Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài 2: Tứ bề khốn khó

Trên dọc tuyến dân cư, cứ cách vài căn nhà có nhà bỏ trống. Tại xã Phú Lộc, một dọc 3 căn nhà liền kề người dân bỏ nhà đi làm ăn xa. Ảnh: Việt Văn.
Trên dọc tuyến dân cư, cứ cách vài căn nhà có nhà bỏ trống. Tại xã Phú Lộc, một dọc 3 căn nhà liền kề người dân bỏ nhà đi làm ăn xa. Ảnh: Việt Văn.
TP - Trong khi miền Bắc mưa bão, mấy lão nông tri điền miền Tây đúc kết: “lũ ở vùng ngoài là thiên tai, trong này không có lũ cũng là thiên tai”. Nói vậy là bởi mùa nước là mùa mưu sinh của nhiều người dân, thế nhưng năm nay, vùng đất cạn trơ. Dân sông nước “mắc cạn” nằm dài trên bờ kênh, than ngắn thở dài… không lối thoát.

Thất nghiệp

Theo dự báo của trung tâm khí tượng thủy văn, năm nay mực nước ở khu vực đầu nguồn như Tân Châu (An Giang), Hồng Ngự (Đồng Tháp) thấp hơn nhiều so với trung bình các năm. Năm 2015 vừa rồi, ĐBSCL không có mùa nước nổi do hiện tượng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế người dân trong vùng.

Buổi tối vùng biên buồn, yên tĩnh. Muỗi bay vo ve hòa với tiếng ếch nhái kêu hai bên bờ kênh xáng Bảy Xã (Tân Châu, An Giang). Ông Bảy Khui, 60 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, than, nằm trên nhà nóng quá, bí gió. Ông mang võng ra bờ kênh nằm hóng mát. Vừa đập muỗi, ông  vừa nhắc chuyện xứ này trong ánh đèn điện chập chờn.

Nằm suy tư nhớ lại, ông Bảy Khui kể, đất ở vùng này nhiều nhưng không phải ai cũng có. Cả xã số người có đất đếm trên đầu ngón tay. Hỏi ra, ông hay chỉ có dân gốc ở vùng này mới có. Mà dân gốc xứ này, đếm ra có mấy chục hộ đâu. Còn lại cả ngàn hộ là dân tứ xứ về đây sống ăn nhờ ở đậu dưới kênh. Họ dựa vào mùa nước nổi với những chiếc câu giăng, cái lưới, cái lờ… đắp đổi qua ngày. Nay nước lũ cạn kiệt theo từng năm, ông cũng như nhiều hộ dân ở đây bắt đầu lo lắng. Cứ nghĩ đến là lòng dạ buồn rầu không chỉ cho bản thân, mà cho đám con cháu sau này khi nơi đây thiên nhiên không còn ưu đãi nữa.

Lúc rảnh rỗi, ông Ba Quân xã Phú Lộc, lôi mấy cái lưới ra sửa lại cho đỡ nhớ nghề, đồng thời vừa ngồi trông mấy đứa cháu nội ngoại mà ba má nó gửi cho ông để đi tìm việc làm. Mấy thằng con trai đi qua vùng giáp đất bạn Campuchia tìm việc, đứa con gái với thằng rể đang tính gửi con cho ông để lên Bình Dương kiếm sống. Ông có 4 đứa con, ba trai một gái. Đứa nào cũng lập gia đình sớm, cháu nội cháu ngoại của ông giờ hơn 5 đứa. Có đứa sang năm vào lớp 1 nhưng chẳng biết có cho nó đến lớp đúng tuổi không. Nhà xa trường, ông bây giờ đi lại cũng khó khăn hơn trước nên không biết làm sao đưa đón cháu.

Anh thợ mộc Đặng Văn Mít 44 tuổi, ngụ xã Phú Lộc, Tân Châu, An Giang cũng đang thất nghiệp với cái nghề mà trước đây từng cho anh có đồng vào đồng ra. Ngày trước, mỗi mùa nước nổi anh nhận đóng mới cả trăm chiếc xuồng ghe cho dân, chưa tính sửa lại những chiếc đã cũ. Mỗi mùa như vậy, anh tích góp nuôi vợ con được cả năm. Trước còn mở cái xưởng đóng xuồng ghe, nay làm ăn thất bát anh đóng cửa. “Mà bây giờ, cả xứ này chẳng còn ai mở xưởng nữa. Thỉnh thoảng ai gọi đi làm thì mình mới nhận nhưng chủ yếu là sửa lại thôi”, anh Mít cho biết.

Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài 2: Tứ bề khốn khó ảnh 1

Anh Đặng Văn Mít làm nghề thợ mộc ở vùng này cũng lâm vào cảnh thất nghiệp khi chẳng ai đóng mới xuồng ghe.

Bỏ xứ

Người dân sống trong cảnh thiếu mùa lũ đâm ra buồn rầu, lo lắng…Người bỏ nhà, bỏ cửa đi làm ăn xứ khác. Nhiều nhất là rủ nhau lên Bình Dương, TPHCM làm công nhân, thợ phụ hồ,… để đắp đổi, cầm cự qua ngày.

Năm trước đã khô kiệt, dân xóm này bỏ xứ đi gần hết. Năm nay mà lại khô nữa, chắc xóm này chẳng còn ai. Người còn trụ lại cũng chết khô, chẳng có việc gì làm. Đến nỗi ông phó Chủ tịch xã UBND Phú Lộc Lê Văn Dũng phải kêu trời vì thanh niên trai tráng trong độ tuổi lao động của xã chẳng còn ai ở lại. Cả xã giờ chỉ còn người già với con nít. “Trách họ bỏ xứ đi sao được, khi mà năm nay nước nổi không còn, việc làm thuê ở quê cũng chẳng có. Nếu như trước kia, không đi giăng lưới giăng câu, thì vẫn còn đợi mùa lúa đi gặt thuê cũng sống được thì nay chủ ruộng dùng máy gặt đập liên hợp hết trơn rồi”- ông Dũng trầm ngâm.

“Giờ tao mà đau bệnh thì chỉ có chết, mượn tiền chắc cũng không ai cho mượn. Bởi tao đang nợ người này ít, người kia ít chưa trả”. 

Ông Hai Lợi

Anh Bình, cán bộ địa chính của xã Phú Lộc dẫn tôi đi dọc tuyến dân cư của xã. Cứ cách vài ba căn nhà là có một căn bỏ trống. Anh bảo những căn này là của người dân bỏ xứ đi làm ăn nơi xa, một năm chỉ về vào ngày Tết rồi lại đi. “Bỏ xứ đi mần ăn giờ nhiều lắm, không chỉ những người dân không có ruộng đất, mà ngay cả những người có ruộng cũng bỏ đi”- anh Bình kể. 

Theo anh thống kê, thì đến giờ đã có hơn 300 gia đình bỏ xứ đi làm ăn xa, nhà cửa khóa trái nhờ hàng xóm trông coi. Anh Bình thuộc tên từng chủ nhà bỏ đi. Này là nhà ông Năm, nhà bà Chín,…những nhà này có ruộng đất nhưng không ở lại làm được, đành cho thuê. Theo anh Bình tính ra, ở lại làm ruộng không lời bao nhiêu, cho những hộ không có đất thuê lại rồi lên thành phố tìm việc mới có dư chút đỉnh.

Mấy đứa con của ông Ba Quân thất nghiệp cũng tiến thoái lưỡng nan. Ở lại thì không có tiền thuê đất làm ruộng nên cuối cùng đành theo người ta ra tận Bình Dương với đồng lương ba cọc ba đồng, chắt chiu gửi về nuôi con nuôi cái. Theo ông Quân, trước còn cắt lúa thuê để kiếm sống thì giờ người ta cũng chẳng thuê mình cắt nữa, giờ toàn máy móc làm. 

Cạnh nhà ông Ba Quân là nhà sàn cũ kỹ của hai anh em ông Năm Tí, không có vợ con nên căn nhà của hai anh em ông trống từ đằng trước ra sau. Trên sàn nhà chỉ có vài cái lọp cá đã cũ. Ngồi thở dài, ông Năm Tí nói, hai anh em tôi giờ thất nghiệp. Ngoài 50 tuổi, còn đi đâu xa được nên bám ở đây, ngày ra đồng mò vét cá tươi để kiếm cái ăn qua ngày. Chiếc xuồng ông để nằm bờ lâu không xuống nước bị khô nứt, chưa có tiền mua dầu chai trét lại để sắp tới nếu có nước sẽ hạ xuống giăng lưới bủa câu.

Bấp bênh mùa lũ cạn - Bài 2: Tứ bề khốn khó ảnh 2

Ông Ba Quân vừa trông cháu nội vừa lấy mấy tay lưới ra ngồi đan cho đỡ nhớ nghề.

Nợ nần vây bám

Mấy mùa nước cạn kiệt đã qua khiến những người dân vạn chài ở vùng đất này chạy vạy từng bữa ăn, cái mặc. Không làm ra tiền, đi vay đi mượn để xoay xở, năm sau hi vọng có mùa nước nổi làm ăn trả nợ. Nhưng cứ hạn mặn hoài không có gì làm, nhiều người đâm ra đổ nợ. Thấy người lạ ghé vào, lão nông Chín Lùn 50 tuổi, nhà ở xã Vĩnh Xương, Tân Châu, An Giang dè chừng hỏi, mấy cậu xuống lấy tiền hả? Tôi thấy lạ, hỏi ông mới biết vùng đất này cách đây khoảng 10 năm có những trận lũ lớn quá, chính quyền xây dựng tuyến đê bao, làm tuyến dân cư sống chung với lũ. Những dân vạn chài như ông mới được miếng đất cất nhà coi như có nơi cư ngụ, thành dân xứ này nhưng đến giờ vẫn trả chưa xong tiền đất. Ông nói còn nợ đâu hai ba triệu đồng…

“Tiền đâu mà trả, làm chỉ đủ nuôi cái miệng hàng ngày khi nghề giăng câu, bắt cá giờ khó khăn quá. Mấy năm trước, nước còn xâm xấp năm nay không có nước luôn, chắc tao tính chuyện bỏ nghề, qua chăn nuôi mà giờ còn thiếu nợ tiền nhà, ngân hàng đâu cho vay nữa mà lấy vốn chăn nuôi”, ông Chín Lùn chia sẻ. Theo ông Chín Lùn, xứ này chục nhà thì có hết 7 - 8 nhà mắc nợ rồi, không nợ tiền ngân hàng thì cũng nợ tiền hàng xóm. Rồi ông kể, mấy năm trước, thằng Tư Đen ở dưới xóm này, vợ chồng nó vay mượn 500 nghìn đồng để mua sắm câu lưới đi làm. Làm chẳng đủ ăn lấy đâu trả nợ. Để lâu mấy trăm trời, đến khi người ta kêu lên đòi tiền thì lãi mẹ đẽ lãi con đã hơn 2 triệu bạc.

Thiếu tiền ăn, tiền mặc còn chịu đựng được, chứ lúc đau ốm không tiền thuốc thang, chữa bệnh thì chỉ có chết. Ông Hai Lợi hàng xóm ông Chín Lùn kể, tháng trước, vợ thằng Hai Quá đau ruột thừa, trong túi không tiền nhưng cũng may nhờ xe cấp cứu miễn phí của xã chở xuống bệnh viện tỉnh mổ. Nó phải chạy vay mượn tiền anh em, hàng xóm lo tiền thuốc men cho vợ. Giờ hai vợ chồng nó đóng cửa nhà đi lên Bình Dương làm công nhân luôn rồi. Chứ ở đây, làm cái nghề giăng câu, giăng lưới cả đời nó cũng không trả hết đống nợ này…

(còn nữa)

MỚI - NÓNG