![]() |
Trong môi trường sư phạm, bạo hành là tối kỵ Ảnh: Hồng Vĩnh |
Một số trường hợp bạo hành đối với học sinh trong nhà trường đã xảy ra như: Cô giáo dọa nhốt học sinh vào bao tải, cô giáo bắt học sinh nhét giẻ vào mồm..., và một vụ việc mới ở Thừa Thiên - Huế là học sinh lớp 1 Nguyễn Thị Thanh Liên (Trường Tiểu học Phú Xuân 2, huyện Phú Vang) đã bị cô giáo dùng thước đập bầm các đầu ngón tay, liên tiếp gõ vào đầu đến sưng vù và chảy máu, khiến em phải bỏ ăn bỏ uống cả mấy ngày...
Có liên quan đến bệnh thành tích
Thưa Tiến sĩ (TS) tâm lý học Nguyễn Minh Hải, ông nhìn nhận thế nào về hiện tượng một số giáo viên xử phạt quá tay đối với học sinh trong nhà trường thời gian gần đây?
TS Nguyễn Minh Hải (TT Tâm lý học, sinh lý lứa tuổi, ĐH Sư phạm Hà Nội): Chúng ta phải khẳng định rằng, hành vi bạo hành của giáo viên đối với học sinh trong trường học là sự ứng xử thô bạo, cần phải lên án.
Các hành vi bạo hành có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, tùy tình huống cụ thể, ví dụ như do ức chế của bản thân giáo viên, những ức chế không liên quan đến học sinh (ức chế do cãi cọ với cha mẹ, chồng, người thân hay lãnh đạo cơ quan...); hay do sức ép thành tích của bản thân cá nhân đó trong khi các học sinh không tuân thủ các quy định, nguyên tắc của giáo viên, nhà trường... làm ảnh hưởng thành tích của cô giáo, của nhà trường.
Rõ ràng là giáo viên có nhiều ức chế, ngay cả các ức chế về mặt xã hội như bao người khác nữa.
Vậy, nhà trường có cách nào để hạn chế bạo hành đang diễn ra trong đời sống nhiều stress như hiện nay?
Nguyên nhân thế nào thì phải có giải pháp tương ứng như thế. Ví dụ, phải giải quyết các ức chế của giáo viên có liên quan đến nhà trường như chế độ chính sách, tiền lương, điều kiện làm việc... (nếu thu nhập thấp thì cũng dễ sinh ra cáu gắt).
Nếu giáo viên bị sức ép của căn bệnh thành tích thì nhà trường phải đi vào việc dạy thực chất, học thực chất, đánh giá thực chất để giảm bớt sức ép lên giáo viên, nếu không, giáo viên sẽ dễ lại gây sức ép lên đầu học sinh và sự việc sẽ xảy ra như đã thấy.
Là một người có trách nhiệm về giáo dục phổ thông, ông có ý kiến gì trước hiện tượng bạo hành trong nhà trường thời gian qua?
Ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học: Luật Giáo dục 2005 đã có điều 75 quy định rất rõ những điều giáo viên không được làm.
Điều 118 Luật Giáo dục 2005 cũng quy định rất rõ những hình thức xử lý đối với giáo viên. Bộ GD-ĐT sẽ làm theo các quy định của luật pháp. Còn về những giáo viên đã vi phạm thì cấp nào quản lý, cấp đó phải căn cứ theo luật để xử lý.
Điều 75: Các hành vi nhà giáo không được làm Nhà giáo không được có các hành vi sau đây: 1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học; 2. Gian lận trong tuyển sinh, thi cử, cố ý đánh giá sai kết quả học tập, rèn luyện của người học; 3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; 4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền. Điều 118: Xử lý vi phạm 1. Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật: a) Thành lập cơ sở giáo dục hoặc tổ chức hoạt động giáo dục trái phép; b) Vi phạm các quy định về tổ chức, hoạt động của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; c) Tự ý thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục; d) Xuất bản, in, phát hành sách giáo khoa trái phép; đ) Làm hồ sơ giả, vi phạm quy chế tuyển sinh, thi cử và cấp văn bằng, chứng chỉ; e) Xâm phạm nhân phẩm, thân thể nhà giáo; ngược đãi, hành hạ người học; g) Gây rối, làm mất an ninh, trật tự trong nhà trường, cơ sở giáo dục khác; h) Làm thất thoát kinh phí giáo dục; lợi dụng hoạt động giáo dục để thu tiền sai quy định; i) Gây thiệt hại về cơ sở vật chất của nhà trường, cơ sở giáo dục khác; k) Các hành vi khác vi phạm pháp luật về giáo dục. 2. Chính phủ quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. |