Bảo tàng làng 'bé tí'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trong dịp đi tìm bối cảnh cho bộ phim độc lập, chúng tôi tình cờ phát hiện một “bảo tàng làng” ở xã Yên Mỹ, Thanh Trì, Hà Nội.

Bảo tàng chỉ có diện tích hơn trăm mét vuông nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị. Những người nông dân ở đây đã biến “Nhà văn hóa” thôn thành một địa chỉ văn hóa thực sự, thậm chí có thể thu hút khách tham quan.

Bảo tàng là một chứng chỉ văn hóa

Một người thầy của tôi, tiến sĩ Jules Bucheron, người sinh ra và lớn lên ở Lille, một thành phố chỉ lớn thứ tư ở Pháp nhưng có bề dày văn hóa với dày đặc các bảo tàng lớn nhỏ hơn một lần mách chúng tôi: để đánh giá đời sống văn hóa ở một vùng, không gì tốt hơn là tìm đến các bảo tàng, bảo tàng chính là một loại chứng chỉ văn hóa, chỗ nào nhiều “nouveau rich” (nhà giàu mới nổi) thì thường không nhiều bảo tàng đâu!

Bảo tàng làng 'bé tí' ảnh 1

Một góc Nhà truyền thống làng Yên Mỹ

Thật mừng vì mấy năm đổ lại đây, ngoài các bảo tàng của nhà nước, số lượng bảo tàng tư nhân ở Việt Nam đang ngày một nhiều lên. Tôi khá có cảm tình với mô hình bảo tàng này vì tính chất cá nhân và sự sinh động của nó. Ở đây, ta có thể khám phá ra nhiều điều, thậm chí nhiều số phận mà nếu đặt ở trong tương quan một bảo tàng mô hình lớn rất dễ bị nhòe đi, ẩn đi giữa những câu chuyện được xếp theo lớp lang, niên đại...

Ở bảo tàng xã Yên Mỹ, thứ khiến tôi dừng thời gian ngắm nghía lâu nhất chính là mấy mảnh nhôm được gọi là “trai vét nồi cơm” làm từ mảnh xác máy bay Mỹ rơi ở làng Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội vào năm 1972. Bà Trần Thị Huệ (sinh năm 1953, nhà ở xóm 7 xã Yên Mỹ), người tình nguyện trông bảo tàng miễn phí giải thích: ngày trước mọi nhà đều nấu cơm bằng nồi gang, đun bếp rơm hoặc củi, cơm luôn có cháy. Khi xới cơm người ta dùng hai cái đũa to vót bằng tre gọi là đũa cả, nhưng lúc đánh cháy ở nồi cơm thì cần một dụng cụ sắc và bén hơn. Thường người dân sẽ dùng cái muôi múc canh bằng nhôm (trước đây đồ dùng bằng inox không phổ biến), muôi nhà nào vét cháy nhiều sẽ vẹt đi cả mảng. Cho nên, có người đi lính về, nghĩ đến việc lấy vỏ máy bay (là một loại vật liệu siêu bền) mài thành hình tứ giác trên nhỏ dưới to, dùng cậy cháy rất nhanh và sạch.

Đạo diễn Trần Tuấn Anh nghe xong câu chuyện này lập tức có ý định thay đổi một phân đoạn trong kịch bản phim. Theo anh, không có hình ảnh hàn gắn nào, không có biểu tượng sức sống nào mạnh mẽ và chính xác hơn một mảnh máy bay ném bom của “phía bên kia” sau trở thành dụng cụ vét nồi cơm của “phía bên này”.

Bảo tàng làng 'bé tí' ảnh 2

Bà Huệ giới thiệu chiếc cối xay thóc bằng đá nay đã hoàn toàn biến mất trong đời sống của nông dân

Ở cái bảo tàng “bé tí” này, chúng tôi còn thấy rất nhiều thứ mà ngay cả với mấy 8X trong đoàn cũng xa lạ, ví dụ: chạn bát đan bằng nan tre, điếu bát (loại điếu để hút thuốc lào, hình tròn), kẻng báo động máy bay Mỹ (hình nón), mâm gỗ (có cả hình tròn và hình chữ nhật), cối giã gạo, cối xay bột (đều làm bằng đá)... Tất cả đều là những vật dụng sinh hoạt thường ngày trong các gia đình nông thôn. Một vài thứ khác, gắn với thời bao cấp, là minh chứng khá giả một thời thì chúng tôi đã gặp nhiều ở những quán cà phê mang hơi hướng hoài cổ như: đài cát-xét chạy băng, máy khâu năm bướm, quạt con cóc, quạt tai voi v.v...

Đi từng ngõ, gõ từng nhà để xin hiện vật

Thành lập từ tháng 1/2019 với diện tích khoảng 150m2, bảo tàng làng Yên Mỹ có tên khai sinh là “Nhà truyền thống”, được cải tạo, chuyển đổi từ Nhà văn hóa B thôn 2. Theo bà Huệ, ý tưởng thành lập Nhà truyền thống có từ chục năm trước. Người đóng vai trò quan trọng khi đó là ông Nguyễn Viết Hùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ. Đến nay, ông Hùng đã chuyển công tác nhưng vẫn tích cực tham gia vận động bà con quyên góp cho bảo tàng.

Lúc khánh thành, bảo tàng chỉ có khoảng 200 hiện vật, đa số là những vật dụng, kỷ vật gắn bó với cuộc sống lao động sản xuất chiến đấu của nhân dân. Đến nay, số lượng hiện vật đã tăng lên hơn 300, trong đó có nhiều hiện vật trên trăm tuổi như: chiếc chõ sành dùng để đồ xôi được sử dụng từ đầu thế kỷ 20; vò sành đựng mắm tép đã truyền qua năm thế hệ?

Ông An Đức Độ (80 tuổi, xóm 10 xã Yên Mỹ), một trong số những người tham gia xây dựng bảo tàng từ những ngày đầu và đã hiến tặng 24 hiện vật cho biết: Để có hiện vật trưng bày trong bảo tàng, chúng tôi đã đi từng ngõ, gõ từng nhà vận động bà con hiến tặng hiện vật. Đa số mọi người đều vui vẻ hiến tặng, một số gia đình chưa nỡ rời xa những kỷ vật đã gắn bó nhiều năm thì cũng hẹn một ngày nào đó sẽ tự tay mang đến.

PGS.TS Đặng Văn Bài, nguyên cục trưởng cục di sản văn hóa (bộ văn hóa- thể thao và du lịch)

Các bảo tàng tư nhân sẽ là điều kiện để xã hội hóa, thu hút nhiều người đến tham quan, học tập và là điểm du lịch hấp dẫn. Nếu mỗi địa phương có 3 bảo tàng tư nhân, mỗi bảo tàng kéo dài được 1 tiếng cho khách du lịch tham quan thì chúng ta có khả năng sẽ thêm được một đêm khách lưu trú qua đêm”...

Câu chuyện của ông Độ khiến tôi nhớ lại lời kể của một tay buôn đồ cổ ở Hà Nội: Sở dĩ giá đồ cũ - cổ mấy năm nay có nhích lên là vì nhiều người bắt đầu thích trang trí nhà cửa, quán xá bằng những thứ vintage (đồ cũ, mang hơi hướng hoài cổ), người dân cũng bắt đầu ý thức được giá trị của những thứ “vứt đi”, cho nên không dễ dàng cho, biếu, tặng hoặc bán với giá đồng nát.

Trước đó, biết nhà ông Trần Văn Thụy (77 tuổi, xóm 7 Yên Mỹ) có chiếc chĩnh 6 tai được cho là có niên đại từ thế kỷ 17, nhiều tay buôn đồ cổ đã muốn mua nhưng ông Thụy không bán. Về sau, được vận động, ông Thụy đã tình nguyện hiến tặng cho bảo tàng.

Khi bảo tàng bắt đầu có khách viếng thăm, nhiều người dân bắt đầu lục tìm trong nhà, kho những thứ đồ cao tuổi đem tặng. Bà Huệ kể: chiếc mâm gỗ hình chữ nhật có từ thế kỷ 19 là của gia đình cụ Đặng Văn Quế ở xóm 2 sử dụng trong giỗ chạp; chiếc điếu bát hút thuốc lào hơn trăm tuổi là của cụ Thọng (hơn 90 tuổi) ở xóm 6; chiếc chum sành còn nguyên núm, nắp đậy là của gia đình ông Dạng ở xóm 9 có thể chứa được vài tạ thóc; cái cân 2 tạ chuyên dùng để cân lợn cung cấp cho chiến trường của nhà ông Trần Đình Lập; chiếc xe đạp Hữu Nghị được nhà nước bán phân phối cho ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ năm 1957 - 1960, trong thời chiến tranh, chiếc xe này được dùng làm xe thồ tải gạo vào chiến trường...

Vui chuyện, bà Huệ cầm một cái liễn sành men trắng hoa xanh giới thiệu: cái này là của nhà tôi, cũng hơn trăm tuổi rồi, từ lúc tôi về làm dâu (năm 1971) nhà đã dùng để đựng cơm mang ra đồng, sau thì dùng đựng mỡ, muối cà... nói chung rất đa năng!

Những ký ức lịch sử

Tôi không chắc bảo tàng làng Yên Mỹ đã được coi là bảo tàng nhỏ nhất nước chưa, nhưng so với nhiều bảo tàng tư nhân tôi đã từng đi qua như: bảo tàng Đồng Đình (Đà Nẵng), bảo tàng nhà Việt (Hội An), bảo tàng vũ khí (Vũng Tàu), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), bảo tàng Gốm cổ Gò Sành Vijaya - Bình Định (Bình Định), bảo tàng Kỷ vật chiến tranh (Nam Định)... thì quy mô hơn trăm mét vuông của nó đúng là bé hạt tiêu thật.

“Chim sẻ nhỏ nhưng ngũ tạng đều đủ”, bảo tàng làng Yên Mỹ đã tái hiện được phần nào tập tục sinh hoạt của người dân ở đây từ nhiều thế kỷ trước.

Ông Đô kể: “Làng tôi xưa kia giống như ốc đảo, một năm có ba tháng lụt lội chìm trong nước nên nhà nào cũng có thuyền, đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ đều biết đánh bắt cá”. Đó là lý do vì sao ở góc trưng bày có thuyền thúng, thuyền to, trong những dụng cụ sinh hoạt có vô vàn đơm, đó, giỏ, lưới...

“Trong trường hợp Nhà Truyền thống không kịp xây dựng thì chỉ độ dăm ba chục năm nữa, làng quê ở đây sẽ hoàn toàn đô thị hóa. Tất cả đều là nhà cao tầng và phố xá thì những hiện vật sành sứ, đồ gốm, các nông cụ sẽ bị người dân vứt đi. Các thế hệ mai sau cũng dần mất đi những ký ức về đời sống sinh hoạt của cha ông mình. Vì vậy, nhờ những hiện vật này, các cháu sẽ dễ mường tượng hơn về công lao của các thế hệ đi trước”, ông Độ chia sẻ.

Hiện nay, một số trường học trong vùng đã đưa việc tham quan Nhà truyền thống làng Yên Mỹ vào lịch sinh hoạt ngoại khóa để qua đó giáo dục truyền thống cho học sinh.

MỚI - NÓNG
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
Nơi vua Hàm Nghi ban tặng nhiều bảo vật
TPO - Quần thể Di tích quốc gia thành Sơn Phòng, đền Trầm Lâm và đền Công Đồng tại xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của vua Hàm Nghi. Đặc biệt nơi đây còn lưu giữ nhiều “bảo vật” nhà vua ban tặng.

Có thể bạn quan tâm

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

Trẻ em dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 phải được dạy Tiếng Việt

TPO - Thông tư mới của Bộ GD&ĐT quy định, dạy Tiếng Việt cho trẻ em là người dân tộc thiểu số trước khi vào lớp 1 nhằm mục tiêu chuẩn bị tâm thế sẵn sàng, chủ động cho trẻ trong học tập, hình thành kĩ năng học tập cơ bản và năng lực sử dụng Tiếng Việt, kĩ năng giao tiếp, ứng xử xã hội cho trẻ.
Đan Viện Châu Sơn

Chiều buông Đan viện Châu Sơn

TP - Đã bao năm thênh thang vo vo bánh xe lăn những Quốc lộ số 1, đường Hồ Chí Minh và cao tốc đã khiến tôi bỏ bẵng đi xứ Nho Quan của đất Ninh Bình này. Mà đâu phải xứ lạ? Nho Quan kề ngay địa đầu phía Bắc của xứ Thanh chỉ cách Thành Nhà Hồ Vĩnh Lộc quê tôi vài chục cây số!
Các thành viên của Ethnicity trong một chuyến thực tế về địa phương

Dệt thổ cẩm bằng công nghệ số

TP - Yêu văn hóa dân tộc theo cách riêng, một nhóm bạn trẻ đã nhiệt huyết “dệt” hàng ngàn mẫu hoa văn thổ cẩm của người dân tộc thiểu số bằng công nghệ số. Và từ đây, thổ cẩm Việt đã đi ra thế giới.