Tuy nhiên, trên thực tế, cũng có không ít tranh chấp liên quan đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng đã xảy ra, gây tổn thất về thời gian và tài chính cho các bên. Vậy, đâu là những nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp này? Và các bên cần lưu ý điều gì khi ký kết và thực hiện hợp đồng bảo lãnh? Những phân tích, chia sẻ của TS. Nguyễn Thị Phương Châm - Giảng viên Khoa Luật Dân sự- Trường Đại học Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội đưa ra trong bài phỏng vấn dưới đây sẽ giúp quý vị có cái nhìn tổng quan hơn về vấn đề này.
PV: Trước tiên, xin cảm ơn bà đã nhận lời tham gia bài phỏng vấn. Thưa bà, đâu là những nguyên nhân chủ yếu của các tranh chấp liên quan đến bảo lãnh thực hiện hợp đồng trên thực tế, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Phương Châm:
Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh là một trong các tranh chấp phổ biến hiện nay không những trong quan hệ kinh doanh, thương mại mà cả trong quan hệ dân sự.
Các tranh chấp về hợp đồng bảo lãnh chủ yếu xoay quanh về tranh chấp hiệu lực của hợp đồng; bên cạnh đó cũng phải kể đến tranh chấp về vi phạm thực hiện nghĩa vụ của các bên như vi phạm nghĩa vụ bảo lãnh của bên bảo lãnh, vi phạm nghĩa vụ hoàn trả lại của bên được bảo lãnh đối với bên bảo lãnh sau khi bên bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh; cuối cùng có thể kể đến tranh chấp liên quan đến thời điểm, căn cứ chấm dứt hợp đồng bảo lãnh.
Cụ thể,
- Tranh chấp về hiệu lực của hợp đồng bảo lãnh: Thông thường là tranh chấp về giá trị pháp lý của hợp đồng bảo lãnh và giải quyết hậu quả khi hợp đồng bảo lãnh vô hiệu. Các tranh chấp thường gặp trong nhóm này là một số tranh chấp về chủ thể giao kết hợp đồng, hình thức của hợp đồng, nội dung của hợp đồng,…
- Tranh chấp về thực hiện nghĩa vụ: bên bảo lãnh hay bên được bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ trước, …
- Tranh chấp về chấm dứt hợp đồng bảo lãnh: Thường là tranh chấp về cơ sở pháp lý của việc chấm dứt hợp đồng bảo lãnh như: giá trị pháp lý của biên bản hoà giải chấm dứt bảo lãnh, thời điểm nghĩa vụ được thực hiện là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ bảo lãnh…
PV: Thưa bà,có ý kiến cho rằng, pháp luật hiện hành đang thiếu quy định bảo vệ quyền lợi của bên nhận bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh vẫn đủ khả năng thanh toán các khoản nợ nhưng lại cố tình không trả để đẩy trách nhiệm cho bên bảo lãnh. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
TS. Nguyễn Thị Phương Châm:
Dưới góc nhìn của pháp luật so sánh và quy chuẩn chung của quốc tế, khi nói về khái niệm bảo lãnh thì bên bảo lãnh chỉ phải có nghĩa vụ thực hiện thay (tức nghĩa vụ bổ sung) trong trường hợp bên có nghĩa vụ chính (bên được bảo lãnh) không có khả năng thực hiện nghĩa vụ (Nguyên tắc). Và bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ đến hạn nếu các bên có thoả thuận (Ngoại lệ). Trong khi đó, khoản 1, Điều 335, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về khái niệm Bảo lãnh nêu rõ: “Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.” Và khoản 2 Điều này quy định: “Các bên có thể thỏa thuận về việc bên bảo lãnh chỉ phải thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh trong trường hợp bên được bảo lãnh không có khả năng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.”
Nếu xem khoản 1 là nguyên tắc và khoản 2 là ngoại lệ, có thể thấy, khái niệm về bảo lãnh của Việt Nam đang đi ngược với quy chuẩn chung của quốc tế. Nguyên tắc của pháp luật quốc tế lại trở thành là ngoại lệ trong quy định pháp luật Việt Nam; và ngược lại, ngoại lệ của mình thì lại trở thành nguyên tắc của pháp luật quốc tế.
Khi áp dụng pháp luật hiện hành, có thể hiểu như sau: chỉ cần bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ khi đến hạn thì bên nhận bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay thế mà không cần quan tâm đến yếu tố bên được bảo lãnh (bên có nghĩa vụ chính) có còn khả năng thực hiện nghĩa vụ hay không, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Những hạn chế này gây ra bất lợi cho bên bảo lãnh và trên thực tế xảy ra các tranh chấp trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo lãnh. Đồng thời, trong một số trường hợp, các cơ quan thi hành án cũng gặp khó khăn. Đó là khi phán quyết của tòa đã được tuyên nhưng khi thi hành án, bên bảo lãnh lại đưa ra những lý do hợp lý rằng bên được bảo lãnh (bên có nghĩa vụ chính) có đầy đủ tài sản để thực hiện nghĩa vụ nhưng họ lại không thực hiện nghĩa vụ và không bị cưỡng chế thi hành. Trong khi đó, bên có nghĩa vụ bổ sung (bên bảo lãnh) lại phải thực hiện nghĩa vụ thay là điều bất hợp lý nhìn từ góc độ lẽ công bằng.
PV: Thưa bà, xin bà chia sẻ một số giải pháp để khắc phục các vướng mắc của những quy định về bảo lãnh thực hiện hợp đồng, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Phương Châm:
Theo hệ quy chiếu chung, nhìn từ góc nhìn pháp luật so sánh, các quy định về hợp đồng bảo lãnh của nhiều nước trên thế giới hướng tới mục tiêu cân bằng quyền và lợi ích của hai bên (bên bảo lãnh và bên nhận bảo lãnh) phù hợp với bản chất pháp lý của phân loại hợp đồng đơn vụ (hợp đồng bảo lãnh là hợp đồng đơn vụ). Nhưng theo như hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, các quy định dường như đang dành ưu thế cho bên nhận bảo lãnh. Chính vì vậy, bên bảo lãnh sẽ cần được pháp luật ghi nhận thêm hai quyền kháng biện cơ bản để tránh những bất cập phát sinh như hiện nay trong giai đoạn thực hiện hợp đồng:
1. Quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên nhận bảo lãnh chưa yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ.
2. Quyền từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong trường hợp bên bảo lãnh chứng minh được rằng bên được bảo lãnh đang còn tài sản để thực hiện nghĩa vụ. Trong trường hợp này, bên được bảo lãnh phải sử dụng những tài sản đó để thực hiện nghĩa vụ của mình trước.
PV: Thưa bà, và cuối cùng, xin bà chia sẻ một số lời khuyên cho các bên khi kí kết hợp đồng bảo lãnh để hạn chế tối đa các tranh chấp có thể xảy ra, thưa bà?
TS. Nguyễn Thị Phương Châm:
Các bên cần có nhận thức đầy đủ về chủ thể tham gia giao kết, hình thức, nội dung hợp đồng bảo lãnh. Đối với bên nhận bảo lãnh phải thận trọng trong việc xác định thẩm quyền của người đại diện thay mặt pháp nhân xác lập hợp đồng bảo lãnh, bởi nhiều hợp đồng bảo lãnh đã bị tuyên vô hiệu do người đại diện của bên bảo lãnh không có thẩm quyền xác lập hợp đồng bảo lãnh. Đối với bên bảo lãnh, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, bên bảo lãnh xác định mình là bên có nghĩa vụ bổ sung và “chỉ” thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi bên có nghĩa vụ chính (bên được bảo lãnh) không có khả năng thực hiện. Nhưng nhận thức đó dù tiếp cận ở sự hợp lý, lẽ công bằng nhưng lại không đúng với quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, bên bảo lãnh khi tham gia hợp đồng nếu xác định rằng mình chỉ thực hiện nghĩa vụ trong trường hợp trên thì phải thỏa thuận rõ và đưa điều khoản này vào trong hợp đồng bảo lãnh. Bởi vậy, nếu thiếu tự tin về kiến thức pháp luật, các bên nên tham vấn ý kiến của các chuyên gia về mặt pháp lý trong quá trình soạn thảo, kí kết hợp đồng.
Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.
Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/
Kính mời bạn đọc theo dõi!