Báo Nga: Ấn Độ sẽ được Nga giao hệ thống phòng không S-400 vào cuối năm nay

0:00 / 0:00
0:00
Một hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của trung đoàn tên lửa phòng không Red Star Order số 210 của Không quân Nga. Ảnh: ITAR-Tass / Stanislav Krasilnikov
Một hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf của trung đoàn tên lửa phòng không Red Star Order số 210 của Không quân Nga. Ảnh: ITAR-Tass / Stanislav Krasilnikov
TPO - Nga được nói là sẽ chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 cho Ấn Độ vào cuối năm, và việc này có nguy cơ dẫn đến việc New Delhi trở thành mục tiêu của các lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Hãng tin Interfax của Nga đưa tin nước này sẽ bắt đầu cung cấp cho Ấn Độ các hệ thống tên lửa đất đối không S-400 vào quý 4 năm nay. Đầu năm nay, các chuyên gia Ấn Độ đã đến Nga và bắt đầu được huấn luyện với chuyên gia quân đội Nga để vận hành S-400.

Interfax dẫn lời Giám đốc điều hành Alexander Mikheev của công ty xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport nói rằng việc chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf cho Ấn Độ sẽ bắt đầu vào tháng 10-12 năm nay.

"Mọi thứ đang diễn ra theo đúng lịch trình", ông Mikheev tuyên bố.

Năm 2018, Ấn Độ đã ký một thỏa thuận trị giá 5 tỷ USD với Nga để mua hệ thống tên lửa phòng không S-400, dẫn đến những cảnh báo về các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Sau đó, Ấn Độ đã đưa ra khoản thanh toán ban đầu 800 triệu USD vào năm 2019.

Một quan chức cấp cao của Không quân Ấn Độ (IAF) nói rằng một hệ thống S-400 “cho phép bạn kiểm soát toàn bộ các mối đe dọa trên không” và IAF đã đề xuất mua S-400 bất chấp nguy cơ bị trừng phạt.

Năm ngoái, Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì việc mua hệ thống phòng thủ S-400 vào năm 2017. Mỹ cho biết họ sẽ cấm ban hành mọi giấy phép xuất khẩu đối với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và từ chối bất kỳ yêu cầu thị thực nào đối với chủ tịch cơ quan Công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir.

Moscow lên án động thái này, gọi các biện pháp trừng phạt là "bất hợp pháp" và "biểu hiện thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế”.

S-400 Triumf là hệ thống tên lửa phòng không được thiết kế để vô hiệu hóa máy bay và tên lửa bay tới, cũng như các mục tiêu mặt đất.

Hệ thống bao gồm các loại tên lửa phòng không 48N6E3 (48N6E2), 40N6E, 9M96E2 và hệ thống điều khiển 30K6E.

Hệ thống phòng thủ này có thể tiêu diệt các mục tiêu trong khoảng cách từ 3.000 đến 3.500 km.

Tháng 12 năm 2020, Moscow lên án lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì việc mua tên lửa của Nga. Trong năm đó, Nga đã chuyển giao hệ thống phòng không S-400 cho Ankara, bất chấp cảnh báo rằng hệ thống này không tương thích với tư cách thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov khi đó đã lên án các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ về việc mua tên lửa phòng không S-400 của Nga, nói chúng "bất hợp pháp".

"Tất nhiên, đây là một biểu hiện khác của thái độ ngạo mạn đối với luật pháp quốc tế, một biểu hiện của các biện pháp cưỡng chế đơn phương, phi pháp mà Mỹ đã sử dụng trong nhiều năm, hàng thập kỷ, ngang trái", ông Lavrov nói khi đó.

"Và, tất nhiên, điều này không làm tăng thêm uy tín của Mỹ trên trường quốc tế với tư cách là một bên tham gia có trách nhiệm ... bao gồm cả trong lĩnh vực hợp tác quân sự-công nghệ", ông Lavrov nói thêm.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các lệnh trừng phạt của Mỹ là "không công bằng" và thay vào đó kêu gọi "đối thoại và ngoại giao".

Thông tin Ấn Độ sắp nhận hệ thống phòng không S-400 hiện đại xuất hiện trong lúc có tin nói Trung Quốc cũng vừa đưa lên biên giới Trung-Ấn nhiều tổ hợp phòng không liên hợp và củng cố các sân bay, cơ sở quân sự tại đây.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.