Bất cập trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp: Cán bộ thuế trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sau hai ngày xét xử sơ thẩm vụ mua bán hóa đơn, gây thất thu ngân sách hơn 11,5 tỷ đồng liên quan đến cán bộ thuế ở An Giang, ngày 10/11, HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh An Giang quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Các bị cáo bị xét xử về tội “Mua bán trái phép hóa đơn” gồm: Phạm Thế Hải (cựu nhân viên thuế của Chi cục Thuế huyện Tân Châu, nay là thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang); Nguyễn Hoàng Sơn, Nguyễn Văn Hiệp, Phạm Văn Định và Trần Cao Sang (đều là nhân viên Đội kiểm tra thuế thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang). Bị cáo Trần Thanh Việt (cựu Đội trưởng Đội kiểm tra thuế 2 - Chi cục Thuế khu vực Tân Châu - An Phú) và Dương Hoàng Chiến (cựu Đội trưởng Đội kiểm tra thuế - Chi cục Thuế khu vực huyện Tịnh Biên - Tri Tôn) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Riêng nhóm bị cáo là chủ doanh nghiệp bị truy tố về tội “Trốn thuế” gồm: Chu Quốc Vui, Nguyễn Thanh Sang, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Văn Lan, Phạm Ngọc Châu, Nguyễn Hoàng Vũ.

Bất cập trong tính thuế thu nhập doanh nghiệp: Cán bộ thuế trục lợi ảnh 1

Các bị cáo tại phiên toà Ảnh: Kim Hà

Bị cáo buộc có vai trò cầm đầu, bị cáo Phạm Thế Hải thừa nhận trước tòa về hành vi phạm tội. Bị cáo Hải khai, các hoá đơn bị cáo mua chủ yếu từ Chi cục Thuế Tân Châu và Tri Tôn. Đồng thời, Phạm Thế Hải tiết lộ, hoá đơn được xuất theo “đơn đặt hàng” của người mua chứ không có hàng hoá thực tế. Ông Hải đã yêu cầu bị cáo Dương Hoàng Chiến và Trần Thanh Việt làm ngơ để mình thực hiện hành vi và sẽ chi phần trăm cho bị cáo Chiến và Việt.

Bị cáo Chiến với trách nhiệm là Đội trưởng Đội kiểm tra thuế - Chi cục Thuế khu vực huyện Tịnh Biên - Tri Tôn nhưng lại tạo điều kiện cho Phạm Thế Hải và các doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn. Tại tòa, bị cáo này khai rằng “Hải là người chủ động đề nghị chi phần trăm”.

Được gọi lên đã trả lời HĐXX, bị cáo Trần Thanh Việt - cựu Đội trưởng Đội kiểm tra thuế 2 - Chi cục Thuế khu vực Tân Châu - An Phú nói: “Bị cáo rất hối hận khi quen biết Hải. Trong thời gian bị cáo đi học thì Hải mua bán hoá đơn. Việc này diễn ra khoảng 3 - 4 tháng và Hải đã chuyển cho bị cáo 51,5 triệu đồng, rồi nói đây là số tiền chi 2%. Sau đó, bị cáo trả lại thì Hải nói để đó làm chi phí đi học”.

Riêng nhóm bị cáo là chủ doanh nghiệp thừa nhận có thực hiện việc hợp thức hóa đơn đầu vào nhưng nói rằng “không biết các hóa đơn mua từ Hải và hóa đơn do Hải mua là giả”. Theo cơ quan truy tố, nhóm bị cáo này còn bị cáo buộc chịu trách nhiệm với việc ngân sách nhà nước bị thất thu hơn 7,6 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên tại tòa các bị cáo khẳng định cáo buộc này là “không phù hợp”, vì họ thuộc trường hợp miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về nội dung này, đại diện cơ quan giám định thuế cho rằng, theo quy định các doanh nghiệp nằm trên địa bàn khó khăn thì được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN); đồng thời, phải thoả mãn các điều kiện về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. “Nhưng trong trường hợp này, các doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nên không được loại trừ phần thuế TNDN”, đại diện cơ quan giám định thuế nói.

Trước tình huống này, chủ tọa phiên tòa nêu ra vấn đề bất cập, áp dụng không đồng nhất giữa các địa phương về miễn thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cụ thể, chủ tọa đưa ra dẫn chứng văn bản của Chi cục Thuế TP Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) gửi Công an tỉnh An Giang để xác định thuế thu nhập doanh nghiệp đối với Công ty TNHH MTV Dương Đức Nhân - một trong những doanh nghiệp mua hóa đơn của bị cáo Phạm Thế Hải.

“Kết luận giám định ở An Giang cho rằng hàng hóa bất hợp pháp thì không được miễn thuế nhưng tại sao cùng một điều kiện nhưng cách tính thuế ở mỗi địa phương lại khác nhau. Tại văn bản của TP Hà Tiên ( Kiên Giang) thể hiện thuế TNDN là 10% áp dụng cho địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn. Có nghĩa là họ chấp nhận miễn 10% cho công ty mặc dù sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Trong khi đó, An Giang lại căn cứ nội dung này để ra kết luận giám định như vậy. Vậy có phải, cơ quan chức năng mặc nhiên chấp nhận ở địa bàn này (Kiên Giang) họ được miễn thuế TNDN còn ở An Giang thì không được? Như thế có phù hợp, công bằng không?”, chủ tọa chất vấn lại đại diện giám định về thuế.

Trước sự bất cập trong cách tính thuế của đơn vị giám định thuế tỉnh An Giang, HĐXX quyết định trả hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung xác định lại mức tính thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% hay 20%; việc miễn thuế TNDN như thế nào và xem xét trường hợp các doanh nghiệp có dấu hiệu của tội “Trốn thuế” nhưng hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo cáo trạng, năm 2015, Hải cùng Định, Sơn thỏa thuận với Chiến, Cao Sang và Việt thành lập 6 doanh nghiệp do Hải trực tiếp quản lý, điều hành nhằm mục đích thực hiện việc mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) cho các công ty của Vui, Bình, Lan, Vũ, Châu, Thanh Sang và nhiều công ty, doanh nghiệp khác.

Từ tháng 3/2015 - 8/2016, Hải đã bán 391 hóa đơn GTGT, Định bán 268 hóa đơn GTGT với giá tương đương từ 4 - 10% giá trị hàng hóa chưa thuế ghi trên hóa đơn.

Sau khi trừ tiền mua hóa đơn đầu vào và chi phần trăm cho Chiến, Việt, Cao Sang; Hải thu lợi gần 700 triệu đồng, Định thu lợi hơn 83 triệu đồng. Riêng bị cáo Vui, Bình, Thanh Sang, Châu, Lan, Vũ đã sử dụng các hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa đầu vào làm giảm tiền thuế phải nộp gần 8 tỷ đồng.

Là cán bộ thuế nhưng Hải, Việt, Chiến đã lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ. Các bị cáo đã thành lập nhiều công ty để bán hóa đơn và không kiểm tra, giám sát thuế, để thu lợi bất chính, gây thiệt hại ngân sách…

MỚI - NÓNG