Bão qua, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc

Người dân TP Móng Cái trở về nhà sau bão tỏ ra vui mừng vì thiệt hại ít. Ảnh: Đỗ Hoàng
Người dân TP Móng Cái trở về nhà sau bão tỏ ra vui mừng vì thiệt hại ít. Ảnh: Đỗ Hoàng
TP - Chiều 19/7, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư cho biết, sau khi đổ bộ vào khu vực Móng Cái (Quảng Ninh), giáp biên giới Việt - Trung, bão số 2 đi sâu vào các tỉnh miền núi Bắc bộ, rồi suy yếu và tan dần. 

Tuy nhiên, bão sẽ gây một đợt mưa lớn ở các tỉnh miền Bắc, nhất là các tỉnh vùng núi, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng rất cao. Đến chiều qua, một số khu vực ở đông bắc đã mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến 10-70 mm. Một số nơi có mưa lớn trong 12 giờ như: Đình Lập (Lạng Sơn) 107mm, Sơn Động (Bắc Giang) 109mm, riêng Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 350mm (trong 16 giờ).

Trong khi đó, trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình có khả năng xuất hiện đợt lũ, với biên độ ở thượng lưu lên từ 2-6m, hạ lưu 2-4m. Đáng lưu ý, các sông nhỏ vùng núi thuộc tỉnh Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai có khả năng lên mức báo động 2 đến báo động 3.

Theo UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết lúc 6 giờ sáng 19/7, bão số 2 đã đổ bộ vào khu vực biên giới Việt Trung giữa TP Móng Cái và TP cảng Phòng Thành (Trung Quốc) với sức gió giật cấp 10 sau đó suy yếu và đi sâu vào đất liền.

Mặc dù bão không đổ bộ trực tiếp nhưng TP Móng Cái và một số huyện lân cận cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gió lớn kèm màn mưa dày đặc, nhiều mái tôn bị tốc, nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy đổ. UBND tỉnh Quảng Ninh ước tính con số thiệt hại do bão số 2 thống kê tới trưa 19/7 là 2 tỷ đồng.

Ngay sau khi cơn bão đi qua, UBND tỉnh Quảng Ninh đã có công điện chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục kiểm tra thực tế tại các khu dân cư xác định thiệt hại do bão gây ra, huy động lực lượng giúp dân sửa nhà ổn định cuộc sống sau bão.

Trước dự báo sau bão có mưa lớn, có thể gây lũ trên các sông suối khu vực đầu nguồn, tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương chủ động đối phó, kiên quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu trong mọi tình huống. Đồng thời, nhanh chóng thu dọn, giải tỏa ách tắc giao thông do mưa bão, đảm bảo giao thông thông suốt. 

Bão qua, đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc ảnh 1

Người dân Hạ Long chằng buộc tàu thuyền đề phòng lũ lên cao. Ảnh: Thành Duy

Cả ngày 19/7 tại 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có mưa rất to, kèm lốc, gió lớn. Cụ thể, ở huyện Đình Lập (tiếp giáp tỉnh Quảng Ninh) lượng mưa là 49mm; khu vực Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình, lượng mưa 65mm, gió mạnh cấp 6, giật cấp 9.

Đến buổi chiều, ở TP Lạng Sơn có nhiều cây xanh ngã đổ, nhà cửa hư hại; tại khu Vườn Sái (thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc), nước tràn dâng cao, cô lập một số nơi; các ngành chức năng đã có mặt kịp thời giúp bà con khắc phục hậu quả mưa bão, sơ tán người, tài sản đến những nơi an toàn.

Do mưa to nên các tuyến đường đến khu vực cửa khẩu có hiện tượng ngập úng, lượng người và hàng hoá qua biên giới có giảm sút so với ngày thường.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Hoàng Thái, Giám đốc Sở NN&PTNT Cao Bằng cho biết, từ chiều 19/7, ở tỉnh này có mưa lớn, và mưa dai dẳng, có thể kéo đến ngày 20/7. Đến chiều qua, Cao Bằng vẫn chưa có sự cố đáng tiếc do mưa lũ.

Tuy nhiên, theo ông Thái, nếu tiếp tục mưa, nguy cơ về lũ ống, lũ quét, sạt lở sẽ rất cao, nhất là các vùng núi có suối, máng trượt dài…Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cũng yêu cầu 13 huyện thị, thành phố tổ chức túc trực 24/24, sẵn sàng vật lực, phản ứng nhanh khi có sự cố. Tỉnh cũng cho kiểm tra, rà soát các phương án mưa lũ lớn ở các công trình, hồ đập; có phương án di dời dân ở những nơi nguy hiểm.

Trong khi đó, tại Hà Giang, lãnh đạo tỉnh này đã yêu cầu các huyện thị duy trì chế độ trực sẵn sàng với các lực lượng quân sự, công an, các đội xung kích. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang Nguyễn Minh Tiến yêu cầu, nếu xảy ra sạt lở gây thiệt hại về tài sản và con người mà chưa có cảnh báo, chưa triển khai phòng chống, thì chủ tịch huyện, thành phố đó và các thành viên liên quan phải chịu trách nhiệm. 

Theo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, đến 17 giờ hôm qua, chưa có thiệt hai về người do bão. Tại Quảng Ninh có 2 nhà bị đổ, hơn 60 nhà tốc mái, hỏng 3 trạm biến áp, hư hỏng 2 ha mía, đỗ gẫy hơn 1.000 cây ăn quả. Các địa phương (Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) đã tổ chức sơ tán gần 7.800 hộ, với hơn 28.800 người. 

Hiện lực lượng quân đội duy trì gần 32.000 người, trên 1.300 phương tiện sẵn sàng tham giam cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xấu. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc cần theo dõi chặt chẽ, cập nhật diễn biến mưa do hoàn lưu bão và tình hình lũ trên các sông Thao, sông Lô, sông Cầu, sông Lục Nam, sông Thương; sẵn sàng phối hợp với các đơn vị quân đội ứng cứu người dân khi có lũ quét, sạt lở đất.

Khu vực nguy cơ lũ quét và sạt lở đất cao: Bắc Kạn (huyện Pác Nặm, Ba Bể, Bạch Thông - thị xã Bắc Kạn); Cao Bằng (huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc); Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng, Đình Lập, Lộc Bình và Cao Lộc); Quảng Ninh (huyện Móng Cái, Hải Hà và Bình Liêu); Hà Giang (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Vị Xuyên - thành phố Hà Giang, Yên Minh, Bắc Mê); Lào Cai (huyện Bắc Hà, Bát Xát, Mường Khương, Văn Bàn, Sa Pa); Yên Bái (huyện Mù Căng Chải, Văn Chấn, Yên Bình, Lục Yên, thành phố Yên Bái); Lai Châu (huyện Mường Tè, Phong Thổ, Sìn Hồ và Tam Đường).

MỚI - NÓNG