Chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân:

Bao nhiêu trường hợp luân chuyển 'tiểu ngạch' như Trịnh Xuân Thanh?

Đại biểu Ngô Văn Minh (trái) đã có những chất vấn nảy lửa về công tác cán bộ đối với Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân (phải). Ảnh: Như Ý.
Đại biểu Ngô Văn Minh (trái) đã có những chất vấn nảy lửa về công tác cán bộ đối với Bộ trưởng Nội Vụ Lê Vĩnh Tân (phải). Ảnh: Như Ý.
TP - Chiều 16/11, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho rằng, vụ việc Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang là việc “tày trời”, một mình ông Thanh không thể làm nổi. Ông Minh đề nghị cho biết, có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo con đường “tiểu ngạch” như ông Trịnh Xuân Thanh.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân “nóng” lên ngay từ đầu, với những câu hỏi dồn dập của đại biểu về tình trạng bổ nhiệm người nhà, bổ nhiệm cán bộ cuối nhiệm kỳ… “Thời gian qua cụm từ “đúng quy trình” đang bị lợi dụng, làm bàn đỡ, rèm che bảo hộ cho một số lãnh đạo suy thoái thực hiện thành công việc chọn người nhà mà không chọn người tài. Điều này đã gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của cử tri, người dân trong việc đề bạt và bổ nhiệm cán bộ. Đề nghị bộ trưởng cho biết rõ giải pháp khắc phục tình trạng trên”, ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu câu hỏi.

Một cơ quan, hai lần bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga chất vấn về trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong việc kiểm tra tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cán bộ diễn ra vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ. Bà Nga cho biết, cách đây 4 tháng đã trực tiếp ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Nội vụ đề nghị chỉ đạo kiểm tra. Tuy nhiên, đến nay bà vẫn chưa nhận được câu trả lời từ Bộ Nội vụ. Bà Nga đề nghị cho biết rõ, có tình trạng trên không, trách nhiệm của bộ trưởng đến đâu? Và khi nào Bộ Nội vụ sẽ gửi báo cáo trả lời về thực trạng trên?

Bao nhiêu trường hợp luân chuyển 'tiểu ngạch' như Trịnh Xuân Thanh? ảnh 1

ĐB Lê Thị Nga chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tình trạng bổ nhiệm ồ ạt cuối nhiệm kỳ, gây bức xúc dư luận.

Giải đáp các nội dung trên, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói, đã rà soát tình trạng bổ nhiệm người nhà ở 9 địa phương và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Bộ Nội vụ cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh phải thực hiện đúng tiêu chuẩn, điều kiện và quy trình bổ nhiệm cán bộ. Đối với những trường hợp bổ nhiệm không đúng, theo ông Tân, cần phải rút lại quyết định bổ nhiệm.

Đối với việc bổ nhiệm cán bộ ồ ạt cuối nhiệm kỳ, ông Tân thừa nhận, có hiện tượng đó. Tuy nhiên, vị bộ trưởng này cho rằng, cần phải có thời gian để làm rõ việc bổ nhiệm đúng, sai ra sao. Không hài lòng với câu trả lời, bà Nga “truy” rằng, có những cơ quan, liên tiếp ở hai thời điểm cuối nhiệm kỳ đều xảy ra chuyện bổ nhiệm ồ ạt và dư luận cũng đã đề cập khá rõ. Hơn nữa, 4 tháng là đủ điều kiện để tiến hành thanh tra và kết luận. “Tôi đề nghị bộ trưởng tổ chức thanh tra ngay và trả lời cho cử tri, đại biểu Quốc hội biết”, bà Nga nói. Đến lúc này Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân mới “hứa” là trong ngày 17/11,  Bộ Nội vụ sẽ gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm cuối nhiệm kỳ cho ĐB Lê Thị Nga.

Bao nhiêu trường hợp luân chuyển 'tiểu ngạch' như Trịnh Xuân Thanh? ảnh 2

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của đại biểu. Ảnh: Như Ý.

Về hưu không có nghĩa là “hạ cánh an toàn”

Đề cập việc xử lý nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, ĐB Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) đề nghị cho biết, hình thức xử lý để bảo đảm nghiêm minh, đúng quy định của pháp luật. Ông Tùng cũng lưu ý, đây là trường hợp rất đặc biệt, vì ông Vũ Huy Hoàng đã được Quốc hội khóa XIII miễn nhiệm chức danh bộ trưởng từ tháng 4/2016. Hiện, ông Hoàng không còn là cán bộ theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và các luật có liên quan.

Thừa nhận đây là vấn đề khó, chưa có trong tiền lệ nhưng Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sẽ phối hợp cùng cơ quan chuyên môn để tham mưu cho Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng đoàn Quốc hội có biện pháp để xử lý về mặt hành chính, để thể hiện quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu, nếu có sai phạm cũng phải có hình thức xử lý, chứ không phải sai phạm rồi mà nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”. “Đây là biện pháp để cảnh báo  những người còn đang tại chức”, ông Tân nói.

Tuy nhiên, một lần nữa ông Tân thừa nhận “đây là vấn đề khó, vấn đề mới mà pháp luật chưa có quy định” nên phải tạo một cơ sở pháp lý để giải quyết những trường hợp sau này nếu có xảy ra. Do đó, dù Luật Cán bộ công chức chưa quy định vấn đề xử lý đối với cán bộ hưu trí, nhưng theo khẳng định của ông Tân, các cơ quan chức năng sẽ có những văn bản để xử lý trước mắt những cán bộ vi phạm đã nghỉ hưu. “Bộ Nội vụ sẽ làm công tác tham mưu cho Ban cán sự Đảng Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xử lý đối với các đồng chí đã nghỉ hưu mà vi phạm”, ông Tân nói.

Chờ đợi câu trả lời về vụ Trịnh Xuân Thanh

Dẫn lại vụ việc đề xuất phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động cho Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), ĐB Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp đề nghị Bộ trưởng Tân cho biết kết quả xử lý như thế nào đối với cán bộ phụ trách công tác thi đua khen thưởng.

Bao nhiêu trường hợp luân chuyển 'tiểu ngạch' như Trịnh Xuân Thanh? ảnh 3

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị cho biết có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo con đường “tiểu ngạch” như trường hợp Trịnh Xuân Thanh.

Cùng chung vụ việc, ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nhận định, một mình ông Trịnh Xuân Thanh không thể làm được chuyện “tày đình” đó. “Đề nghị bộ trưởng cho biết, nguyên nhân cốt lõi, trách nhiệm chính yếu của Bộ Nội vụ, từ chuyện tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động cho PVC, đến việc ông Trịnh Xuân Thanh được đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển về làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cũng như công tác quản lý cán bộ như thế nào để ông này khi bị khởi tố ra đi một cách êm ả, nhưng đủ chấn động dư luận trong thời gian qua”, ông Minh nêu câu hỏi.

Ông Minh cũng đề nghị, Bộ trưởng Tân cho biết hiện nay có bao nhiêu trường hợp luân chuyển theo đường “tiểu ngạch” như ông Trịnh Xuân Thanh? Có văn bản nào quy định về kiểu luân chuyển này không? Thực tế của tình hình này hiện nay ra sao và giải pháp xử lý trong thời gian tới?

Ông Minh cũng đề nghị Bộ trưởng Công an trả lời về trách nhiệm của bộ trong việc theo dõi, giám sát, quản lý đối tượng để ông Trịnh Xuân Thanh lặng lẽ ra đi, rồi phải phát lệnh truy nã kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Do thời gian của phiên chất vấn đã hết nên sáng nay (17/11), Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân sẽ trả lời các câu hỏi mà đại biểu đã đặt ra, trong đó có câu hỏi của ĐB Ngô Văn Minh.

MỚI - NÓNG