Bão số 11 gây thiệt hại nặng nề, 90 người chết

Bão số 11 gây thiệt hại nặng nề, 90 người chết
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, tính đến chiều 4/11, con số người thiệt mạng do cơn bão số 11 đã lên tới 90 người, nặng nhất là Phú Yên có tới 65 người.
Bão số 11 gây thiệt hại nặng nề, 90 người chết ảnh 1
Lực lượng cứu hộ đưa trẻ em vùng lũ qua nóc nhà, về nơi an toàn. Ảnh: Dương Thanh Xuân.

Nếu như ngày 3/11, các địa phương phía bắc tỉnh Phú Yên gồm thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, Đồng Xuân là điểm nóng của lũ lụt thì hôm nay, cả một vùng hạ lưu sông Ba rộng lớn, trong đó có cả thành phố Tuy Hoà đã bị ngập trong nước lũ.

Đợt lũ này, theo người dân địa phương là không hề thua kém trận lũ lịch sử 1993 ở tỉnh Phú Yên. Như vậy, sau bão số 11, lũ lụt hoành hành trong nhiều ngày qua trên khắp địa bàn tỉnh Phú Yên đã đẩy cuộc sống người dân vào tình cảnh hết sức nan giải. Lương thực cứu đói là điều cần nhất lúc này.

Mức độ xả lũ của thuỷ điện Sông Ba hạ từ chỗ 9 ngàn m3/s, ngày 3/11 đã lên đến 11 ngàn 9 trăm m3/s trong ngày 4/11. Hàng loạt khu dân cư ven hạ lưu sông Ba từ đêm hôm qua đến giờ chỉ còn lại những mái nhà. Do lực lượng cứu hộ trong những ngày qua tập trung ở các địa phương phía bắc tỉnh Phú Yên nên từ lúc xảy ra ngập lụt vùng hạ lưu sông Ba, việc triển khai ứng cứu gặp nhiều trở ngại. Bằng lực lượng, phương tiện tại chỗ, người dân đã di dời đến những ngôi nhà cao trong vùng.

Tại nhiều xã ven sông Ba, hàng ngàn hộ dân suốt đêm hôm qua (3/11) và cả ngày 4/11 phải chống chọi với nước lũ. Nơi ở là những mái nhà, không nước uống, không thức ăn. Là vùng lúa trù phú, nhà nào cũng có lúa gạo nhưng tất cả đều bị ngập nước, nhà có gạo cũng không thể nấu được bữa cơm.

Thiếu lương thực đã bắt đầu xảy ra gay gắt trong ngày 4/11. Những ca nô cứu trợ lương thực chưa thể đi khắp hết tất cả các gia đình bởi ngập lụt xảy ra trên diện rộng. Trong chiều 4/11, nhiều người dân ở Hoà Trị, Hoà An huyện Phú Hòa vẫn còn trên mái nhà chờ đợi mì tôm cứu trợ.

Tại thành phố Tuy Hòa, tất cả các tuyến đường đều bị ngập nước. Giao thông trong thành phố đình trệ. Chợ trung tâm thành phố Tuy Hoà phải chuyển về vị trí khác, cao hơn nhưng nước lụt cũng đã tràn đến. Cuộc sống của người dân bị xáo trộn, thiệt hại kinh tế không thể tính hết khi chiều 3/11 nước lũ lên nhanh và suốt cả tối qua đến giờ, nếu có di dời hàng hóa cũng không thể thực hiện được. Tất cả mọi người đều sống trong âu lo, chờ mong nước lũ giảm bớt nhưng nước sông Ba xuống chậm .

Tại huyện Tuy An, Đồng Xuân và thị xã Sông Cầu, điểm nóng của mưa lũ trong ngày hôm qua, đến trưa nay, nước lũ đã giảm nhưng hàng ngàn người dân vẫn chưa thể về nhà. Trong khi đó vùng hạ lưu sông Ba lại xảy ra tình trạng ngập lụt, nhiều khu dân cư lại cô lập. Nơi này phải lo khắc phục hậu quả lũ lụt, nơi khác phải lo đối phó với tình trạng chia cắt bởi nước lũ.

Vấn đề cấp thiết hiện nay ở tỉnh Phú Yên là làm sao ổn định cuộc sống của người dân vùng lũ lụt, cả những vùng nước đã rút cũng như những vùng đang bị cô lập bởi nước lũ.

Trong ngày 3/11, công tác cứu trợ đã được triển khai tại các vùng lũ lụt tỉnh Phú Yên. Tuy nhiên, việc cứu trợ vẫn còn chậm vì nhiều tuyến đường về các xã hiện vẫn còn chia cắt. Trước khi hàng cứu trợ đến, với phương châm 4 tại chỗ, các địa phương chủ động xuất lương thực trợ giúp các gia đình vùng lũ.

Như vậy là cơn bão số 11 đã đi qua, vấn đề hiện nay là cứu trợ người dân vùng bão. Ngay từ 9h ngày 4/11, những chuyến hàng cứu trợ đầu tiên bắng đường hàng không đã đến được với người dân vùng bị ngập lụt ở tỉnh Phú Yên.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương Cao Đức Phát cùng lãnh đạo tỉnh Phú Yên đã trực tiếp chỉ đạo và thị sát việc cứu trợ cho nhân dân.

Tại Khánh Hoà, toàn tỉnh đã có 12 người chết, 1 người mất tích, 9 người bị thương và hàng trăm ngôi nhà bị sập và tốc mái do mưa lũ. Đường giao thông lên huyện miền núi Khánh Sơn bị chia cắt hoàn toàn khiến địa phương này bị cô lập. Từ đêm qua, nước lũ thượng nguồn đổ về kết hợp với triều cường đã làm cho nhiều địa phương trong tỉnh Khánh Hòa tiếp tục bị ngập nặng nằm trong vùng nguy hiểm. Nhiều nơi người dân phải dùng xuống để làm phương tiện đi lại, ngay cả ở khu vực nội thành Nha Trang. Lực lượng công an và cảnh sát giao thông đã có mặt để triển khai phương án cứu dân ở những vùng nước lũ dâng cao, tiếp tục di dời các hộ dân đến nơi an toàn. Tuy nhiên do nước chảy siết nên việc cứu hộ gặp nhiều khó khăn.

Bão số 11 cũng gây mưa lớn trên diện rộng tại Ninh Thuận, 1 người đã bị lũ cuốn trôi khi đi rẫy về, hàng trăm ha hoa màu, nhà cửa của người dân bị ngập chìm trong nước, nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Thực hiện phương châm 4 tại chổ, ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã huy động mọi lực lực lượng tập trung khắc phục hậu quả di dời được hơn 1nghìn hộ dân đến nơi an toàn, làm vệ sinh môi trường và cấp thuốc khử trùng Cloramin giúp nhân dân có nguồn nước sạch để sinh hoạt. Tuy nhiên, đến trưa nay, nhiều vùng trũng trong tỉnh vẫn còn bị ngập sâu trong nước.

Bão số 11 đổ bộ vào các huyện phía đông của tỉnh Gia Lai với những cơn mưa lớn gây nên lũ dữ đã làm 3 người chết, nhấn chìm hàng ngàn ngôi nhà của người dân ở 5 huyện phía Đông Nam tỉnh Gia Lai. Đặc biệt xã Ia Broai của huyện Ia Pa đã bị cô lập hoàn toàn, hệ thống giao thông, liên lạc bị cắt đứt. Trận lũ lịch sử này đã gây ra thiệt hại nặng nề cho người dân ở đây.

Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đã huy động mọi lực lượng có mặt tại hiện trường để cứu đói, cứu dân ra khỏi vùng nguy hiểm, cơ bản di dời hết hơn 3000 hộ dân mắc kẹt tại vùng lũ đến nơi an toàn. Hiện, công tác tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa bão vẫn đang triển khai khẩn trương để người dân không bị đói và rét.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.