Bảo hiểm y tế toàn dân góp phần chăm sóc sức khỏe người dân

0:00 / 0:00
0:00
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.
Người dân đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) bằng thẻ BHYT trên ứng dụng VssID.
Những năm gần đây, mỗi năm quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả hơn 100 nghìn tỷ đồng cho khoảng 170 triệu lượt người khám chữa bệnh. Quỹ BHYT ngày càng khẳng định là nguồn tài chính đáng kể chia sẻ trong việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân và đảm bảo an sinh xã hội, giảm gánh nặng tài chính cho nhiều gia đình.

Không ngừng tăng quyền lợi

Khoa Nội thận - Tiết niệu- Lọc máu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có hàng chục bệnh nhân đang điều trị và chạy thận nhân tạo. Mỗi tuần bệnh nhân phải đến bệnh viện 3 lần để lọc máu và lấy thuốc, chi phí trung bình khoảng 11 triệu/tháng/người bệnh, cả năm từ 120 - 130 triệu đồng/người. Chi phí lớn như vậy, vẫn có nhiều bệnh nhân đã điều trị chạy thận nhân tạo tại bệnh viện trên 10 năm, lâu nhất đã 18 năm. Chi phí điều trị đó vượt quá điều kiện kinh tế của hầu hết bệnh nhân tại đây. Tuy nhiên, tất cả các bệnh nhân chạy thận nhân tạo đều tham gia BHYT, giúp giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình và tiếp tục cuộc sống.

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tới hết tháng 10/2021, cả nước có hơn 82,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ hơn 84,5% dân số. Trong đó, khoảng 70% người tham gia BHYT sử dụng quyền lợi khám chữa bệnh, với tần suất bình quân 2 lần/năm. Điều đó cho thấy vai trò của BHYT với chăm sóc sức khỏe người dân rất quan trọng.

Quỹ BHYT đã chi trả rất nhiều trường hợp bệnh nặng, điều trị kéo dài, như các bệnh ung thư, tim mạch, suy thận, đến các loại kỹ thuật cao như chi trả mổ rô-bốt, mổ nội soi, chụp CT... Từ năm 2018 tới nay, mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 1.500-1.700 tỷ đồng cho bệnh nhân đặt stent động mạch vành và hàng ngàn tỷ đồng cho các bệnh nhân đặt thủy tinh thể.

Số liệu từ Hệ thống Thông tin giám định BHYT cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 75 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT, với số tiền đề nghị thanh toán gần 49.000 tỷ đồng. Trong đó, có 25 bệnh nhân được quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị trên 1 tỷ đồng (cao nhất hơn 2 tỷ đồng); có 213 bệnh nhân quỹ BHYT thanh toán chi phí điều trị từ 500 triệu đồng tới 1 tỷ đồng.

Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, như từ năm 2021 đã thông tuyến tỉnh trên toàn quốc với bệnh nhân điều trị nội trú, thông tuyến huyện từ năm 2016 tới nay. Điều này giúp người bệnh thuận tiện hơn trong khám chữa bệnh BHYT ở bất kể bệnh viện nào trên cả nước không cần tới nơi đăng ký ban đầu để chuyển viện.

Từ đầu năm 2020 tới nay, dịch COVID-19 diễn biễn phức tạp, quỹ BHYT đã chi trả một phần chi phí khám, xét nghiệm, điều trị COVID-19. Cùng với đó, từ ngày 1/6 vừa qua, người dân có thể sử dụng ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID - BHXH số thay thẻ giấy trong khám chữa bệnh...

Cộng đồng cùng chia sẻ

Việc gia tăng số người tham gia và sử dụng BHYT cho thấy chính sách này đang trở thành nguồn tài chính đáng kể cùng ngân sách nhà nước chăm sóc sức khỏe người dân. Tăng tỷ lệ chi quỹ BHYT cũng tạo áp lực cho cơ quan quản lý quỹ (BHXH Việt Nam) trong quản lý, cân đối quỹ. Từ năm 2016 tới nay, số chi khám chữa bệnh BHYT thường xuyên vượt dự toán với mức bình quân từ 10-20%. Ước tính 6 tháng đầu năm 2021, số chi quỹ BHYT tăng gần 50.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Theo BHXH Việt Nam, số chi quỹ BHYT tăng cao có một phần tới từ tình trạng thống kê, thanh toán chi phí khám chữa bệnh không hợp lý, không đúng quy định, thanh toán khống chi phí. Phổ biến nhất là tình trạng kê khống đơn thuốc, dịch vụ kỹ thuật, cấp khống giấy nghỉ ốm để hưởng BHXH...

Để đảm bảo quỹ BHYT bền vững, BHXH Việt Nam xác định, cần tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân và bảo đảm bền vững tài chính của quỹ BHYT. Thời gian qua, cơ quan BHXH các cấp tiếp tục tăng cường công tác giám định và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT; giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp với cơ quan chức năng xử lý tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; tham gia nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định pháp luật về BHYT...

Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tới mục tiêu BHYT toàn dân, khi người lao động mất việc làm nên tạm rời hệ thống. Để người lao động tiếp tục được BHYT bảo vệ sức khoẻ, BHXH Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương, các cấp ngành để tuyên truyền, vận động người thân tham gia BHYT.

Cùng với đó, cơ quan BHXH còn đa dạng hình thức tuyên truyền, tận dụng lợi thế của mạng xã hội để thêm kênh truyền tải tới người dân; tăng cường giao dịch điện tử để thuận lợi cho người dân tham gia BHYT; kêu gọi các tổ chức, cá nhân ủng hộ để tặng thẻ BHYT cho người dân khó khăn...

Trong năm 2021, quỹ BHYT đã chi trả tiền khám chữa bệnh cho nhiều trường hợp với số tiền hàng tỷ đồng. Cụ thể như bệnh nhân có thẻ BHYT mã BT2868621620xxx (ở Vũng Liêm, Vĩnh Long) điều trị 2 lần do bệnh về máu tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM), quỹ BHYT thanh toán hơn 2 tỷ đồng; hay trường hợp bệnh nhân có thẻ BHYT mã TS2777722088xxx (ở Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) điều trị nhiễm khuẩn tại Bệnh viện Chợ Rẫy được quỹ BHYT thanh toán hơn 1,7 tỷ đồng.

MỚI - NÓNG