Báo Mỹ: Nỗi nhục lớn phía sau thảm họa ở New Orleans

Báo Mỹ: Nỗi nhục lớn phía sau thảm họa ở New Orleans
Thời báo New York số ra ngày hôm nay đã chỉ trích chính quyền Mỹ chậm trễ trong việc đối phó với trận bão Katrina và cho rằng phía sau thảm họa này là nỗi nhục về sự nghèo đói ở Mỹ.
Báo Mỹ: Nỗi nhục lớn phía sau thảm họa ở New Orleans ảnh 1

Cảnh khốn khổ của các nạn nhân bão Katrina liên tục xuất hiện trên truyền hình trong những ngày qua đã chứng tỏ: trẻ em đôi khi phải trả giá bằng chính mạng sống của mình chỉ vì chúng được sinh ra trong các gia đình nghèo khó, thậm chí là ở Mỹ.

Cảnh tượng đó cũng cho thấy sự miễn cưỡng hay sự thiếu khả năng của chính quyền Bush trong việc giúp đỡ những người Mỹ nghèo nhất.

"Những cảnh tượng ở New Orleans gợi nhớ lại những nỗi đau khổ mà tôi (tác giả bài báo) từng chứng kiến sau một trận bão tương tự cướp đi sinh mạng của 130.000 người ở Bangladesh năm 1991 - trừ việc chính phủ Bangladesh đã cho thấy họ khẩn trương hơn chính quyền Washington trong việc tìm cách cứu sống những công dân dễ bị tổn thương nhất của họ."

Nhưng bão Katrina cũng chứng tỏ một vấn đề khác còn lớn hơn nhiều: Số người Mỹ bị mắc vào vòng xoáy đói nghèo ngày một tăng lên. Và trong khi có thể là còn quá sớm để quy trách nhiệm một cách rạch ròi cho việc đối phó chậm chạp với trận bão, thì chính chính quyền của Tổng thống George W. Bush phải thừa nhận rằng tình trạng đói nghèo ở Mỹ đang trở nên tồi tệ hơn.

Cục Thống kê Mỹ cho biết, năm ngoái tỷ lệ đói nghèo lại tăng lên - thêm 1,1 triệu người Mỹ phải sống trong cảnh đói nghèo so với một năm trước đó. Sau khi tỷ lệ này giảm xuống một cách đáng kể trong thời Bill Clinton làm tổng thống, và tăng 17% trong thời George W. Bush.

"Nếu việc chúng ta phải ướp muối hay hun khói sấy khô những xác chết trên các đường phố New Orleans đã là đáng xấu hổ, thì thậm chí còn hổ thẹn hơn nữa khi tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh tại thủ đô của Mỹ cao gấp hai lần so với ở thủ đô của Trung Quốc", bài báo viết.

Điều đó là hoàn toàn chính xác - cứ một nghìn trẻ em được sinh ra ở Washington năm 2002 thì có tới 11,5 em bị tử vong, so với con số 4,6 ở Bắc Kinh.

Quả thực, theo Chương trình Phát triển Liên hợp quốc, một trẻ em Mỹ gốc Phi dưới một năm tuổi ở Washington có ít cơ hội sống sót hơn so với một em bé được sinh ra tại các khu đô thị thuộc bang Kerala của Ấn Độ.

Lần đầu tiên kể từ năm 1958, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh tính trên toàn quốc đã tăng trong thời Tổng thống Bush cầm quyền. Theo thống kê của Cục Tình báo Trung ương Mỹ, Mỹ xếp thứ 43 trên thế giới về tỷ lệ chết ở trẻ sơ sinh; nếu chúng ta có thể xếp ngang với Singapore (nước có tỷ lệ trẻ sơ sinh chết thấp nhất), chúng ta sẽ cứu sống được 18.900 trẻ em mỗi năm.

Báo Mỹ: Nỗi nhục lớn phía sau thảm họa ở New Orleans ảnh 2

Vì vậy, trong một chừng mực nào đó mà nói thì những trẻ em được sơ tán khỏi New Orleans lại là những em bé may mắn bởi vì chúng giờ đây có thể được kiểm tra sức khỏe và tiêm vắc-xin phòng bệnh. Nhưng trên phạm vi cả nước, 29% số trẻ em đã không có bảo hiểm y tế trong 12 tháng vừa qua, và nhiều em không được kiểm tra sức khoẻ và cũng không được tiêm vắc-xin. Mỹ đứng thứ 84 trên thế giới về việc tiêm phòng bệnh sởi và thứ 89 về việc tiêm phòng bệnh bại liệt.

Một vấn đề khác khiến dư luận thất vọng trong trận bão vừa qua là nạn cướp bóc.

"Tôi từng theo dõi để đưa tin trận động đất san phẳng phần lớn thành phố Kobe của Nhật Bản năm 1995 làm hơn 6.000 người thiệt mạng. Trong những ngày đó tôi đã tìm xem có bất cứ dấu hiệu phạm tội nào ở đó không, và cuối cùng tôi đã tìm được một người dân từng chứng kiến ba người ăn trộm thức ăn.

Tôi hỏi ông ta liệu ông có bối rối không khi thấy người Nhật Bản làm một việc tương tự. Ông ta nói một cách chắc chắn: “Không, ông hiểu nhầm rồi. Những tên kẻ cướp này không phải là người Nhật Bản. Chúng là người ngoại quốc”.

Những lý do lý giải cho vấn đề này là rất phức tạp và có phần mang yếu tố văn hóa, nhưng có một lý do không thể phủ nhận được là Nhật Bản đã nỗ lực hết sức để tìm cách đoàn kết tất cả người dân Nhật Bản lại với nhau trong kết cấu xã hội của mình.

Trái lại, Mỹ - đặc biệt là dưới thời của Tổng thống Bush – đã cắt đứt mọi người ra khỏi cái kết cấu xã hội đó một cách có hệ thống bằng cách phân phối lại của cải từ những người Mỹ dễ bị tổn thương nhất cho những người giàu có nhất.

Tiền công quỹ là để dành cho cuộc chiến của Mỹ ở Iraq chứ không phải là cho các nạn nhân ở New Orleans và tiền bạc rơi vào tay những người Mỹ giàu có nhất nhờ chính sách cắt giảm thuế chứ không phải là dành để tiêm chủng cho trẻ em.

Điều này cho thấy không phải dễ dàng để có được giải pháp giúp Mỹ giải quyết tình trạng đói nghèo. Như cựu Tổng thống Ronald Reagan từng nói: “Chúng ta mở cuộc chiến chống đói nghèo, nhưng đói nghèo đã chiến thắng”. Nhưng chúng ta không được bi quan như vậy – trong cuối những năm 1990, chúng ta đã đạt được tiến bộ thực sự.

Thảm họa ở New Orleans có thể sẽ là dịp giúp Mỹ nhìn nhận một cách nghiêm túc về tình trạng đói nghèo trên toàn quốc khiến cả nước phải bức xúc để từ đó có giải pháp chính trị khả thi. Đừng để có thêm nhiều trẻ em phải chết một cách vô ích mỗi ngày vì nghèo đói. Trận bão của sự nghèo đói là nỗi nhục còn lớn hơn cả bão Katrina.

MỚI - NÓNG