Bất an và thảng thốt

TP - Tình trạng những “con voi” chui lọt “quy trình” chặt chẽ trong kiểm tra, thẩm định, hồ sơ, lý lịch cán bộ, đảng viên…, bị phát hiện trong thời gian gần đây, không chỉ gây bức xúc trong xã hội mà còn khiến nhiều người cảm thấy bất an, lo lắng. 

Bởi có giàu trí tưởng tượng thì cũng chẳng mấy ai nghĩ rằng, vào một ngày đẹp trời nào đó, thợ cắt tóc gội đầu Trần Thị Ngọc Thảo, chưa từng học phổ thông trung học lại “biến hình” thành Trần Thị Ngọc Ái Sa để rồi thăng tiến lên đến chức Trưởng phòng Hành chính - Quản trị (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk).

Hay một Thái Đình Hoài, quê ở Yên Thành, Nghệ An, sử dụng bằng cấp 3 giả nhưng lại “chui” được vào ngành công an, và thăng tiến đến chức thượng tá - Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế Công an tỉnh Lai Châu…

Và đặc biệt hơn là trường hợp của Nguyễn Quang Huy (46 tuổi) - người đã bị Công an tỉnh Hòa Bình truy nã từ 26 năm trước về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, vậy mà không hiểu sao vẫn “bình an vô sự” để học tập, xin việc, vào đảng và được bổ nhiệm giữ chức Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong, được cử đi học lớp nghiệp vụ thẩm phán.

Có thể nói, ba vụ việc trên đã bổ sung thêm vào bản danh sách dài những câu chuyện “lạ kỳ” về những cán bộ không có bằng tốt nghiệp cấp 3, trốn truy nã, khai man tuổi, khai man lý lịch nhưng bằng nhiều cách khác nhau vẫn chui được vào bộ máy và thăng quan, tiến chức. Nó cũng thêm một lần nữa làm bộc lộ rõ những hạn chế, yếu kém trong công tác liên thông, xác minh, thẩm định hồ sơ cán bộ, đảng viên.

Đơn cử như trường hợp của Nguyễn Quang Huy, để được kết nạp vào Đảng và bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng TAND huyện Cao Phong phải trải qua tầng tầng, lớp lớp các khâu thẩm định hồ sơ, lý lịch, không chỉ của cơ quan, mà còn cả chính quyền địa phương, chi bộ nơi Huy sinh hoạt. Vậy mà không hiểu sao, cái quy trình chặt chẽ nhường ấy tưởng chừng như con kiến cũng không thể chui lọt thì ở đây “con voi” lại dễ dàng lọt qua.

Theo phản ánh của báo chí, chỉ tới khi điều tra xác minh lý lịch em gái của Huy (đang công tác trong ngành công an ở Hà Nội) thì việc Huy là người bị truy nã 26 năm nay mới bị vỡ lở. Nếu không có việc đó, biết đâu chỉ thời gian nữa, người bị truy nã từ 26 năm trước lại có quyền khoác lên người chiếc áo quan tòa, nhân danh công lý tuyên án những người khác…

Cũng vì tình trạng bổ nhiệm cán bộ thiếu điều kiện, tiêu chuẩn vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ nên tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, khi thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2019, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo cụ thể cho Quốc hội kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức, nhất là bổ nhiệm lãnh đạo giữ chức vụ, quản lý trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa báo cáo về việc này.

Vì thế, để không còn xảy ra những trường hợp nêu trên, bên cạnh việc tổng rà soát công tác cán bộ trên cả nước thì cần phải thực hiện nghiêm Quy định 205 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”.

Theo đó, đối với những trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định hồ sơ cán bộ, đảng viên hoặc bao che, tiếp tay cho “chạy chức, chạy quyền” cần phải bị xử lý nghiêm khắc. Có thế mới hạn chế được những kẽ hở chết người trong công tác cán bộ.
MỚI - NÓNG