Báo Tiền Phong giành giải Ba tuyên truyền về BHXH, BHYT

Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT năm 2019-2020”. Ảnh: Doãn Thành Trí (Báo Quảng Nam)
Ban tổ chức cuộc thi trao giải cho các tác giả đoạt giải Nhất “Cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT năm 2019-2020”. Ảnh: Doãn Thành Trí (Báo Quảng Nam)
Trong số 11 tác phẩm đoạt giải “Cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT năm 2019-2020”, báo Tiền Phong vinh dự giành được giải Ba, thể loại báo in.

Đông đảo báo chí trong, ngoài tỉnh tham gia

Sáng 24/7, tại Quảng Nam, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức lễ tổng kết trao “Cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT năm 2019-2020”.

Theo ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh Quảng Nam, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi, đây là lần đầu tiên cuộc thi sáng tạo tác phẩm báo chí tuyên truyền về BHXH, BHYT năm 2019-2020 được tổ chức trên địa bàn tỉnh nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.

Đồng thời, tôn vinh các tác phẩm báo chí tiêu biểu viết về chính sách BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), góp phần thiết thực cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia bảo hiểm, hướng tới xây dựng an sinh xã hội vững mạnh.

Cũng theo ông Danh, qua gần 1 năm phát động và triển khai thực hiện, ban tổ chức cuộc thi đã nhận được 35 tác phẩm dự thi của 23 tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài tỉnh (trong đó có 15 tác phẩm báo viết của 10 tác giả, nhóm tác giả; 17 tác phẩm báo hình của 10 tác giả, nhóm tác giả; 3 tác phẩm báo nói của 3 tác giả, nhóm tác giả).

Qua công tác chấm chọn ở 2 vòng sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức đã quyết định trao 11 giải thưởng ở 3 loại hình báo chí có các tác giả, nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc, đáp ứng yêu cầu thể lệ cuộc thi.

Trong đó, các loại hình báo viết, báo hình được trao đủ số lượng giải thưởng theo cơ cấu gồm 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 3 giải Ba. Riêng loại hình báo nói chỉ trao 1 giải Ba.

Nhìn chung, hầu hết tác phẩm dự thi đều đáp ứng các tiêu chí của thể lệ, nhiều tác phẩm có chất lượng cao; đề tài phong phú, đa dạng, nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu, tâm huyết của các tác giả, nhóm tác giả.

Đáng chú ý, ngoài các cơ quan báo chí chủ lực của tỉnh; tham gia hưởng ứng và gửi tác phẩm dự thi còn có khá nhiều các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên ở các cơ quan báo chí trung ương, báo chí ngoài tỉnh và các Trung tâm Văn hóa thông tin- Truyền thanh truyền hình các huyện, thị xã, thành phố trong thỉnh, cán bộ, công chức, viên chức tham gia dự thi; tiêu biểu như VTV1, VTV8, Báo Tiền phong, Báo Thanh tra, Thời báo kinh tế Việt Nam,…

Báo viết có số lượng tác giả, nhóm tác giả dự thi đông nhất với 15 tác phẩm. Trong đó, có một số tác phẩm là chuyên đề, bài phản ánh được đầu tư công phu; một số tác phẩm thuộc thể loại ký báo chí, chân dung người tốt giàu chất văn học, có sức truyền cảm lớn đối với người đọc. Đề tài khá đa dạng, phong phú, bao quát đầy đủ các chủ đề chính của cuộc thi, gồm: Tuyên truyền chính sách nhân văn của BHXH, BHYT, BHTN; phản ánh kết quả, thành tựu nổi bật của ngành BHXH; chân dung người tốt, việc tốt là những cán bộ, công chức và cộng tác viên tuyên truyền chính sách BHXH; phản ảnh những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình triển khai chủ trương, chính sách về BHXH trong thực tế;…

Nhiều tác phẩm đầu tư công phu, chất lượng cao

Trong số các tác phẩm dự thi, nổi bật nhất là chuyên đề “Nợ BHXH: Nỗi lo trên vai người lao động", gồm 4 tác phẩm: Gian truân đi đòi quyền lợi, Mắt trắng vì doanh nghiệp phá sản, Ngán nợ chây ì, Xử lý còn nhẹ của tác giả Lê Thị Diễm Lệ, được đăng trên báo Quảng Nam. Đây là chùm tác phẩm được đầu tư công phu, nghiêm túc, tư liệu phong phú, sát thực, có tính thuyết phục cao.

Với việc phản ánh bức tranh tổng thể, khá toàn diện về tình trạng nợ BHXH trong tỉnh và hệ lụy phát sinh từ tình trạng này, chùm tác phẩm báo chí nêu trên đã góp phần nhất định về việc cảnh báo, nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật về BHXH; đồng thời qua đó, đề nghị các cơ quan chức năng có những giải pháp cụ thể, khả thi hơn trong việc giả quyết tình trạng nợ đọng BHXH.

Trong khi đó, tác phẩm “Quảng Nam: Phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, nhiều tín hiệu mừng” của tác giả Trần Trung Kiên - Báo Thanh Tra lại phản ánh một bức tranh khác của ngành về những thành tựu bước đầu rất đáng phấn khởi trong việc triển khai chính sách BHXH tự nguyện – một lĩnh vực mới và nhiêu khó khăn của ngành.

Bài báo đã trình bày sâu sắc, toàn diện về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, địa phương; nỗ lực của BHXH Quảng Nam và kết quả thu được từ sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị trong việc triển khai chính sách BHXH ở Quảng Nam.

Bên cạnh đó, các tác phẩm như “BHXH: Phao cứu sinh” cho người bệnh nghèo” của tác giả Phan Lê Châu Nữ (Báo Quảng Nam), tác phẩm “Bám làng, bám dân phát triển bảo hiểm xã hội” của tác giả Lý Hà đăng trên Thời báo Kinh tế Việt Nam, tác phẩm “Mồ hôi ướt đẫm nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi” của tác giả Nguyễn Văn Tuấn (Báo Tiền Phong),v.v.  cũng là những tác phẩm đạt chất lượng cao, nêu bật tính nhân văn của BHXH. Các tác phẩm này có bố cục chặt chẽ, văn phong giản dị, trong sáng, giàu sức thuyết phục.

Với báo hình, Hội đồng Chung khảo đánh giá rất cao tác phẩm “Bảo hiểm thất nghiệp, nhìn từ thực tiễn” của nhóm tác giả Trần Hoài Thu - Huỳnh Thanh Thảo - Nguyễn Văn Phát (VTV8) vì cách chọn đề tài có tính phát hiện. Cách đặt vấn đề và giải quyết vấn đề trong tác phẩm có chiều sâu, đầy thuyết phục. Cách thể hiện tác phẩm hay, có xu hướng của truyền hình thực tế.

Ở tác phẩm “Tỷ lệ học sinh tham gia Bảo hiểm y tế nơi cao, nơi thấp do đâu?” của nhóm tác giả Huỳnh Bảy - Quảng Phi (Đài Phát thanh - Phát thanh Truyền hình Quảng Nam), Hội đồng chung khảo đều thống nhất cho điểm cao bởi có cách đặt vấn đề, xử lý vấn đề thuyết phục, có hiệu quả trong công tác tuyên truyền.

Nhiều tác phẩm khác thuộc báo hình cũng có chất lượng cao, được đầu tư công phu, tâm huyết và có sự sáng tạo trong thể hiện. Ví như: tác phẩm “Đa dạng cách vận động đồng bào thiểu số tham gia BHXH tự nguyện” của nhóm tác giả Đoàn Đạo - Hồ Quân (Báo Quảng Nam). Đây là sản phẩm báo chí phản ánh rõ nét nỗ lực của nhóm tác giả trong việc khai thác tư liệu, khi phải lăn lộn ở địa bàn vùng cao, làm iệc trực tiếp với đồng bào dân tộc thiểu số.

Tác phẩm “Nợ BHXH: Giải pháp từ các địa phương” của tác giả Huỳnh Thị Thanh Thảo (VTV8) thuyết phục người xem bởi việc chọn được vấn đề, nêu được giải pháp, xử lý hình ảnh tốt.

Ở Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình TP.Hội An, nhóm tác giả Lê Thị Hiền - Minh Anh đã mang đến Cuộc thi phóng sự “Bảo hiểm y tế hộ gia đình - Thêm cơ hội cho người dân chăm sóc sức khỏe” có tính phát hiện, tính nhân văn, hình ảnh tốt và được đánh giá cao.

Báo nói chưa được nhiều tác giả quan tâm gửi tác phẩm dự thi. Ban Tổ chức chỉ nhận được 3 tác phẩm của 03 tác giả, nhóm tác giả. Trong khi đó, chất lượng các tác phẩm chưa thực sự cao, đề tài đơn điệu, chưa thể hiện rõ sự đầu tư công phu, đúng mức.

Vì vậy, Hội đồng Chung khảo chỉ có thể xét chọn, đề nghị trao thưởng cho 1 giải Ba (không có giải Nhất, giải Nhì) cho tác phẩm khá nhất. Đó là tác phẩm “Bà Bổng - 12 năm gắn bó làm đại lý BHYT” của nhóm tác giả Đỗ Phát - Thanh Tâm (Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, Truyền hình thị xã Điện Bàn).

Ông Nguyễn Thanh Danh, Phó Giám đốc phụ trách BHXH tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết các tác phẩm tham gia dự thi số lượng không nhiều nhưng nhiều tác phẩm có tính phát hiện cao, ý nghĩa sâu sắc phản ánh được nhiều nội dung trên mọi lĩnh vực hoạt động của ngành BHXH.

Đặc biệt, các tác giả đã đưa ra những thông tin đa chiều, phản biện từ thực tế, phản ánh thực trạng, nêu rõ nguyên nhân và giải pháp đối với những hạn chế, bất cập trong việc chấp hành chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp nhất là các hành vi chây ỳ, trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT; đấu tranh ngăn chặn các hành vi trục lợi quỹ BHXH, quỹ BHYT làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT; lợi ích thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình... khẳng định vai trò của ngành BHXH đối với sự nghiệp an sinh xã hội…

MỚI - NÓNG