Báo Mỹ chỉ ra sai lầm lớn của Trung Quốc trong chiến tranh thương mại

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: TASS.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh. Ảnh: TASS.
TPO - Trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, giới tinh hoa chính trị của Trung Quốc mắc một sai lầm lớn: cho rằng Trung Quốc đã đạt được “sức mạnh tương đương”, tạp chí Mỹ Forbes ngày 7/9 dẫn lời các chuyên gia.

Một bài báo đăng trên số tháng 9 của tạp chí Mỹ Current History nhận định, sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã cho Trung Quốc “ấn tượng sai” rằng, họ đã đạt được “sức mạnh tương đương” với Mỹ và điều đó khiến giới chức Trung Quốc tự tin rằng, họ có thể đạt được một thỏa thuận “cùng thắng” với Washington.

Phía Trung Quốc cho rằng, mối quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Mỹ rất bền chặt, không thể tách rời, thể hiện qua con số thương mại hai chiều và đầu tư trị giá hàng trăm tỷ đô la mỗi năm. Nhiều quan chức Trung Quốc cho rằng, tuy Trung Quốc và Mỹ khác biệt về hệ thống chính trị và văn hóa nhưng “cặp vợ chồng hay cãi vã” này không thể “ly dị” vì mối quan hệ kinh tế quá bền chặt.

“Nhưng đó là một sai lầm lớn. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa một nền kinh tế mới nổi và một nước phát triển “đã chín muồi” còn lâu mới biến thành sức mạnh tương đương. Nền kinh tế mới nổi vẫn phải dựa vào hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu công nghệ để tăng trưởng”, Forbes dẫn lời giáo sư Panos Mourdoukoutas, Trưởng khoa Kinh tế Đại học LIU Post (Mỹ).

Theo ông Mourdoukoutas, một cuộc “ly dị” giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ đem lại hậu quả cho Mỹ nhưng sẽ tàn phá Trung Quốc nhiều hơn, ít nhất tại thời điểm này.

“Niềm tin rằng, một sự chia rẽ đơn phương của mối quan hệ cùng thắng này sẽ đem lại sự hủy diệt về kinh tế cho cả hai bên đã khiến Bắc Kinh quá tự tin rằng, Washington có thay đổi chính sách với Trung Quốc thì thay đổi đó cũng không quá lớn”, giáo sư Yang Xiangfeng viết trên Current History.

Và thế là chiến tranh thương mại bùng nổ và leo thang. “Nhiều quan chức và nhà phân tích Trung Quốc đã không nghiêm túc xem xét khả năng bùng nổ chiến tranh thương mại, chứ đừng nói tới việc chuẩn bị cho nó”, ông Yang nhận định.

Chiến tranh thương mại sẽ biến thành chiến tranh công nghệ và tiền tệ và điều này có nghĩa rằng, nếu Bắc Kinh không nhận ra họ chưa có sức mạnh tương đương với Washington thì cả hai bên sẽ khó đạt được thỏa thuận thương mại trong tương lai gần, giáo sư Mourdoukoutas nhận định.

Nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc, tăng trưởng GDP giảm

Ngân hàng đầu tư Nomura (trụ sở ở Tokyo, Nhật Bản) đã phân tích hơn 50 nhà sản xuất đã rời bỏ Trung Quốc để tránh mức thuế cao mà Tổng thống Mỹ Donald Trump áp với hàng Trung Quốc. Và Nomura nhận thấy, việc các công ty rời khỏi Trung Quốc có tác động lớn đối với nền kinh tế nước này, hãng tin Mỹ Fox News đưa tin ngày 6/9.

“Đó không chỉ là sự chuyển hướng thương mại ngắn hạn. Việc xây dựng lại sản xuất trung hạn cũng đã bắt đầu”, hai nhà phân tích của Nomura, Sonal Varma và Michael Loo, nhận định.

Chuyển hướng thương mại xảy ra khi các doanh nghiệp chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Xây dựng lại sản xuất là thiết lập các chuỗi cung ứng mới.

Các công ty rời khỏi Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất hàng điện tử, dệt may và thiết bị điện, đã và đang chuyển sang Việt Nam, Đài Loan, Thái Lan, Mexico, Mỹ... Hãng giày Steve Madden gần đây tuyên bố chuyển 30% sản xuất túi xách sang Campuchia, còn nhà sản xuất camera hành trình GoPro chuyển cơ sở sang Mexico.

Nhưng không chỉ có các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng rời khỏi thị trường này. Hãng điện tử TCL và nhà sản xuất sợi dệt Zhejiang Hailide New Material đang chuyển nhà máy sang Việt Nam, Fox News đưa tin.

Một số công ty như Lite-On Technology (Đài Loan) cho rằng, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang biến thành chiến tranh công nghệ, nên đây cũng là lý do nhiều doanh nghiệp rời bỏ Trung Quốc.

“Khi căng thẳng thương mại gia tăng và nhu cầu giảm thiểu rủi ro trở thành lý do chính để dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, một số công ty cho rằng, rủi ro an ninh mạng cũng là một nguyên nhân”, các nhà phân tích của Nomura nhận định.

Làn sóng ra đi của các công ty sẽ gia tăng áp lực cho Bắc Kinh để đạt được thỏa thuận thương mại khi đàm phán sẽ tiếp tục vào tháng 10 tới. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chỉ đạt 6,2% trong quý 2 năm nay và được dự báo tiếp tục giảm, đặc biệt khi chiến tranh thương mại kéo dài.

Tại Hong Kong, một nhóm nhà kinh tế thuộc bộ phận Merrill Lynch của ngân hàng đa quốc gia Bank of America, nói rằng, mức thuế cao mà Mỹ áp với hàng Trung Quốc sẽ có hiệu lực tới tận cuối năm sau nên tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm còn 5,7% vào năm 2020.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.