bên cạnh hai chuyên gia Đức còn có các nhân viên của Chương trình Bảo tồn rùa châu Á (ATP), Viện Khoa học Hình sự (Bộ Công an) và một số chuyên gia.

Theo chuyên gia người Đức, mẫu vật cụ rùa không ở trạng thái tốt nhất, có thể do không xác định được thời gian chết nên quá trình bảo quản sau đó không được hoàn hảo. Vì vậy, ngay sau khi sang Việt Nam, chiều qua, hai chuyên gia Đức đã tiến hành bảo quản một số vị trí mẫu vật bị phân hủy nghiêm trọng. Một chuyên gia người Đức khuyến cáo, công việc chế tác mẫu vật phải được tiến hành nhanh nhất có thể, càng sớm càng tốt.

Cũng theo chuyên gia này, ban đầu ông đề xuất đưa mẫu vật này sang Đức chế tác bởi ở đây có đầy đủ các thiết bị tốt nhất. Tuy nhiện việc đưa mẫu vật sẽ cần rất nhiều thời gian nên cuối cùng việc chế tác được quyết định thực hiện tại Việt Nam.

“Hiện nay, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã chuẩn bị một số thiết bị. Việc chế tác có thể cải tiến thêm. Đây là mẫu vật lớn, thời gian chế tác có thể sẽ kéo dài từ một đến một năm rưỡi", vị chuyên gia này cho biết.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, thành phố Hà Nội rất vui vì Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đã đề xuất phương án nhựa hóa. Phương án này không chỉ bảo quản nguyên vẹn mẫu vật mà giữ được xương.

Trước đó, trong cuộc họp trước Tết Nguyên đán, Hà Nội đã thống nhất phương án bảo quản cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa.  Đây phương pháp bảo quản mẫu vật tiên tiến nhất trên thế giới với khả năng bảo quản nguyên trạng mẫu vật từ hình thái, màu sắc của cụ rùa, kể cả những phần khó như mắt và diềm mai (cấu tạo bằng sụn). Tuy nhiên, phương án này tốn kém và Việt Nam không thể tự thực hiện mà phải mời các chuyên gia Đức thực hiện.

Không còn cơ hội nhân bản

Theo ông Lê Xuân Rao, bên cạnh việc chế tác cụ rùa theo phương pháp nhựa hóa, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội  hợp đồng với Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an lưu giữ mẫu vật phục vụ công tác nghiên cứu cũng như tìm nguyên nhân cụ rùa chết. “Việc lấy mẫu phục vụ cho nghiên cứu phải không ảnh hưởng đến quá trình chế tác. Lấy càng ít mẫu càng tốt”, ông Rao nói.

Ngoài ra, Chương trình Bảo tồn rùa Châu Á ATP cũng tham gia vào việc lưu giữ một số mẫu AND của cụ rùa phục vụ nghiên cứu. Theo tổ chức này, hiện nay cơ hội  nhân bản loài cụ rùa đã không còn.

Trước đó, tổ chức này từng đề xuất lưu giữ mẫu mô để tiến hành nhân bản rùa Hoàn Kiếm, đưa loài rùa này trở lại Hồ Gươm trong tương lai. Tuy nhiên, các mẫu mô lấy được của cụ rùa đã không đáp ứng được nhu cầu nhân bản.

Cụ rùa Hồ Gươm được phát triển chết vào ngày 19/1 gần khu vực đường Lê Thái Tổ. Ngay sau đó xác cụ rùa được đưa vào Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam bảo quản trong phòng lạnh ở nhiệt độ -20 độ C. Cụ rùa được ước tính sống khoảng 200 năm, thuộc nhóm thọ nhất thế giới với chiều dài 2,08m, rộng 1,08m, nặng 169 kg. Đây được coi là cá thể rùa Hoàn Kiếm cuối cùng Hồ Gươm. Thế giới chỉ còn ba cá thể cùng loài với cụ rùa.