Bắt buộc cơ quan Nhà nước cung cấp thông tin mình tạo ra

Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin
Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin
TPO -  Sáng 6/4 Quốc hội thông qua Luật Tiếp cận thông tin và chính thức có hiệu lực thi hành từ 1/7/2018.  

Tiếp tục hạn chế thông tin mật

Đại diện Ban thẩm tra dự thảo cho biết, có ý kiến đề nghị sửa tên điều thành “thông tin bị hạn chế tiếp cận" hoặc "thông tin được tiếp cận hạn chế", vì những thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác… vẫn có một số đối tượng được tiếp cận. Uỷ ban TVQH cho rằng, thông tin công dân không được tiếp cận là loại thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế…

Loại thông tin này được quy định là thông tin mật và chỉ một số ít đối tượng được tiếp cận với tư cách là người thi hành công vụ chứ không phải là tư cách công dân. Hơn nữa, việc tiếp cận, sử dụng và quản lý tin mật được quy định trong các văn bản pháp luật khác theo quy trình, thủ tục rất chặt chẽ. Do đó, Uỷ ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo luật.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định thông tin không được tiếp cận bao gồm cả thông tin thuộc bí mật công tác”, “thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan”, “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách”.

Về các ý kiến này, Uỷ ban TVQH cho rằng, quy định thông tin thuộc “bí mật công tác”, việc bảo vệ "bí mật công tác" đã được quy định trong Bộ luật hình sự và trên thực tế cũng đã xảy ra trường hợp làm lộ bí mật công tác và đã được xử lý. Do đó, để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tế, Uỷ ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định này trong dự thảo luật.

Về quy định “thông tin về các cuộc họp nội bộ của cơ quan”, Uỷ ban TVQH nhận thấy, mỗi cơ quan đều có đặc thù trong hoạt động của mình và việc xác định thông tin về cuộc họp nội bộ, tài liệu nội bộ thuộc về mỗi cơ quan. Nếu những thông tin này được tiếp cận có thể sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan đó. Hơn nữa, những thông tin này cũng không trực tiếp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, Uỷ ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định trong dự thảo luật.

Về quy định “ý kiến của các chuyên gia trong quá trình hoạch định chính sách” mà công dân không được tiếp cận, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban TVQH đã cho bỏ nội dung này sửa theo hướng được quyền tiếp cận ý kiến chuyên gia.

Không cung cấp thông tin qua điện thoại

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định đối với các cơ quan nhà nước ngoài việc cung cấp thông tin do mình tạo ra, thì còn phải cung cấp thông tin do mình nắm giữ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin. Uỷ ban TVQH cho biết, để bảo đảm tính khả thi của luật, tính chính xác của thông tin được cung cấp cũng như phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan Nhà nước và không tạo kẽ hở cho việc lạm dụng yêu cầu cung cấp thông tin, dự thảo luật quy định cơ quan nhà nước có trách nhiệm (bắt buộc) cung cấp thông tin do mình tạo ra.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho công dân, tiếp thu ý kiến đại biểu, Uỷ ban TVQH đã bổ sung quy định khuyến khích cơ quan nhà nước tùy theo điều kiện, khả năng thực tế của mình có thể cung cấp thông tin khác do cơ quan mình tạo ra và nắm giữ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.

Có ý kiến đề nghị bổ sung hình thức cung cấp thông tin qua điện thoại nhằm tạo thuận lợi cho người dân. Uỷ ban TVQH cho biết: tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật quy định“thông tin là tin, dữ liệu được chứa đựng trong văn bản, hồ sơ, tài liệu”, nên việc cung cấp qua hình thức điện thoại rất dễ bị sai lệch thông tin và không bảo đảm tính pháp lý, có thể dẫn đến phát sinh khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực này. Do đó, Uỷ ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo Luật.

Về từ chối yêu cầu cung cấp thông tin, có ý kiến cho rằng tại điểm đ khoản 1 Điều 28 của dự thảo Luật quy định việc từ chối cung cấp thông tin trong trường hợp “thông tin được yêu cầu vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan hoặc làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mình” là chưa cụ thể, dễ tạo lý do để từ chối cung cấp thông tin.

Theo Uỷ ban TVQH, các cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau hoặc trên các địa bàn khác nhau thì có bộ máy tổ chức với quy mô khác nhau. Bên cạnh đó, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương mà các cơ quan cũng được tổ chức cho phù hợp.

Vì vậy, Luật không thể quy định việc định lượng mức độ, trường hợp cụ thể nào có thể vượt quá khả năng đáp ứng của cơ quan. Do đó, Uỷ ban TVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự thảo luật.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.