Hãng Lenta dẫn tờ JoongAng Daily của Hàn Quốc cho biết, trong trường hợp gặp phải sự phản kháng của Hàn Quốc và quân đội Mỹ, “Triều Tiên sẽ hoàn tất công việc trong 15 ngày”.
Ngoài vũ khí thông thường, là pháo binh, xe tăng và máy bay chiến đấu, lực lượng tác chiến đặc biệt, kế hoạch chiến tranh phi đối xứng của Triều Tiên còn cho phép quân đội nước này sử dụng vũ khí hạt nhân một khi xung đột với Hàn Quốc xảy ra.
Kế hoạch chiến tranh phi đối xứng được xây dựng hồi năm 2012, chưa đầy một năm sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền.
Bình Nhưỡng dự định hoàn thành kế hoạch chiến tranh vào năm 2013, nhưng sau đó đã phải kéo dài tới 2014, năm được xem là “Năm của các cuộc chiến tranh thống nhất đất nước”.
Kế hoạch chiến tranh phi đối xứng của Triều Tiên được xây dựng dựa trên sự phân tích các hoạt động quân sự của Mỹ ở Iraq và Afghanistan những năm gần đây.
“Triều Tiên đã đi đến kết luận rằng, trong các cuộc chiến tranh kéo dài, Bình Nhưỡng không có cơ hội. Để nhanh chóng kết thúc một cuộc chiến tranh, Bình Nhưỡng đã chọn một cuộc chiến tranh phi đối xứng, bất chấp áp lực và sự lên án của cộng đồng quốc tế”, theo Lenta.
Thông báo về kế hoạch của Bình Nhưỡng được đưa ra chỉ ít ngày sau khi Seoul công bố Sách trắng Quốc phòng năm 2014.
Trong Sách trắng Quốc phòng công bố hai năm một lần, chính quyền Hàn Quốc đã lần đầu tiên đã đưa ra những phân tích về chương trình hạt nhân cũng như các hoạt động quân sự của Triều Tiên.
Theo đó, Hàn Quốc cho rằng, CHDCND Triều Tiên “có vẻ như đã đạt đến một mức đáng kể trong khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp vào một tên lửa đạn đạo”.
Giới chức Seoul khẳng định, “Bình Nhưỡng đã sở hữu đủ 40 kg plutonium cấp độ vũ khí để sản xuất đầu đạn hạt nhân”, và cơ sở hạt nhân Yongbyon là nơi CHDCND Triều Tiên sản xuất plutonium.
Đáng chú ý, Sách trắng Quốc phòng Hàn Quốc lần đầu tiên đưa ra nhận định rằng Triều Tiên “được cho là sở hữu các tên lửa có thể đe dọa đến Mỹ” và đã thử nghiệm tên lửa tầm xa 5 lần.