Bạo lực học đường: Sóng ngầm đang thành bão

Bạo lực học đường: Sóng ngầm đang thành bão
Nhiều người từng ví vấn nạn bạo lực học đường như những cơn sóng ngầm, bởi thỉnh thoảng đâu đó trong môi trường sư phạm lại dấy lên vụ học sinh gây hấn, hành hung lẫn nhau, thế nhưng những xô xát tưởng chừng như rất trẻ con ấy trong thời gian gần đây đã trở thành một hiện tượng nguy hiểm.
Bạo lực học đường: Sóng ngầm đang thành bão ảnh 1
Một vụ ẩu đả gần trường học

Việc hàng nghìn vụ học sinh đánh nhau mỗi năm và tính chất vụ việc ngày càng nặng tính "côn đồ" đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý và sức khoẻ, thậm chí cả tính mạng của học sinh.

Tội phạm vị thành niên

Ông Phùng Khắc Bình - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) - cho biết: Thống kê từ 38 Sở GD-ĐT gửi về Bộ từ năm 2003 đến nay có tới hơn 8.000 vụ học sinh tham gia đánh nhau và bị xử lý kỷ luật. Có thể thấy ngay một vài vụ việc nổi trội gây ầm ĩ dư luận gần đây.

Tại TPHCM, một nhóm nữ sinh đang học lớp 7 tại trường THCS Chu Văn An (Q.11 - TPHCM) đã nắm đầu, giật tóc và dùng cả lưỡi lam để hăm doạ bạn (nguyên nhân để "dằn mặt" vì học sinh này "nhiều chuyện, lẻo mép") trong khi rất nhiều học sinh khác đứng xem và dùng điện thoại di động để quay hình.

Những đối tượng hành hung, gây áp lực, đe dọa người khác không phải là HS cá biệt, không phải là nam sinh mà lại chính là cán bộ lớp, là những nữ sinh trong độ tuổi còn rất nhỏ và có sức học khá.

Tại sân trường Tân Bình (Tân Bình - TPHCM), chỉ vì xích mích trong quan hệ bạn bè, trường lớp, hai nam sinh lớp 9 của trường đã hẹn nhau "tính sổ" sau giờ học. Một trong hai HS đã chủ động cầm dao đâm vào ngực bạn sau khi cự cãi và lao vào đấm đá "đối thủ". Kết cuộc, một người tử vong và người kia đương nhiên phải đối mặt với bản án ghi tội danh cố ý giết người!

Khi nhận định về sự vụ này, thầy Đỗ Duy Bảo - người phụ trách kỷ luật của nhà trường - cho biết: "Dù trong nội quy của nhà trường có cấm học sinh mang hung khí vào trường, song trong thực tế vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của thầy cô bởi giáo viên không thể lục tung cặp sách của từng em. Và có làm như vậy thì cũng sẽ gây bất bình từ phía học sinh".

Ở HN, học sinh trả thù nhau bằng hung khí tại trường THPT Đại Mỗ (Từ Liêm). Câu chuyện được bắt đầu từ mâu thuẫn nhỏ của HS hai lớp 12A6 và lớp 12A5, chuyện bé ngày càng xé ra to khi HS sinh lớp 12A5 tập hợp khoảng chục người bạn mang dao và mã tấu "phục kích" nhằm trả thù nam sinh lớp 12A6 với nhiều đòn chí mạng khiến nạn nhân tử vong ngay tại chỗ do vết thương quá nặng.

TAND TP. Hà Nội mở phiên toà sơ thẩm vụ án hình sự đối với 10 bị cáo tuổi teen (lớn nhất SN 1988 và nhỏ nhất SN 1990) về tội giết người. Sau hai ngày xét xử, TAND TPHN đã kết thúc bằng tuyên phạt cho các bị cáo từ 6 đến 16 năm tù.

Tại miền Trung, nhiều vụ tụ tập đánh nhau hội đồng, dùng mã tấu, kiếm chém nhau cũng diễn ra với mật độ đáng báo động. Vụ một nam sinh tại Đà Nẵng bị đâm chết ngay cổng trường học còn đang nóng hổi thì lại thêm vụ 10 học sinh nữ trường PTTH Nguyễn Huệ, Kỳ Anh, Hà Tĩnh đã hùa nhau làm nhục em Dương Thị T, học sinh lớp 11K12 cùng trường. Sau trận đòn tập thể, em T. không chỉ bị chấn thương thân thể mà còn khủng hoảng về tinh thần.

Cần phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Bạo lực học đường: Sóng ngầm đang thành bão ảnh 2
Ẩu đả giữa hai nữ sinh

Tại Hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống, phòng chống tội phạm, bạo lực học đường do Bộ GD-ĐT tổ chức cuối năm 2009, Ông Phùng Khắc Bình cho biết, tình trạng học sinh phổ thông bỏ học (có trường hợp vẫn đang đi học) sống lang thang, thông qua Internet để kết thành băng nhóm sử dụng ma tuý, gây ra nhiều vụ gây rối trật tự xã hội, cướp tài sản có xu hướng tăng.

Thạc sĩ Đỗ Thị Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Môi trường và Các vấn đề xã hội - cho rằng thực trạng bạo lực học đường diễn ra một phần là do học sinh thiếu kỹ năng sống. Bà Hải cho hay: Khảo sát trên 1.000 học sinh, sinh viên cho thấy kết quả đáng giật mình. Có tới 95% các em nhận thức chưa đúng về kỹ năng sống; 77,7% chưa bao giờ được đào tạo tập huấn về vấn đề này; 76,4% rất cần được tập huấn, và hầu hết các em lúng túng khi xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống.

Nguyên Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM - thầy Nguyễn Văn Ngai - đưa ra quan điểm: Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, Sở đã yêu cầu các trường tăng cường công tác giáo dục đạo đức, nhân cách cho các em. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến những quan hệ về ứng xử với bạn bè, thầy cô.

Bên cạnh đó, Sở GDĐT cũng đề nghị nhà trường và phụ huynh có mối liên lạc chặt chẽ hơn để kịp thời phát hiện và xử lý những mâu thuẫn có thể dẫn đến xung đột trong học đường. Không chỉ thế, nhà trường cũng cần kết hợp với chính quyền địa phương nhằm xiết chặt tình hình trật tự an ninh trước cổng trường để hạn chế tình trạng các em đánh nhau bên ngoài trường học".

Còn ở vị trí của các chuyên gia tâm ly, TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TPHCM) khi đề cập đến vấn đề này đã nêu ý kiến: "Độ tuổi 15-18 đang là lứa tuổi dễ bị kích động, dễ bị lôi kéo nên người lớn sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thấu hiểu cũng như quản lý. Để giảm thiểu bạo lực học đường, rất cần có đội ngũ chuyên viên tư vấn chuyên trong lĩnh vực tâm lý học đường. Đây chính là những người giúp các em cân bằng và phát triển tâm sinh lý trong độ tuổi "nhạy cảm".

Bên cạnh đó, gia đình cũng cần hạn chế mức thấp nhất đối với các em từ những tác động tiêu cực ngoài môi trường sống, từ những game online hay các loại phim ảnh bạo lực, đầy rẫy những cảnh bắn giết...

Phòng hơn là Chống

Một trong những nguyên nhân khiến bạo lực học đường gia tăng là do chế tài xử lý học sinh vi phạm chưa thực sự có  những quy định hiệu quả, theo Phó Giáo sư Văn Như Cương, việc "nghiêm trị" là cần thiết, nhưng phải nghiên cứu hình thức kỷ luật sao cho vừa có tác dụng răn đe, vừa "mở lối" cho những học sinh vi phạm có cơ hội sửa mình, chứ không phải là không dạy được thì đuổi.

"Các nhà giáo dục kịch liệt phản đối việc đuổi học, vì như vậy nhà trường lại tống vào xã hội một con người bất hảo không được giáo dục và sẽ càng có nhiều hành vi bất hảo hơn". Để hạn chế tình trạng này, cần dạy cho học sinh những điều sơ đẳng nhất trong việc ứng xử với mọi người xung quanh. Phân biệt thế nào là tính trung thực, thật thà, thiện ác, tốt xấu.

Đối với lứa tuổi học sinh, không nên đề cao một cách quá đáng tính dân chủ, tính tự do mà phải đưa họ vào những khuôn phép hợp lý, thể hiện ở nội quy của từng trường. Đó là nội dung chủ yếu của môn giáo dục công dân và cũng là nội dung tích hợp trong các môn học khác, kể cả các môn khoa học tự nhiên...

Còn về "chống" thì cần nghiên cứu lại các hình thức kỷ luật học sinh, vừa nghiêm minh, vừa hiệu quả, vừa mang tính giáo dục. Không nên để hình phạt trở thành nhàm chán, không đáng sợ.

Theo Lao động

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.