Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, những giờ qua, bão số 4 mạnh thêm, diễn biến phức tạp. Dự báo trong 24h tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, từ đêm nay (16/8), vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An.
Trước tình hình đó, các địa phương đang khẩn trương lập ra nhiều phương án, để chủ động chống bão số 4, hạn chế thiệt hại ở mức tối đa.
Ở Hà Nội, lãnh đạo thành phố yêu cầu các cơ quan liên quan ứng trực, chuẩn bị các phương án tại chỗ (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) và “5 không” (không để dân đói, dân khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh và không đuối nước).
Phía công ty Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt, chuẩn bị máy bơm di động sẵn sàng bơm bước ra khỏi các khu vực bị ngập, đồng thời tổ chức nạo vét, thanh thải dòng chảy ở khu vực này. Bên cạnh đó, đơn vị huy động 100% quân số ứng trực với phương tiện kỹ thuật sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có mưa bão.
Công ty Công viên Cây xanh Hà Nội cũng huy động 100% lực lượng thực hiện kiểm tra, chằng chống, gia cố các cây lâu năm, quý hiếm và mới trồng trong các vườn hoa, công viên. Đồng thời, Công ty chỉ đạo nhân viên thường xuyên tuần đường để phát hiện kịp thời các cây nghiêng, sâu mục, nguy hiểm để có biện pháp xử lý nhanh.
Trong sáng nay, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ (Hà Nội)đã cùng các đơn vị chuyên môn của huyện tiến hành kiểm tra những vị trí xung yếu trong trận mưa ngập vừa qua để có biện pháp khắc phục kịp thời, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các xã của huyện trong trường hợp sông Bùi dâng.
Huyện Chương Mỹ cũng yêu cầu các đơn vị liên quan trực 24/24 giờ với 100% quân số, chủ động ứng phó với những trận mưa lớn có thể xảy ra trong đêm 16 và rạng sáng 17/8, thực hiện phương án 4 tại chỗ để bảo vệ an toàn đê tả Bùi. Các địa phương khác như Quốc Oai, Mỹ Đức, Thạch Thất... cũng đã lập kế hoạch ứng phó với bão số 4.
Không chỉ Thủ đô, các tỉnh dự kiến bị ảnh hưởng trực tiếp từ bão số 4 cũng đã chủ động đối phó.
Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đã yêu cầu các địa phương ven biển thực hiện cấm biển từ 5 giờ ngày 16/8, và khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh, trú an toàn.
Các huyện, thành phố, sở, ngành trong tỉnh tập trung ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ;” theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng, tránh.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, đến tối 15/8 đã có trên 1.380 tàu thuyền với hơn 3.700 lao động trong tổng số trên 2.100 tàu thuyền và trên 5.700 lao động của tỉnh Nam Định vào neo đậu tại các khu tránh, trú an toàn.
Hiện lực lượng chức năng tỉnh Nam Định đang khẩn trương thông báo, kêu gọi gần 1.300 lao động nuôi ngao ở khu vực ven biển của tỉnh vào bờ.
Cùng ngày, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình đã có Công điện số 7 chỉ đạo ứng phó bão.
Tỉnh Ninh Bình tập trung thực hiện các nội dung như nghiêm cấm không cho tàu, thuyền ra khơi; kêu gọi tàu, thuyền, các phương tiện đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn xong trước 16 giờ ngày 16/8; triển khai phương án di dân khu vực gần đê, vùng thấp trũng có nguy cơ sạt lở đất đến nơi tránh trú an toàn; huy động lực lượng, phương tiện tổ chức chặt tỉa cành cây, chằng chống, gia cố nhà cửa, biển hiệu, đảm bảo an toàn cho công trình đang xây dựng, kho tàng, bến bãi, hàng hóa, trường học, bệnh viện, trạm y tế...
Phía điện lực tỉnh đã kiểm tra, đảm bảo an toàn hệ thống đường dây truyền tải điện, đảm bảo cung cấp điện bơm tiêu úng và an toàn điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hoá đang hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây, đồng thời đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển….
Đối phó với bão số 4, tỉnh cũng đang sẵn sàng phương án sơ tán đối với các hộ đang sống tại các khu vực nguy hiểm, ven sông suối, vùng trũng thấp, khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất. Đồng thời, tổ chức cắm biển cảnh báo và tuần tra, canh gác các khu vực ngầm tràn, đường bị ngập sâu, khu vực bị sạt lở và nghiêm cấm người dân vớt củi khi có lũ.