Bão từ tăng tốc, ảnh hưởng sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm 2022 được coi là năm tăng tốc của một chu kỳ bão từ mới với số lượng và cường độ lớn dần. Bão từ không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống vệ tinh, điện thoại, đường truyền tải điện mà còn tác động đến sức khỏe con người, đặc biệt là người mắc bệnh tim mạch, xương khớp.

Ngày 13/3 Đài Địa từ Đà Lạt (Lâm Đồng) và Phú Thụy (Hà Nội) ghi nhận một trận bão từ với cường độ tại Đà Lạt là 155.21 nT, tại Hà Nội là 141,92 nT. Trận bão từ bắt đầu lúc 19h45 và kết thúc lúc 15h24 cùng ngày.

Bão từ là một hiện tượng toàn cầu, xảy ra khi một chùm plasma khổng lồ thoát ra khỏi bề mặt Mặt Trời bay vào vũ trụ, một phần chùm đó bay tới Trái Đất, bao trùm lấy Trái Đất, tác động vào từ trường Trái Đất gây ra những nhiễu loạn cực mạnh.

Bão từ tăng tốc, ảnh hưởng sức khỏe ảnh 1

Năm nay, bão từ bắt đầu tăng tốc, gia tăng cả về cường độ và số lượng. Ảnh: WPC

Theo PGS.TS Hà Duyên Châu, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, bão từ thường hoạt động theo chu kỳ trung bình 11 năm. Chu trình hoạt động thứ 24 của Mặt Trời kết thúc vào tháng 12/2019, khi hoạt động của Mặt Trời là yên tĩnh nhất trong chu trình. Sau đó, bắt đầu chu trình hoạt động thứ 25, nghĩa là Mặt Trời bắt đầu hoạt động mạnh lên trong một chu trình mới.

Năm 2022 là năm tăng tốc của chu trình bão từ lần thứ 25. So với năm 2021, số lượng và cường độ các cơn bão từ năm 2022 sẽ tăng lên với dự đoán khoảng 60 cơn bão từ xuất hiện. Dự báo cho thấy cực đại hoạt động bão từ chu trình 25 sẽ xảy ra vào năm 2025, nghĩa là 3 năm nữa, bão từ sẽ thực sự bùng nổ.

Đối với các năm bão từ hoạt động mạnh, thống kê cho thấy, số lượng và cường độ các cơn bão từ tăng lên rất mạnh, lên đến từ 100 - 200 trận, thậm chí 300 trận. Các cơn bão từ cực lớn, cường độ G5, G4 cũng thường xuất hiện thời gian này.

Tác động tiêu cực đến sức khỏe con người

Theo PGS.TS Hà Duyên Châu, bão từ hoạt động mạnh sẽ tác động đến sức khỏe con người, đặc biệt là những người bị bệnh về tim mạch, thần kinh, xương khớp, bởi tim, não, xương có các tế bào mang từ tính, do đó dễ mẫn cảm với bão từ.

Một nghiên cứu tại Mỹ năm 1966 cho thấy, khi xuất hiện bão từ mạnh, số lượng người chết vì tim mạch cao hơn 50% so với những ngày không có bão từ, số lượng người bị nhồi máu cơ tim tăng hơn 20%, nhiều người bình thường cũng cảm thấy mỏi mệt, đau đầu trong những ngày này.

Theo PGS Châu, những cơn bão từ nhẹ chỉ tác động nhỏ, thoáng qua tới sức khỏe con người, sau đó lại trở về bình thường. Tuy nhiên, khi xuất hiện những trận bão từ mạnh, người mắc bệnh tim mạch, não, xương khớp cần phải đề phòng. Những ngày bão từ hoạt động mạnh, người mắc bệnh tim mạch nên tránh hoạt động nhiều ngoài trời, uống đủ 2 lít nước/ngày, có chế độ dinh dưỡng tốt. Cần theo dõi sức khỏe, nếu thấy xuất hiện các biểu hiện choáng ngất, đau thắt ngực, giảm vận động và phản xạ thì cần đến cơ sở điều trị.

Bão từ mạnh cũng tác động mạnh đến các hệ thống công nghệ như hệ thống vệ tinh nhân tạo của Trái Đất, hệ thống truyền tín hiệu viễn thông ảnh hưởng đến tín hiệu di động. Đặc biệt, chúng tác động mạnh đến các hệ thống đường dây truyền tải điện cao áp như đường dây 500 kV của nước ta, gây ra những dòng điện cảm ứng lớn chảy qua dây trung hòa của máy biến áp có thể gây hại cho hoạt động của các thiết bị.

Theo PGS Châu, khi có bão từ cực mạnh, Viện Vật lý địa cầu sẽ có thông báo rộng rãi. Những người quan tâm cũng có thể tham khảo các trang web dự báo bão từ khác như https://www.swpc.noaa.gov/ của Trung tâm Dự báo thời tiết vũ trụ thuộc Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia A (Mỹ).

MỚI - NÓNG
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
Công an Bình Dương nói gì về phản ánh đội 'phản ứng nhanh' xử lý sự cố giao thông… chậm?
TPO - Theo phản ánh của người dân, mô hình Đội cơ động xử lý sự cố giao thông (CĐXLSCGT) tại tỉnh Bình Dương chưa phát huy được hiệu quả như kỳ vọng, một số vụ tai nạn, ùn tắc song sự xuất hiện của lực lượng này tại hiện trường chậm. Về việc này, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương đã phân tích một số nguyên nhân để làm rõ.