Bảo tồn để khai thác, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến

0:00 / 0:00
0:00
Di tích Hội Quán Quảng Ðông ở 22 Hàng Buồm vừa được phục dựng - Ảnh: DUY PHẠM
Di tích Hội Quán Quảng Ðông ở 22 Hàng Buồm vừa được phục dựng - Ảnh: DUY PHẠM
TP - Nằm ở vị trí trung tâm Thủ đô, là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hóa, quận Hoàn Kiếm đang lưu giữ một quần thể các di sản vật thể và phi vật thể đã góp phần làm nên dấu ấn Thăng Long - Hà Nội. Để phát huy những lợi thế, quận Hoàn Kiếm đã tập trung nguồn lực kêu gọi đầu tư để bảo tồn và khai thác tối đa giá trị nghìn năm văn hiến.

Văn hóa vật thể - phi vật thể hấp dẫn du khách

Quận Hoàn Kiếm có diện tích 5,4km2, là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế, văn hoá; nơi đã và đang chứa đựng một kho tàng giá trị vật thể với 190 di tích, gồm: 66 đình, 39 đền, 15 chùa, 57 di tích cách mạng và 13 công trình di tích khác, với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng: đình, đền, chùa, hội quán, nhà thờ Hồi giáo như: đền Bạch Mã - là trấn đông của thành Thăng Long, đình Kim Ngân,… Cùng với đó là các giá trị phi vật thể phong phú, hấp dẫn như các phố nghề phố chuyên doanh: ẩm thực; các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật dân gian; những lễ hội truyền thống (đền Bạch Mã, đình Yên Thái, lễ hội Trung thu, lễ hội Kim hoàn, lễ hội Vua Lê đăng quang…) góp phần quan trọng làm nên bản sắc Thăng Long - Hà Nội.

Với những giá trị di sản hiện hữu, quận Hoàn Kiếm là nơi hội tụ và kết tinh những giá trị văn hoá, truyền thống tạo ra sức hút đối với du khách đông đảo du khách trong và ngoài nước tới tham quan, tìm hiểu. Trong những năm qua, quận Hoàn Kiếm luôn thu hút một lượng lớn du khách trong và ngoài nước khi đến Hà Nội (theo thống kê trước khi xuất hiện dịch COVID-19, lượng khách du lịch vào quận Hoàn Kiếm chiếm 2/3 lượng khách du lịch vào tham quan Thủ đô Hà Nội, lượng khách du lịch tăng bình quân 23%/năm). Chính vì vậy, việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận, nhất là Khu phố cổ Hà Nội (di tích cấp Quốc gia) khu vực hồ gươm và phụ cận (di tích cấp Quốc gia đặc biệt) luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp chính quyền, các nhà khoa học và của cả cộng đồng.

Nhận thức được việc bảo tồn các di sản vật thể là một trong những công tác quan trọng trong bảo tồn di sản văn hóa. Từ năm 2010 đến nay quận Hoàn Kiếm đã tập trung giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo 26 di tích với kinh phí hơn 392 tỷ đồng. Thông qua việc giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các di tích đã bảo tồn được các di sản vật thể, khôi phục nhu cầu tín ngưỡng của người dân, thu hút khách du lịch, còn tạo được các thiết chế văn hóa tại cơ sở, điểm sinh hoạt văn hóa, tổ chức lễ hội của cộng đồng và cũng là giảm số dân sống trên địa bàn. Hiện nay, Quận đang tiếp tục quan tâm giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các công trình di tích như: đình Hạ Vỹ, đình Trung Yên, đình đền Thiên Tiên...

Cùng với việc giải phóng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các di tích, Quận tiếp tục quan tâm lập hồ sơ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền xem xét xếp hạng các di tích trên địa bàn. Đến nay, đã có 50 di tích đã được xếp hạng gồm: 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt - Đền Ngọc Sơn và Khu vực hồ Hoàn Kiếm, 37 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 12 di tích xếp hạng cấp Thành phố.

Cùng với bảo tồn di sản vật thể, quận cũng kêu gọi các nguồn lực xã hội sự tham gia của cộng đồng cho việc phục hồi và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong khu Phố cổ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, xây dựng các đề án khôi phục và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể như: Phối hợp với Hội di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội xây dựng đề án “Nghiên cứu, tổ chức lễ hội truyền thống trong Khu phố cổ và khu vực hồ Hoàn Kiếm”. Các lễ hội được khôi phục gắn với các ngày lễ lớn như: Lễ hội Vua Lê đăng quang, lễ hội Đình Yên Thái, đình Kim Ngân, lễ hội Trung thu Phố cổ, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật truyền thống (Ca trù, Xẩm, Tuồng, Chèo…); Tổ chức triển lãm, trình diễn nghề thủ công truyền thống, biểu diễn văn hóa nghệ thuật tại các điểm di tích và không gian đi bộ như: đình Kim Ngân, Trung tâm thông tin di sản Phố cổ, Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ, Ngôi nhà di sản, không gian đi bộ Hồ Gươm và phụ cận, không gian đi bộ trong Khu phố cổ Hà Nội,... đã thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Bảo tồn để khai thác, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến ảnh 1

Bên trong di tích Hội Quán Quảng Ðông ở 22 Hàng Buồm vừa được phục dựng

Cùng với việc bảo tồn, từ năm 2010 đến nay quận Hoàn Kiếm đã bố trí ngân sách đầu tư cải tạo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị như: Hoàn thành việc cải tạo vỉa hè 166/167 tuyến phố, kết hợp hạ ngầm các đường thoát nước, lát vỉa hè bằng đá tự nhiên; Nâng cấp hệ thống cấp điện, cấp nước sạch, chiếu sáng đô thị, cột điện được bổ sung, các trạm biến áp được thay thế nâng cấp; Chỉnh trang kiến trúc mặt đứng các tuyến phố trong Khu phố cổ, khu vực hồ Gươm và phụ cận...

Kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa, đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Để bảo tồn các giá trị văn hóa, cùng với việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách quận, quận Hoàn Kiếm đã triển khai các giải pháp đẩy mạnh huy động nguồn vốn xã hội hoá để tổ chức các hoạt động văn hoá, lễ hội. Gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị với kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội (phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, của quận và Thành phố. Quận đã kêu gọi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đầu tư xây dựng các công trình di tích, các công trình công cộng như: Bảo tồn, trùng tu 8 di tích đình, chùa với tổng kinh phí gần 46 tỷ đồng.

Bảo tồn để khai thác, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến ảnh 2

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội trên phố Đào Duy Từ là điểm đến hấp dẫn với du khách trong nước, quốc tế

Cùng với đó, trong thời gian qua, công tác hợp tác quốc tế về bảo tồn, tôn tạo Phố cổ Hà Nội tiếp tục được tập trung, hợp tác sâu thêm các lĩnh vực mới với các đối tác truyền thống: Hợp tác với thành phố Toulouse, vùng Ile de France trong việc hỗ trợ kỹ thuật cải tạo, khôi phục đền Quan Đế, đình Kim Ngân; phối hợp xây dựng Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ; Hỗ trợ kinh phí trang thiết bị của Trung tâm Thông tin Phố cổ tại 28 Hàng Buồm; Tham gia thiết kế, giám sát và chi phí thực hiện Triển lãm “Kẻ chợ - Phố cổ: Trường tồn và Phát triển; Phối hợp với Quỹ giao lưu văn hóa Hàn Quốc triển khai xây dựng phố tranh Bích họa Phùng Hưng. Hợp tác với Cục Địa chính Bỉ đào tạo chuyên gia GIS cho thành phố Hà Nội, làm thí điểm trên địa bàn Phố cổ Hà Nội...

Bảo tồn để khai thác, phát huy giá trị văn hóa nghìn năm văn hiến ảnh 3
Việc tổ chức các lễ hội truyền thống trên phố đi bộ Hồ Gươm có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn và thu hút khách du lịch. Ảnh: Duy Phạm

Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian sắp tới quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, làm tốt công tác giới thiệu, quảng bá giá trị di sản văn hóa trên địa bàn để mỗi người dân thực hiện tốt Luật Di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý di tích và quảng bá giá trị di sản; Đầu tư nguồn lực tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn quận giai đoạn 2021-2025.

Củng cố hoạt động tại các điểm di tích, lễ hội truyền thống hàng năm, quảng bá giới thiệu nghề truyền thống, tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật dân gian giới thiệu và thu hút du khách đến tham quan tại các di tích; Chú trọng công tác quảng bá hình ảnh và giới thiệu về giá trị lịch sử văn hóa, truyền thống của các di sản văn hóa trên địa bàn quận, tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt Đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Khu phố cổ Hà Nội...

Tiếp tục duy trì mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, cá nhân trong nước như: Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Thăng Long,… trong quá trình nghiên cứu, triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn quận; Tập trung làm tốt công tác đối ngoại, đẩy mạnh công tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, kỹ thuật với các tổ chức quốc tế trong việc xây dựng và triển khai các dự án về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa như: giao lưu văn hóa, đào tạo, bảo tồn, phát huy giá trị di sản và trùng tu di tích, quy hoạch đô thị với thành phố Toulouse, vùng Ile-de-France, Bỉ, Italia, Nhật Bản; Gắn kết chặt chẽ các hoạt động văn hóa với kinh tế phục vụ mục tiêu phát triển và hội nhập. Mở rộng hợp tác phát triển các hoạt động tại Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ Hà Nội - 50 Đào Duy Từ, Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm - 2 Lê Thái Tổ.

MỚI - NÓNG