Chương trình - SGK mới:

Bao giờ học sinh nghe, nói được tiếng Anh?

Với Chương trình - SGK môn ngoại ngữ mới, hy vọng học sinh Việt Nam sẽ giao tiếp được bằng tiếng Anh. Ảnh : Nghiêm Huê.
Với Chương trình - SGK môn ngoại ngữ mới, hy vọng học sinh Việt Nam sẽ giao tiếp được bằng tiếng Anh. Ảnh : Nghiêm Huê.
TP - Theo GS Nguyễn Lộc, chủ biên môn tiếng Anh, đường hướng chủ đạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới môn Tiếng Anh là giao tiếp. Vậy với dự thảo chương trình vừa được Bộ GD&ĐT công bố, học sinh Việt Nam liệu có nghe nói được bằng tiếng Anh sau khi tốt nghiệp THPT?

Thi ngoại ngữ phải có nghe - nói

Dự thảo chương trình môn tiếng Anh vừa được Bộ GD&ĐT công bố là môn học bắt đầu từ lớp 3 đến lớp 12 trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Còn lớp 1, lớp 2 được xây dựng để chuẩn bị kiến thức và tâm thế cho học sinh tiểu học học tiếng Anh chính thức từ lớp 3 một cách hiệu quả. Chương trình được xây dựng cho môn Ngoại ngữ tự chọn lớp 1 và lớp 2 cấp tiểu học.

Kỹ năng giao tiếp và kiến thức ngôn ngữ được xây dựng trên cơ sở các đơn vị năng lực giao tiếp cụ thể, trong các chủ đề và chủ điểm phù hợp với học sinh phổ thông nhằm giúp các em khi kết thúc cấp tiểu học đạt được năng lực giao tiếp bậc 1, kết thúc THCS đạt được bậc 2 và khi kết thúc THPT đạt bậc 3 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam. Mục tiêu này không khác so với mục tiêu mà Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 đã đề ra.

Đánh giá về dự thảo chương trình môn tiếng Anh, ông Phạm Trung Hiếu, giáo viên dạy tiếng Anh thuộc hệ thống giáo dục Học mãi cho biết: Chương trình có nhiều điểm mạnh, nhất là về nội dung chương trình, đã đưa được những chủ đề gần gũi với tâm lý lứa tuổi học sinh theo từng cấp; tăng hoạt động tương tác để  phát triển kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp; nội dung ngữ pháp, ngữ âm khá đầy đủ. Chương trình này nếu triển khai tốt sẽ mang lại luồng gió mới trong dạy và học tiếng Anh.

Còn về chương trình hiện hành, theo ông Hiếu, ngôn ngữ, ngôn từ, chủ đề không phù hợp với sự phát triển hiện nay. Chương trình hiện hành chưa mang tính chất định hướng cho học sinh một nghề nghiệp cụ thể. Đồng thời chưa lồng ghép các chủ đề  khác như công nghệ thông tin.

Với chương trình hiện hành, các hoạt động tương tác chưa đủ mạnh, chưa đủ nhiều để mang lại cho học sinh kỹ năng giao tiếp, thuyết trình. Trong khi đó, dự thảo chương trình mới đã  phân bổ các chủ đề khá đồng đều, có tính chất kế thừa. THCS kế thừa chủ đề của tiểu học, THPT khó hơn nhưng kế thừa từ cấp THCS nên phù hợp với sự phát triển tri thức và nhận thức của học sinh.

Các kỹ năng về mặt thực tế như giao tiếp đưa vào từ tiểu học và được phân bố rất đều. Tiểu học đưa ra kỹ  năng đơn giản như trình bày về bản thân, các đồ vật xung quanh. “Tôi đánh giá cao về việc này. THCS không phải học những kiến thức này nữa. Do đó, kế thừa cả chủ đề và kỹ năng, các kiến thức, phân bố theo một trình độ theo tính chất quy trình, làm nền tảng cho học sinh học tiếp các bậc học tiếp theo” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phạm Trung Hiếu cũng khẳng định, chương trình mới đã khắc phục được hạn chế của chương trình hiện hành là nặng về ngữ pháp, như đã lồng ghép nhiều kỹ năng nghe nói. Điều đó được thể hiện ở chỗ đưa nhiều nội dung mang tính chất hỏi đáp và làm việc nhóm để tăng kỹ năng xã hội. “Nhưng mấu chốt để thực hiện chương trình này là thay đổi cách thức đánh giá, kiểm tra. Học sinh được học giao tiếp, thì kiểm tra phải có hình thức  mới như kiểm tra vấn đáp hoặc thi nghe.  Vì học sinh Việt Nam chưa thoát khỏi tâm lý học để kiểm tra. Nên thay đổi được hình thức kiểm tra, thi cử thì học sinh sẽ quyết tâm và giáo viên cũng thay đổi”  - ông Hiếu cho hay.

Trăm thứ đổ đầu giáo viên

 Chương trình mới có khuyến khích giáo viên, học sinh ứng dụng tiến bộ của CNTT, ứng dụng mạng internet, ứng dụng phần mềm trong đào tạo. Sĩ số lớn là điều  rất khó khăn, thử thách với giáo viên. Vì vậy việc ứng dụng này la cần thiết. Theo phân bổ chương trình mới cũng như hiện hành học sinh chỉ được học 3- 4 tiết/tuần thì sẽ không đủ thời gian tương tác trực tiếp trên lớp. Vì vậy phải ứng dụng phần mềm để triển khai tốt hơn.

Tuy nhiên, theo một chuyên gia về ngoại ngữ thì sẽ không có nhiều đột phá trong việc dạy và học tiếng Anh trong trường học so với hiện nay. “Thực tế, phụ huynh ở các vùng thuận lợi thường đón được xu hướng của thời đại, nên họ đầu tư cho con đi học ngoại ngữ ở ngoài. Sắp tới cũng thế. Nên sẽ không có thay đổi nhiều về chất và lượng” – vị chuyên gia này bình luận.

Là người từng tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ cho giáo viên phổ thông khi tham gia vào đề án Ngoại ngữ 2020, vị chuyên gia này cho rằng ông rất thương giáo viên. Khi đi thi để cấp chứng chỉ, họ không có được động lực cũng như đầu tư để học hành đến nơi đến chốn. Vị chuyên gia cũng khẳng định trong quá trình tổ chức thi để cấp chứng chỉ cho giáo viên, trình độ giáo viên ở nhiều nơi còn rất thấp.

Trong khi đó, theo số liệu mà Tiền Phong có được thực tế giáo viên ngoại ngữ phổ thông không chỉ thiếu về số lượng mà tỷ lệ giáo viên phổ thông chưa đạt chuẩn còn cao. Các địa phương đều thiếu giáo viên tiếng Anh, nhất là bậc tiểu học (thông thường có 1 hoặc 2 giáo viên/trường).

Tỷ lệ giáo viên tiếng Anh các cấp học phổ thông chưa đạt chuẩn quy định theo khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam còn cao (tiểu học còn 48,1%; trung học cơ sở còn 35,8%; trung học phổ thông còn 52,9%). Trong khi đó, giữa chương trình tiếng Anh phổ thông và tiếng Anh ở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học chưa có tính liên thông.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.