Bao giờ đặt máy soi thực phẩm ở chợ?

Quầy bán gà tết, ruồi bâu ở một chợ Hà Nội. ảnh: hồng vĩnh
Quầy bán gà tết, ruồi bâu ở một chợ Hà Nội. ảnh: hồng vĩnh
TP - Theo Bộ NN&PTNT, đây sẽ là thiết bị kiểm tra nhanh, tập trung vào “soi” chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, chất bảo quản... và đặt ở các chợ đầu mối.

Còn Bộ Công Thương công bố đường dây nóng an toàn thực phẩm từ lâu, nhưng vẫn chưa chính thức hoạt động.

Vẫn chờ thủ tục hành chính

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản - Nafiqad (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ NN&PTNT đã có văn bản hướng dẫn Hà Nội trong việc lắp thiết bị kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) ở các chợ.

Theo ông Tiệp, triển khai bộ phận kiểm tra chất lượng và thiết bị kiểm tra các chỉ tiêu về ATTP ở các chợ đầu mối là cần thiết (nhằm cung cấp dịch vụ kiểm tra nhanh cho các chủ hộ, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng). Việc lựa chọn thiết bị cần phù hợp với tính chất, loại thực phẩm, nguy cơ mất ATTP với từng hàng hóa tương ứng trong mỗi chợ.

“Vấn đề là máy như thế nào, ai kiểm định, tính chất pháp lý ra sao, công bố kết quả thế nào... Còn kinh phí với thành phố không phải vấn đề khó khăn. Dự kiến các thiết bị sẽ lắp ở các chợ đầu mối”.

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội

Lãnh đạo Nafiqad cho biết, do thời gian lưu giữ hàng hóa tại các chợ đầu mối ngắn, nên cần tập trung vào các thiết bị kiểm nhanh, sàng lọc. Các bộ “kít” thử nhanh, cần “đánh” về chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh, chất bảo quản... Hà Nội cần xây dựng đề án, xác định rõ mục tiêu, quy mô đầu tư cho từng mô hình chợ. Mặt khác, để kết quả kiểm nghiệm có giá trị pháp lý; các nội dung đầu tư phải đảm bảo phù hợp với các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

Theo Bộ NN&PTNT, hiện danh mục các loại “kít” thử nhanh được phép lưu hành ở nước ta do Bộ Y tế quản lý. Các bộ xét nghiệm nhanh được sử dụng để kiểm soát ATTP trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; giúp các chủ hộ, cơ sở kinh doanh, người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn thực phẩm, hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.

Tuy nhiên, kết quả trên, chỉ dùng để sàng lọc, định hướng cho các thử nghiệm khẳng định tiếp theo trong phòng kiểm nghiệm, không sử dụng để xử lý vi phạm. Ông Tiệp cho biết, thực tế, các thiết bị kiểm tra nhanh không phải máy móc gì to tát và có thể mua ở trong nước.

Trao đổi với Tiền Phong, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, hiện vẫn chưa triển khai việc lắp đặt thiết bị “soi” ATTP, đang chờ hướng dẫn của Bộ NN&PTNT. “Vấn đề là máy như thế nào, ai kiểm định, tính chất pháp lý ra sao, công bố kết quả thế nào... Còn kinh phí với thành phố không phải là vấn đề khó khăn. Dự kiến các thiết bị sẽ lắp ở các chợ đầu mối” - bà Ngọc nói.

Trước đó, tại cuộc làm việc với TP Hà Nội về công tác đảm bảo ATTP (ngày 16/1), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Hà Nội phối hợp với các bộ liên quan để bố trí thiết bị kiểm tra ATTP tại một số chợ, siêu thị. Phó Thủ tướng cũng giao các Bộ Y tế, Công Thương, NN&PTNT hỗ trợ Hà Nội trong việc kiểm nghiệm ATTP, hướng dẫn lựa chọn thiết bị, đảm bảo giá trị của kết quả kiểm nghiệm.

Có dây nóng, nhưng chưa hoạt động

Ngày 17/2, ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, hiện đường dây nóng về an toàn thực phẩm (ATTP) của lực lượng quản lý thị trường vẫn chưa đi vào hoạt động. Khi hỏi, sao công bố từ lâu với báo chí, nhưng không hoạt động ngay để hỗ trợ người tiêu dùng, ông Lam nói: “Hiện, đường dây nóng đang trong quá trình chạy thử. Khi nào hoạt động, chúng tôi sẽ thông báo”.

Trước đó, ngày 7/2, Cục Quản lý Thị trường công bố số đường dây nóng số: 1900585826. Số điện thoại này được kỳ vọng sẽ hoạt động thông suốt, liên tục 24/24 giờ. Khi các tổ chức, cá nhân báo tin sẽ được đảm bảo giữ bí mật về danh tính, điện thoại, địa chỉ, nội dung phản ánh cũng như đảm bảo bí mật thông tin của cơ quan quản lý nhà nước.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.