Báo Tết năm 2006: Những "kỷ lục" ngược

Báo Tết năm 2006: Những "kỷ lục" ngược
Báo Tết năm Bính Tuất hiện diện với những ấn phẩm sặc sỡ muôn màu trên các quầy báo, nhưng chỉ cần đọc lướt qua thôi, sẽ thấy có không ít chuyện để bàn…

Vào năm Bính Tuất nên trên báo Tết năm nay các chú khuyển được dịp lên ngôi. Đề tài “tuất” được khai thác triệt để, từ chó ở Phú Quốc đến “cảnh khuyển” béc-giê, từ đua chó ở Vũng Tàu đến hình ảnh con chó trong tục ngữ ca dao…

Văn nghệ Trẻ tỏ ra khá độc đáo với một Phụ trương in 9 tác phẩm có liên quan tới chó như Con chó xấu xí (Kim Lân), Răng con chó của nhà tư sản (Nguyễn Công Hoan), Con “phốc con” (Ba Kim), Người đàn bà có con chó trắng (A.Tshekhov)…

Tuy nhiên vẫn còn một bộ phận đề tài đã bị bỏ qua, đại loại như “cầy tớ bảy món” hay giới thiệu các địa chỉ bên đê Nhật Tân!

Và tương tự những năm trước, nhiều tờ báo tết Bính Tuất lại tiếp tục “tra tấn” bạn đọc theo lối “cưỡng bức”, nghĩa là chỉ cho phép đọc vài trang rồi lại phải ngắm vài trang quảng cáo.

Thường thì tờ nào cũng vậy, chữ nghĩa như bị mất hút giữa những chiếc ô-tô bóng loáng, những đoàn xe máy hùng hậu, những hũ nước mắm tròn trĩnh, những cô gái da phấn mặt hoa hoặc áo dài thướt tha hoặc mini-jube hớ hênh đang bê trên tay một chai thuốc ho hay một lọ kẹo…

Nói tới kỷ lục, có lẽ báo Tết của Anh ninh Thủ đô vẫn chưa muốn nhường vị trí quán quân khi tờ báo này phát hành sớm nhất (từ đầu tháng 1.2005), dày dặn nhất (gần 200 trang), nhiều quảng cáo nhất (99 trang) và… đọc cũng chán nhất!

Quảng cáo trên các tờ Lao động, Diễn đàn Doanh nghiệp cũng nhiều nhưng bài vở còn được chú ý chọn lọc. Trong khi đó thì báo Tết của Văn nghệ công an lại tuyệt nhiên không đăng quảng cáo, và tờ Sinh viên cũng chỉ dành cho quảng cáo có 4 trang.

Các báo Sinh viên, Lao động năm nay nhiều bài vở hay nhưng nó làm người ta ngại đọc, vì nhiều trang chữ nghĩa nhạt nhòa trên những cái nền lòe loẹt hoặc tối om!

Về hình thức đẹp và bài vở đáng đọc, xin được bỏ phiếu cho Tuổi trẻ với một lối trình bày hiện đại và bắt mắt, bài vở xum xuê và không thể bỏ qua những bài như Dạy cho tiếng chiêng (Nguyên Ngọc), Hành trình thơ Đánh thức tiềm lực (Nguyễn Duy)… và sau đó là các ấn phẩm vẫn giữ được truyền thống như Thanh niên, Nông nghiệp Việt Nam.

Đọc báo Tết có thể thấy “ngôi sao” của báo Tết năm nay là cây bút nữ Nguyễn Ngọc Tư. Ngoài truyện ngắn và tạp văn, Nguyễn Ngọc Tư còn xuất hiện trong các phát biểu, các bài phỏng vấn giúp nhận diện một Nguyễn Ngọc Tư chân thực và đáng yêu.

Cánh đồng bất tận của chị một lần nữa tái xuất trong Phụ trương đăng 10 truyện ngắn hay của Văn nghệ, và theo tôi đó cũng là truyện ngắn hay nhất so với 9 tác phẩm còn lại.

Nói đến văn chương, kỷ lục về truyện ngắn năm nay có lẽ thuộc về Ma Văn Kháng. Các truyện của ông tuy chưa thật sự hay nhưng đọc được, như Tổ trưởng dân phố (Nông nghiệp Việt Nam), Nữ họa sĩ vẽ chân dung và con Bốp thân yêu (Hà Nội mới)…

Riêng về việc đăng thơ, phải nói rằng báo Người Hà Nội đã lập một kỷ lục đáng nể với 180 bài và trực tiếp đẩy báo Văn nghệ với 89 bài xuống hạng… đàn em.

Ở thời buổi thơ Việt Nam như đang “rơi vào quẻ bĩ” mà kiếm được 180 bài thơ đăng báo Tết thật là đáng khâm phục, tiếc thay trong đó số bài hay chiếm một tỷ lệ rất khiêm tốn.

Với thơ, Tết năm nay tôi không còn được hưởng niềm vui khi thống kê thơ của nhà thơ VDT. Mấy năm trước ông là một kỷ lục gia, năm nay thơ ông đăng rất lèo tèo.

Tình trạng ấy làm tôi băn khoăn không rõ lâu nay ông bận bịu hay “thi nguồn” đã cạn và lại liên tưởng tới mấy câu lục bát về việc đăng thơ trên báo Tết: “Thứ nhất đăng kiểu vần công - Thơ tôi ông duyệt, thơ ông tôi xài - Chức quyền tiêu chuẩn thứ hai - Của ban của bệ đố ai không dùng - Thứ ba là của anh khùng - Không đăng nó nói lung tung cũng phiền - Ngoài ba tiêu chuẩn nói trên - Gửi đi… chỉ tốn tiền tem thôi mà”!

Tuy nhiên sự vắng mặt của VDT được bù lại bởi sự xuất hiện những kỷ lục mới do các nhà văn, nhà báo lão thành lập nên. Có lẽ chỉ trừ Tô Hoài còn giữ được phong độ với Những cái quán cóc (Văn nghệ Công an), Người chơi tranh (Người Hà Nội) thì hình như các tác giả còn lại tuổi tác càng cao viết càng hăng và càng… nhạt, tỷ như các tùy bút của Băng Sơn chẳng hạn. Vài bài của các ông đọc xong chẳng hiểu các ông viết để làm gì, phải chăng người ta cần đến tên tuổi các ông nhiều hơn là cần tác phẩm?

… Đến dăm ba sự kiện khác thường!

Có một mode mới trở nên phổ biến trên báo Tết năm nay là sự có mặt tràn lan của các bài phỏng vấn, các bài viết phác họa chân dung.

Thành phần trả lời phỏng vấn, được phác họa chân dung rất phong phú, đa dạng và theo tôi có hai bài phỏng vấn trên tờ Đàn ông là đáng ngại nhất vì hai “khổ chủ” là Trần Đăng Khoa và Vi Thùy Linh ta thán với tôi rằng người ta đã “gắn vào mồm” họ nhiều điều họ không nói.

Hình như để chuộc lại lỗi lầm và trước phản ứng gay gắt của “khổ chủ” nên bài phỏng vấn Trần Đăng Khoa đã được người ta “mông má” lại để đăng trên báo Công an nhân dân (14.1.2005), trong đó câu trả lời nhạy cảm nhất đã thay đổi hoàn toàn về nội dung (!).

Dường như đã có sự một ưu ái dành cho một vài nhân vật mà trên đôi ba tờ báo người ta dành hai trang cho một người: một trang là chân dung, một trang in tác phẩm của người có chân dung.

Sự ưu ái này xem ra “lợi bất cập hại” bởi nếu chân dung được phác họa “hoàng tráng” mà tác phẩm lại tỏ ra không tương ứng thì quả là gay go.

Điển hình cho tình huống này là trên Giáo dục & Thời đại, Tiến sĩ NMH được giới thiệu là: “một nhà nghiên cứu sử học, văn hóa và ngôn ngữ có tài với nhiều công trình có ý nghĩa quan trọng” thế nhưng bài Thờ cúng tổ tiên biểu hiện của lòng hiếu đễ của ông thật sự là một mớ hổ lốn các kiến thức “đầu Ngô mình Sở”, chẳng đâu vào đâu, thú vị nhất là việc ông đề xuất ý tưởng: “quy định thành những văn bản pháp luật để xác lập một loại nghi thức tồn tại trong mỗi gia đình Việt Nam, nghi thức ây chính là xây dựng một bàn thờ tổ tiên tại nơi trang trọng hay nơi có vị trí danh dự trong nhà”.

Chỉ với ý tưởng ấy thôi đã có thể thấy ông Tiến sĩ rất “i tờ” về tín ngưỡng - tôn giáo. Còn trên Văn nghệ số Tết, trong bài Hai giọt nước trong biển cả chân lý, nhà văn VC, sau khi “ngộ” ra ý nghĩa sâu sắc của “tư duy chủ toàn” đã viết như thế này:

“Ông (GS Cao Xuân Huy - NH) cũng khuyên các học trò đừng cất công đi tìm bản sắc văn hóa, nước tĩnh đấy mà động đấy. Hình dung của giáo sư cắt nghĩa một thực trạng: Trong một gia đình vừa thờ Khổng (thờ cúng ông bà) vừa thờ Phật, vừa thờ Jesus Christ nhưng cũng lại thờ cúng cha mẹ tổ tiên…”.

Không biết nhà văn VC kiếm đâu ra cái “thực trạng” trên, hay là ông nhầm lẫn với Thánh thất Cao Đài (?!). Gần gũi với sự khác thường đó, trong bài Tục lệ thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh (Sức khỏe & Đời sống), tác giả HN viết: “Po Nagar được người Chăm nhân cách hóa như là vị thần của đất mẹ. Po Nagar được người Việt đổi thành Thiên Yana. Sức sống và niềm tin cuồng nhiệt đối với bà tiếp tục lan tỏa khiến bà nhanh chóng hóa thân vào một Thánh mẫu mới đó là công chúa Liễu Hạnh”.

Như thế này thì hóa ra bà chúa Liễu - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng Việt Nam truyền thống lại có nguồn gốc từ Po Nagar ư?...

Sưu tầm và đọc báo Tết lâu nay đã trở thành sở thích của nhiều người. Ra Giêng ngày rộng tháng dài, lúc rỗi rãi mang tờ báo Tết yêu thích ra đọc kể cũng vui. Nhưng đọc mà đôi khi gặp phải một cái gì đó khác thường thì… biết kêu ai đây nhỉ?

Nhà phê bình Nguyễn Hòa
Thể thao Văn hoá

MỚI - NÓNG
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
Hà Nội đón mưa vừa mưa to ngắn ngày
TPO - Diễn biến khí tượng từ 19/3, không khí lạnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Đông Bắc Bộ và Hà Nội. Trong 24 đến 48 giờ tới, các chuyên gia khí tượng nhận định khu vực Thủ đô tiếp tục có nền nhiệt giảm, trời rét, kèm theo đó cục bộ có mưa vừa đến mưa to.