Bão tin giả trong đại dịch Covid-19

TP - Tâm lý bầy đàn khi bị kích động sẽ làm “miếng mồi” cho những kẻ trục lợi. Ngoài nguy cơ mất thông tin cá nhân, bị phát tán mã độc, tin giả còn gây hoang mang cho dư luận xã hội. Thể hiện rõ nhất qua lần dân đổ xô đi mua sắm tích góp đồ ăn vừa qua trong  dịch Covid- 19.

Đủ kiểu like, chia sẻ mà không rõ thực hư

Tối muộn 6/3, Hà Nội công bố thông tin cô gái 26 tuổi, ở quận Ba Đình - người trở về từ Anh - là bệnh nhân thứ 17 ở Việt Nam nhiễm Covid-19 và là trường hợp đầu tiên ở Thủ đô dương tính với virus corona.

Ngay sau đó, mạng xã hội xuất hiện nhiều tin thất thiệt. Có tin cho rằng, nữ bệnh nhân đã dự lễ khai trương của Uniqlo trước khi cách ly. Một số tài khoản mạng xã hội cho biết, đã bắt gặp hình ảnh bệnh nhân nhiễm Covid-19 thứ 17 đến quán bar ở phố Tạ Hiện vào tối 3/3.

Bão tin giả trong đại dịch Covid-19 ảnh 1 Một số thông tin sai sự thật trên mạng xã hội Ảnh chụp màn hình

Cũng trong đêm 6/3, một số trang khác còn đưa hình ảnh khu đô thị cao cấp trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có người nhiễm bệnh, bị lực lượng y tế đưa đi cách ly. Với một số bệnh nhân nhiễm Covid -19 khác, ngay khi vừa đưa đi điều trị, không ít trang mạng còn tung tin đồn về đời tư, chuyện tình cảm cá nhân khá ly kỳ. Không ít nhóm của cư dân khu đô thị “nóng ran” với những thông tin kiểu như “Toang rồi”, “khu T18 có ca dương tính”. Rồi sau đó đồng loạt cả trăm người nhảy vào bấm like, chia sẻ đủ kiểu trạng thái hỉ nộ ái ố mà chả rõ thực hư ra sao!

Như một hệ lụy tất yếu, sáng sớm hôm sau các thông tin trên mạng xã hội đã gây ra một làn sóng khủng hoảng cho người dân. Nhiều người đổ xô mua tích trữ đồ ăn rồi tiếp tục chụp ảnh đưa lên mạng với nội dung như: “Tận thế”, “Vỡ trận”… Trao đổi với PV Tiền Phong, chị Thu Hiền (ngõ Vân Hồ 3, Hai Bà Trưng) cho biết,  hôm ấy chị chỉ dự định mua vài gói mỳ và đồ ăn cho gia đình. Nhưng khi đến cửa hàng, bị cuốn theo tâm lý đám đông, chị đã chi 3 triệu đồng để mua mỳ gói, dầu ăn… “Đến giờ tôi chưa biết phải làm gì với những lượng mỳ gói này…”, chị Hiền nói.

Ngày 10/3, khi cả nước bắt đầu thực hiện khai báo y tế toàn dân, lập tức trên mạng xã hội đã chia sẻ thông tin rằng, một số địa phương đã có người nhiễm bệnh nên phải khai báo để cách ly. Thông tin xuyên tạc này được chia sẻ rộng rãi, khiến người dân lo lắng.

Tin đồn, tin giả đến từ đâu?

Theo một số chuyên gia, việc minh bạch thông tin, thông tin kịp thời sẽ góp phần ngăn chặn thông tin giả, tin đồn. Trường hợp thông tin chậm, thiếu thống nhất giữa các cơ quan sẽ làm cho tin đồn lan nhanh.

Tối ngày 11/3, trên một số trang báo điện tử chính thống đưa thông tin Việt Nam ghi nhận ca bệnh Covid -19 thứ 39. Điều đáng nói là các báo này dẫn lời Bộ Y tế về trường hợp bệnh nhân mới nhất là nam, 25 tuổi, cư trú tại đường Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội, nghề nghiệp: Hướng dẫn viên du lịch.

Tuy nhiên, sau khi một số tờ báo mạng đưa thông tin nói trên, Bộ Y tế phản hồi cho biết: “Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid -19 cho hay, Ban Chỉ đạo chưa nhận được thông tin về ca bệnh này”. Ngay sau phản hồi đó, một số trang báo điện tử đã gỡ bỏ thông tin về ca bệnh 39 nói trên nhưng thông tin này vẫn còn trên giao diện một số báo khác. 

Tối cùng ngày tại cuộc họp khẩn được tổ chức tại UBND quận Cầu Giấy, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, trường hợp hướng dẫn viên du lịch tiếp xúc với đoàn khách người Anh chỉ là ca nghi ngờ nhiễm Covid -19. Ông Cảm thông tin thêm, theo quy định việc công bố các trường hợp dương tính là do Bộ Y tế phát ngôn, nhưng đến tối 11/3, Bộ Y tế chưa có thông tin nào về bệnh nhân này có kết quả dương tính!

Đến sáng  12/3, Bộ Y tế công bố ca bệnh Covid -19 tại Việt Nam. Điều trùng hợp là bệnh nhân số 39 mà Bộ Y tế ghi nhận hoàn toàn trùng khớp với những thông tin mà các báo điện tử đã đưa từ tối hôm trước (11/3). Điều này đặt ra câu hỏi liệu tình trạng chưa kịp thời phản hồi thông tin, chậm thông tin có tạo điều kiện cho những tin đồn, tin giả có “đất” sống?

Báo cáo tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 11/3, đại diện lãnh đạo Công an thành phố Hà Nội cho biết, đến nay, đã xử lý 25 trường hợp đăng tin bài sai sự thật vê Covid-19 trên không gian mạng, gây hoang mang dư luận. Cùng với đó, toàn bộ lực lượng công an thành phố đã được yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi không khai báo hoặc khai báo không trung thực, không chấp hành cách ly phòng chống dịch bệnh Covid-19. Tại một cuộc họp trước đó, đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng phải kiến nghị xử lý những người  thông tin không chính xác. Theo vị này, có thời điểm nhiều trang đưa thông tin có hàng chục ca nghi nhiễm Covid-19 ở điểm cách ly tập trung thành phố Hà Nội, gây tâm lý e ngại cho những người trở về cách ly tại đây và cả nhân dân thành phố. 

Trường Phong

MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.