Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới

Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới
TP - Tiền thân của báo Tiền phong là tờ Hồn nước (1945-1946), sau đó là báo Xung phong. Đến năm 1949, tờ báo của Đoàn mang tên Sức trẻ, nhưng ra được 15 số thì phải dừng vì xưởng in bị cháy.

Xuất phát từ yêu cầu của cách mạng Việt Nam, thế hệ trẻ Việt Nam cần có một diễn đàn, một tiếng nói, được sự quan tâm của Đảng và Bác Hồ, Đoàn Thanh niên Cứu quốc (nay là Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) đã quyết định thành lập một tờ báo - Cơ quan ngôn luận của mình.

Tiền thân của báo Tiền phong là tờ Hồn nước (1945-1946), sau đó là báo Xung phong. Đến năm 1949, tờ báo của Đoàn mang tên Sức trẻ, nhưng ra được 15 số thì phải dừng vì xưởng in bị cháy.

Năm 1950-1952, tổ chức Đoàn có tạp chí Thanh niên. Ngày 16/11/1953, tại xã Minh Thanh (huyện Sơn Dương, Tuyên Quang) chính thức ra đời tờ báo Tiền phong do đồng chí Nguyễn Lam, lúc bấy giờ là Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn làm chủ nhiệm (sau này đồng chí Nguyễn Lam là Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ).

Năm 1956, báo Tiền phong ra hai kỳ một tuần, đến năm 1959 lên ba kỳ/ tuần. Giữa những năm 1980, báo Tiền phong ra mỗi tuần một kỳ; giai đoạn từ 1975 đến 1985 là thời kỳ khó khăn, giấy để in báo không đủ, đời sống cán bộ, phóng viên rất gian khổ…

Cho đến những năm 1987, 1988, bắt nhịp với công cuộc đổi mới của đất nước, với tinh thần tự lực, tự cường, “tự cứu” như lời đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, anh chị em cán bộ, phóng viên của báo đã tìm mọi cách thoát ra khỏi những khó khăn, tự tìm nguồn lực (kể cả việc phối hợp với nhà in giấy Tân Mai để có giấy in báo). Báo bắt đầu đổi mới thông tin, đổi mới măng séc, đổi mới cách trình bày, tổ chức làm phụ san, phụ bản…

Cuối năm 1988, báo ra số Tiền phong Chủ nhật; ngày 7/11/1992 ra chuyên san Người đẹp Việt Nam; ngày 25/5/1995, ra thêm hai chuyên san Tiền phong Cuối tháng và Tri thức trẻ. Tháng 7/2001, báo Tiền phong ra 5 số/tuần. Đến năm 2006 thì ra hàng ngày. Từ năm 2005 có báo điện tử…

Rời chiến khu Việt Bắc “Quê hương cách mạng dựng lên cộng hòa”, báo Tiền phong, từ một túp lều tre nứa lợp rạ (cũng có thể gọi là trụ sở của báo) đã chuyển về thủ đô Hà Nội. Năm 1954, báo đóng trụ sở ở Đồn Thủy, sau đó ít lâu chuyển về cụm nhà 64 phố Hàm Long, rồi số 3 Hồ Xuân Hương, tiếp đến 64 Bà Triệu, 167 phố Phùng Hưng.

Cuối năm 1961, trụ sở báo Tiền phong mới chuyển về 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội). Căn nhà ba tầng 15 Hồ Xuân Hương suốt bao năm là trụ sở của ba cơ quan, báo Tiền phong, báo Thiếu niên Tiền phong và báo Nhi đồng.

Cuối năm 2002, được phép của T.Ư Đoàn và các cơ quan chức năng TP Hà Nội, báo đã dỡ ngôi nhà cũ, xây trụ sở 10 tầng hiện đại khang trang. Trụ sở báo Tiền phong số 15 Hồ Xuân Hương (Hà Nội) đã trở thành địa chỉ tin cậy, thân thiết của tuổi trẻ cả nước, của hàng triệu bạn đọc…

Từ một tờ báo ra hàng tuần, Tiền phong đã trở thành một tổ hợp báo chí có uy tín cao với 6 ấn phẩm phát hành rộng rãi trong cả nước và người Việt  ở nước ngoài: Tiền phong hàng ngày, Tiền phong điện tử, Tiền phong Cuối tuần, Tiền phong Cuối tháng, Người đẹp Việt Nam và Tri thức trẻ.

Báo Tiền phong có 6 ban đại diện, nhiều phóng viên thường trú, in cùng giờ ở 5 điểm: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Buôn Ma Thuột và Vinh (Nghệ An).

Những chặng đường phát triển và đổi mới

Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới ảnh 1
Báo Tiền phong năm 1954,

Ngay từ khi mới ra đời, báo Tiền phong đã động viên tuổi trẻ đến với cách mạng, đến với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp để góp phần làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu. Bước sang thời kỳ xây dựng xã hội mới ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà Tiền phong đã đi đầu trong việc tuyên truyền các chủ trương của Đảng, Nhà nước, nêu những tấm gương sáng, động viên hàng triệu thanh niên trên mặt trận sản xuất, chiến đấu…

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiền phong đã tiếp sức cho tiếng nói của Đoàn, kêu gọi hàng triệu thanh niên “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” với các phong trào lớn như “Ba xung phong”, “Ba sẵn sàng”, góp phần làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều cán bộ, phóng viên báo Tiền phong đã vào tuyến lửa, viết ngay dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù…

Sau 30/4/1975, Đoàn đã sáp nhập tờ Thanh niên giải phóng với báo Tiền phong. Tờ báo tiếp tục cổ vũ, động viên những tấm gương sáng trong sản xuất, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, góp phần bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu.

Bắt nhịp với thời đại, báo Tiền phong  đã đi đầu cổ vũ hàng triệu đoàn viên thanh niên tham gia trên các lĩnh vực của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đổi mới tư duy, phát huy truyền thống cách mạng, tự lực, tự cường, tờ báo đã thực sự là diễn đàn của tuổi trẻ, là tiếng nói đổi mới của Đoàn trong việc giáo dục lý tưởng, giáo dục truyền thống, đạo đức, thẩm mỹ… tích cực đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho đoàn viên, thanh thiếu niên và nâng cao kiến thức nhiều mặt cho giới trẻ…

Những hoạt động xã hội lớn do báo khởi xướng và tổ chức

Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới ảnh 2
Báo Tiền phong năm 1976

Thực hiện lời dạy của Lênin: “Báo chí cách mạng không những tuyên truyền, cổ vũ mà còn là người tổ chức hành động cách mạng cho quần chúng”, ngay từ những năm đầu công cuộc đổi mới, báo Tiền phong đã khởi xướng và tổ chức thành công nhiều cuộc thi, nhiều phong trào lớn, nhiều diễn đàn thiết thực được hàng triệu bạn trẻ hưởng ứng, tham gia.

Những cuộc thi như Tìm hiểu về Đảng, Bác Hồ, về Đoàn, về biên giới hải đảo… đã trở thành những đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong cả nước. Báo cũng tích cực tham gia phát hiện và bồi dưỡng tài năng trẻ bằng các cuộc thi như Tác phẩm tuổi xanh, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền phong (giải thể thao quần chúng lâu đời nhất ở Việt Nam, nay là giải thể thao quốc gia sắp bước vào lần thứ 50 năm).

Tiền phong đã khởi xướng phong trào trao sổ tiết kiệm tình nghĩa, quỹ học bổng khuyến khích tài năng trẻ từ năm 1987, và quỹ hỗ trợ các hoạt động phòng chống AIDS.

Khởi xướng và tổ chức thành công Siêu Cúp bóng đá quốc gia. Khởi xướng và tổ chức thành công cuộc thi Hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất, đến nay, qua 20 năm báo Tiền phong đã tổ chức được 10 cuộc thi Hoa hậu Quốc gia, một cuộc thi Hoa hậu Thế giới người Việt, mở ra một hoạt động văn hóa mới…

Báo còn khởi xướng và tổ chức các diễn đàn lớn như “Sống đẹp”, “Sống để yêu thương và dâng hiến”…, xây hàng trăm nhà tình nghĩa, trang bị cho bộ đội ở đảo Trường Sa một thư viện với hàng ngàn cuốn sách…

Sự ra đời của Cty cổ phần Tiền phong cũng như việc đa dạng hóa các ấn phẩm của báo nằm trong xu hướng phát triển tất yếu của báo chí hiện đại, nhằm hướng tới việc ra đời của các tập đoàn báo chí ở Việt Nam…

Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới ảnh 3
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sửa bài viết cho nhà báo Hoàng Sơn và Xuân Ba năm 1989. Ảnh: Phạm Yên

Thành lập Công ty cổ phần Tiền phong

Năm 1998, Cty cổ phần Tiền phong ra đời, với một trong những mục tiêu chính là tổ chức hệ thống siêu thị sách báo văn hóa phẩm có uy tín, nhằm khuyến khích thanh niên đọc sách, nâng cao kiến thức nhiều mặt, mở ra nhiều điều kiện học tập hướng tới sự hội nhập kinh tế với thế giới hiện đại.  (Hiện Cty Tiền phong đã có 4 siêu thị sách ở Hà Nội, 1 ở Hải Phòng, 1 ở Cần Thơ).

Cty Tiền phong cũng đã có một trung tâm đào tạo, dạy nghề cho thanh niên ở đường Hoàng Quốc Việt (Hà Nội). Ngoài ra công ty còn có nhiều hoạt động hỗ trợ tờ báo như phát hành, quảng cáo, tiếp thị… Sự ra đời của Cty cổ phần Tiền phong cũng như việc đa dạng hóa các ấn phẩm của báo nằm trong xu hướng phát triển tất yếu của báo chí hiện đại, nhằm hướng tới việc ra đời của các tập đoàn báo chí ở Việt Nam…

Sự quan tâm nhiều mặt của Đảng, Nhà nước của Đoàn đối với tờ báo

Báo Tiền phong 55 năm phát triển và đổi mới ảnh 4
Báo Tiền phong năm 1977

Có được sự đổi mới, phát triển liên tục trong 55 năm qua, vượt qua báo khó khăn thử thách để tiến lên, ngoài sự nỗ lực của cán bộ, đảng viên, nhân viên trong tờ báo, là sự quan tâm, chỉ đạo, động viên của Đảng, Nhà nước và của Đoàn.

Các đồng chí Tổng Bí thư của Đảng như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã đến thăm báo.

Nhiều đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ cũng đã đến với cán bộ, phóng viên dặn dò, cổ vũ hoặc gửi thư chúc mừng nhân ngày Kỷ niệm thành lập báo.

Ban Thường vụ, ban Bí thư T.Ư Đoàn qua các thời kỳ luôn chỉ đạo, tạo mọi điều kiện cho tờ báo phát triển. Ngày nay, một đội ngũ gần 200 cán bộ, phóng viên có kinh nghiệm, có tay nghề và tâm huyết đang thực sự là động lực cho sự phát triển, đổi mới của tờ báo.

Trong lần đến thăm báo Tiền phong nhân kỷ niệm 50 năm thành lập (tháng 11 năm 2003) Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã gọi Tiền phong là “Tờ báo của chúng ta”.

Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ, phóng viên của báo, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh nói: “Ra đời ngày 16/11/1953 tại chiến khu Việt Bắc, qua nửa thế kỷ phát triển, báo Tiền phong đã cố gắng giữ vững định hướng chính trị, từng bước nâng cao chất lượng và số lượng phát hành, thực sự là tiếng nói của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và là diễn đàn của tuổi trẻ Việt Nam…

Tờ báo đã góp phần động viên các phong trào thanh niên, cổ vũ hàng triệu thanh niên tham gia các cuộc kháng chiến chống xâm lược, góp phần giải phóng đất nước, thống nhất Tổ quốc. Trong công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, báo Tiền phong cùng hệ thống báo chí của Đoàn Thanh niên và hệ thống báo chí nước ta đã tuyên truyền, động viên, cổ vũ tuổi trẻ Việt Nam xung kích trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Cùng với sự nghiệp đổi mới đất nước và đổi mới báo chí, báo Tiền phong đã tích cực đổi mới về nội dung và hính thức, phương pháp tiếp cận bạn đọc trẻ. Đã phát hiện và kịp thời biểu dương các nhân tố mới, tích cực, dũng cảm đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thanh, thiếu niên, góp phần làm lành mạnh xã hội, giữ được niềm tin của tuổi trẻ và của xã hội vào Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tờ báo cũng đã khởi xướng và tổ chức được nhiều hoạt động xã hội có uy tín, có quy mô toàn quốc và tính giáo dục tích cực. Báo đã đa dạng hóa các ấn phẩm: Bên cạnh tờ báo hàng ngày còn có báo ra hàng tuần, nửa tháng, hàng tháng. Nhiều ấn phẩm của Tiền phong đã đáp ứng nhu cầu chính đáng của các đối tượng thanh niên”.

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng nói: “Tờ báo cũng đã khởi xướng và tổ chức được nhiều hoạt động xã hội có uy tín, có quy mô toàn quốc, có tính giáo dục tích cực. Tôi được biết, bên cạnh tờ báo hàng ngày, báo  Tiền phong còn có các ấn phẩm ra hàng tuần, nửa tháng,  hàng tháng. Tôi phải nói với các đồng chí rằng các ấn phẩm đó đều rất đẹp và đáp ứng được các yêu cầu chính đáng của thanh niên, của toàn xã hội”.

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Đỗ Mười tại báo Tiền phong, 3/10/1993

…Tôi được biết báo Tiền phong những năm gần đây có nhiều khởi sắc với đội ngũ cán bộ, phóng viên có tay nghề ngày càng được nâng cao; là tờ báo có số lượng phát hành lớn, được đồng bào thanh niên ưa thích, tìm đọc. Tôi biểu dương những cố gắng của các đồng chí…

Tôi đề nghị Nhà nước và các cơ quan phát hành có kế hoạch phối hợp với các cơ quan báo chí để đưa báo đến tay thanh thiếu niên và nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, hải đảo, là những nơi đang có nhu cầu lớn về thông tin.

Trích phát biểu của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Báo Tiền phong trong những năm qua đã làm tròn nhiệm vụ chính trị của mình, đã có những đóng góp xứng đáng về mặt tổ chức, giáo dục và vận động thanh niên nói chung, đặc biệt là các đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh. Chất lượng của báo Tiền phong cũng ngày càng được nâng cao, hình thức, nội dung của báo ngày càng phong phú, hấp dẫn.

Trích thư của Chủ tịch nước Trần Đức Lương

Tôi được biết, mười năm lại đây, báo Tiền phong đã có những đổi mới về nhiều mặt, đã trở thành một tờ báo có uy tín cao trong bạn đọc với nhiều ấn phẩm đa dạng, phong phú, lành mạnh được bạn trẻ yêu thích. Tờ báo cũng đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa xã hội lành mạnh, bổ ích, thu hút hàng triệu người tham gia.

Trích thư của Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Nhiều năm qua, báo Tiền phong góp phần giáo dục, động viên các tầng lớp thanh niên nước ta kế thừa và phát huy truyền thống đấu tranh dũng cảm, kiên cường của cha, anh, phấn đấu hết sức mình cho công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước, và ngay nay, cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh. Tôi rất hoan nghênh báo trong thời gian gần đây, đã có nhiều bài viết tốt về chống tham nhũng, chống tiêu cực, ủng hộ các chủ trương, chính sách của Chính phủ.

Thủ tướng Phan Văn Khải thăm báo Tiền phong (trích)

Báo Tiền phong của các đồng chí được nhiều người biết đến, được bạn trẻ đón nhận, các đồng chí đã làm tốt công việc của mình… Tôi mong rằng, các đồng chí bám sát hơn nữa các chủ trương của Đảng, Chính phủ, của Đoàn và làm tốt hơn nữa công tác giáo dục thế hệ trẻ…

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.