Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã được chỉnh lý theo hướng bảo đảm tính khả thi, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, luật cũng được bổ sung các quy định mới, nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, như quy định rõ ràng hơn hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam; bổ sung làm rõ quy định về hành vi bị nghiêm cấm…
Luật Công đoàn (sửa đổi) được Quốc hội thông qua với số phiếu cao. |
Ngoài ra, luật cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức; tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đặc biệt, luật cũng đã sửa đổi, bổ sung về quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trao đổi với phóng viên Tiền Phong về vấn đề này.
Một trong những điểm mới trong Luật Công đoàn (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua là đã bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn. Ông thấy sao về việc này?
Theo phương án được Quốc hội biểu quyết thông qua, tổ chức công đoàn sẽ được tham gia, phối hợp với tổ chức mặt trận, tham gia giám sát, phản biện xã hội. Ví dụ, công đoàn sẽ được tham gia giám sát trong việc sử dụng công nhân, lao động của các tổ chức đơn vị.
Cùng với đó, công đoàn cũng có thể phối hợp với một số tổ chức khác, như Bộ Nội vụ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tham gia giám sát về quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến người lao động.
Việc bổ sung quy định mới này sẽ có ý nghĩa như thế nào trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thưa ông?
Tôi cho rằng, việc bổ sung quyền giám sát, phản biện xã hội của công đoàn là rất cần thiết, để công đoàn vừa tham gia, vừa nói lên tiếng nói của tổ chức công đoàn lớn hơn, mạnh hơn.
Quy định như vậy sẽ góp phần bênh vực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của công nhân, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi của người lao động khi đơn vị sử dụng lao động không giải quyết thỏa đáng nhu cầu chính đáng của họ.
Khi đó, mỗi công đoàn viên, người lao động bị oan ức, hay bức xúc gì, tổ chức công đoàn sẽ ghi nhận và cần thiết phải tham gia giám sát, phản biện kịp thời với tổ chức, doanh nghiệp, để họ thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền lợi chính đáng với người lao động.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa. Ảnh: Như Ý |
Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy, việc nâng cao kỹ năng, trình độ chuyên môn, cũng như việc giải quyết chế độ, chính sách cho đối tượng bị ảnh hưởng cần được quan tâm ra sao, thưa ông?
Sự gia tăng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước thời gian qua cũng tạo nhiều cơ hội hơn cho người lao động. Tuy nhiên, ngoài yếu tố tuổi tác và sức khỏe, việc đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động là yêu cầu rất quan trọng.
Đặc biệt, trong bối cảnh chúng ta đang thực hiện chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế, sẽ có một bộ phận cán bộ, công chức, người lao động rời khỏi bộ máy nhà nước và làm việc cho các tổ chức, doanh nghiệp tư nhân. Thực tế này sẽ càng đòi hỏi sự cạnh tranh quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Về các chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, được biết, Bộ Nội vụ là cơ quan được giao xây dựng dự thảo về nội dung này. Các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước là rất cần thiết, giúp họ đảm bảo cuộc sống trong một khoảng thời gian trước mắt, để tìm kiếm và thích nghi được với công việc mới.
Cùng với quá trình tinh giản bộ máy, tinh giản biên chế, chắc chắn các chính sách đi kèm sẽ sớm được ban hành để hỗ trợ kịp thời cho người lao động bị ảnh hưởng.
Cảm ơn ông!
Quyền giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn được bổ sung theo hướng: Giám sát của Công đoàn bao gồm hoạt động tham gia giám sát với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hoạt động chủ trì giám sát. Công đoàn có quyền và trách nhiệm tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án, đề án của cơ quan nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của đoàn viên công đoàn, người lao động.